Gặp các doanh nghiệp lớn tại Tokyo, Nhật Bản sáng 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp khó lường, nhưng Việt Nam đã đứng vững với nội lực và sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác toàn cầu.
Theo Thủ tướng, Việt Nam chọn tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường lao động cân bằng, đủ năng lượng cho sản xuất, kinh doanh. Các cân đối lớn như nợ công, nợ Chính phủ và nước ngoài được kiểm soát, tạo lòng tin, an tâm cho các nhà đầu tư.
Năm 2022, quy mô GDP Việt Nam là trên 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD.
11 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 30 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân 20 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn của thị trường thế giới, Việt Nam vẫn xuất siêu 25 tỷ USD, dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD. Khoảng 8 triệu tấn gạo được xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
"Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão kinh tế hiện nay trên thế giới, xét về mọi mặt khác nhau", Thủ tướng nói.
Ông nhắc lại chủ trương Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới như kinh tế xanh, công nghiệp bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen). Đây là những lĩnh vực Nhật có kinh nghiệm, thế mạnh và Việt Nam nhiều tiềm năng, nhu cầu.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, như cơ chế mua bán điện trực tiếp, tín chỉ carbon, điện sinh khối... để khuyến khích phát triển các lĩnh vực ưu tiên", Thủ tướng chia sẻ.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các tập đoàn như Honda - nhà sản xuất động cơ, ôtô lớn nhất Nhật Bản - xây dựng cứ điểm sản xuất lâu dài, bền vững tại Việt Nam. "Các doanh nghiệp Nhật cần tăng tỷ lệ nội địa hóa và sản xuất theo hướng xanh hóa, giảm phát thải", ông Dũng đề nghị.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản diễn ra sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các nhà đầu tư Nhật Bản hỗ trợ tài chính ưu đãi, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và quản trị hiện đại cho Việt Nam.
"Việt Nam - Nhật bản cùng cung ứng lao động, nhưng Nhật cần hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam", Thủ tướng đề nghị.
Cùng đó, các trụ cột đột phá về thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược và nhân lực là những nền tảng bền vững, để các nhà đầu tư yên tâm khi rót vốn, làm ăn tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, 30 thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Trong đó, tỉnh Thái Bình trao quyết định đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án điện khí LNG hơn 1,9 tỷ USD. Dự án này do Tập đoàn Tokyo Gas, Công ty Kyuden International và Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành đầu tư. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là điện khí LNG (22.824 MW).
Ngoài ra, Aeon Mall muốn mở thêm hai trung tâm thương mại tại Cần Thơ, Bắc Giang. Aeon Mall - doanh nghiệp chuyên về trung tâm mua sắm lớn, bán lẻ - đang vận hành 6 dự án tại Việt Nam, và một dự án đang đầu tư tại Huế. Đến năm 2025, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản dự tính triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang công tác tại Nhật và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản cũng như tiến hành các hoạt động song phương, theo lời mời của Thủ tướng Kishida Fumio, ngày 15-18/12.
2023 là năm Việt - Nhật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 11. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại.
Hoài Thu