Sử dụng chung một thủ đoạn là vào Facebook cá nhân của bác sĩ, đóng giả làm bệnh nhân và nhờ khám, những đối tượng này khéo léo lừa các bác sĩ tư vấn qua facebook, zalo,…. Sau đó, các đối tượng gọi video nhờ tư vấn khám bệnh để lấy hình của bác sĩ, cắt ghép video thành clip sex, đe dọa tổng tiền.
Lúc đầu, các đối tượng chỉ tống tiền 1 triệu đồng, với tâm lý hoang mang khi clip được cắt ghép rất chuyên nghiệp, để yên ổn nên một số bác sĩ đã chọn phương án chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo này.
Tuy nhiên, những lần tống tiền theo cấp số nhân lên tới hàng trăm triệu đồng liên tiếp đe dọa bác sĩ, khiến cho họ rơi vào khủng hoảng tinh thần.
Một số bác sĩ không chuyển tiền, những kẻ này đã gửi clip đến gia đình, người thân, thậm chí là tung lên mạng với lời đe dọa “cho cả thế giới biết” làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người bị hại. Các bác sĩ cho biết đã làm đơn trình báo sự việc đến các cơ quan chức năng.
Kể lại câu chuyện 3 lần liên tiếp chuyển tiền cho kẻ lừa đảo với hy vọng cho êm cửa êm nhà, bác sĩ V.T.A đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội vẫn không giấu nổi sự bức xúc.
“Lần một các đối tượng lừa đảo bảo chỉ cần chuyển một triệu thì sẽ coi như không có chuyện gì, tôi cũng sợ phiền hà rồi nếu có chuyện gì mọi người không hiểu lại mang tiếng, số tiền không nhiều nên tôi đành chuyển khoản . Nhưng có lần một, lại có lần 2. Lần 2 họ đòi 5 triệu, rồi lần 3 là 10 triệu. Số tiền cứ lên theo cấp số nhân khiến tôi không thể chịu đựng được nữa và bắt buộc phải lên tiếng”, bác sĩ A chia sẻ.
Bác sĩ N.V.H công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội cũng chia sẻ trong sự mệt mỏi: “Tôi thực sự không dám nghĩ chuyện này có thể xảy đến với mình. Tôi thấy trên mạng lantruyền nhiều các thông tin về hành vì lừa đảo, tống tiền qua mạng, nhưng tôi không nghĩ chúng lại tìm đến các đối tượng bác sĩ với thủ đoạn hết sức tinh vi là lừa làm bệnh nhân nhờ khám. Hiện tại, clip chúng gửi cho vợ tôi và gia đình tôi đang đứng trên bờ vực do sự nghi ngờ của vợ. Tôi cây ngay nhưng đang bị chết đứng”.
Những năm gần đây, hình thức lừa đảo qua mạng với nhiều chiêu khác nhau như: gửi các đường link nhằm lấy cắp tài khoản, tạo việc làm online để lừa đối tượng chuyển tiền làm nhiệm vụ; lừa làm quen rồi gạ chat sex rồi tống tiền đối tượng… đã được các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo. Không ít đối tượng đã sa lưới.
Tuy nhiên, thủ đoạn lừa gạt đối tượng bác sĩ dưới danh nghĩa bệnh nhân nhờ khám bệnh là chiêu thức mới khiến các bác sĩ rơi vào khủng hoảng.
Nhận thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần được lên tiếng cảnh báo, đặc biệt là các bác sĩ trong quá trình trao đổi với người lạ giả mác bệnh nhân cần hết sức cẩn thận. Và nếu có rơi vào tình huống tương tự thì hãy bình tĩnh để tránh rơi vào tình huống dở khóc dở cười, tiền mất tật mang.
Trước đó, Bộ Công an cũng thông tin, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân, trong đó chiêu thức giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu để lừa đảo cũng diễn biến khá phức tạp.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam như: Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; lừa đảo đầu tư tài chính…
Giả danh bác sĩ lừa bán thuốc
Liên quan đến hình thức lừa đảo qua mạng, trước đó, ngày 11/12, Công an huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã khởi tố 26 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả.
Với thủ đoạn giả danh các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nghi phạm Phạm Viết Trung (SN 1995, ở thôn Xuân Thành, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cùng 25 đồng phạm đã lừa bán thuốc cho 8.000 người để chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng.
Nhóm này thành lập Công ty Cổ phần Dược phẩm SPARTA do Phạm Viết Trung làm giám đốc với vốn ban đầu là 100 triệu đồng.Khi đó, các đối tượng đã lên kịch bản giả danh bác sĩ của các bệnh viện lớn rồi chạy quảng cáo để bán thuốc qua mạng cho người bệnh.
Các đối tượng lập fanpage có tên các bệnh viện 103, 108 rồi đăng tải hình ảnh, logo của các bệnh viện này. Các trang này có tiêu đề, nội dung, hình ảnh có liên quan đến các bệnh viện để thu hút người bệnh có nhu cầu tìm hiểu, chữa bệnh.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 5/2022 - 10/2023, Trung và đồng phạm đã bán thành công 12.800 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở các tỉnh thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỷ đồng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã phát đi cảnh báo về việc mạo danh các bác sĩ, quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh.Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.