"Đi là việc của mình"
Có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), PV Thanh Niên ghi nhận, ngoài những bệnh nhân (BN) chuyển viện đúng tuyến, tức đúng quy định bảo hiểm y tế (BHYT - có giấy chuyển viện), thì cũng có một số BN tự đi đến BV.
Chẳng hạn nam BN L.H.D (44 tuổi, ngụ H.Bến Lức, Long An) đăng ký BHYT tại một BV ở TP.HCM giáp ranh Long An và từng khám, điều trị tại BV này vì bệnh gout. Sau đó, BN đi khám vượt tuyến tại BV Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) vì khó thở và được chẩn đoán bị khối u trung thất. Bác sĩ (BS) chỉ định mổ nhưng BN không dám mổ vì vừa sợ vừa không có tiền.
Khi BN D. trở mệt, kèm khó thở, trợn mắt, người nhà đưa thẳng lên BV Chợ Rẫy khám bệnh ngoại trú trái tuyến. Tại phòng khám, đánh giá tình trạng BN không ổn, BS đã chuyển BN xuống cấp cứu. PV hỏi: Nếu lên BV Chợ Rẫy mà không có giấy chuyển tuyến để được hưởng BHYT thì sao? "BV không chịu thì gia đình phải chịu thôi chứ em nó nửa đêm nửa hôm mệt quá, đuối quá biết làm sao. Chứ nếu vào BV tuyến BHYT xin giấy chuyển tuyến và đợi mất 3 tiếng đồng hồ thì lâu lắm, tôi đã từng trải qua", người nhà BN nói. Theo người nhà BN D., nếu cho phép thì đi thẳng (không cần giấy chuyển viện) lên tuyến trên mà được hưởng BHYT luôn (nếu không thuộc diện cấp cứu) thì sẽ rất thuận lợi cho BN.
BN Đ.T.A (42 tuổi, ngụ H.Thống Nhất, Đồng Nai) được chồng đưa lên thẳng cấp cứu BV Chợ Rẫy trong tình trạng suy thận mạn, mệt mỏi sau 1 ngày chạy thận và tăng huyết áp. Chồng BN A. chia sẻ: "Vợ tôi chạy thận 3 năm nay ở BV gần nhà và bị tràn dịch màng phổi, khó thở, dù có hút dịch vẫn không khỏi nhưng BV không chuyển viện, buộc lòng tôi phải đưa vợ lên BV Chợ Rẫy".
"Bình thường chúng tôi vẫn đi BV gần nhà, nhưng họ làm không được, không chuyển viện thì đi là việc của mình. Nên bỏ chuyển tuyến đi, chứ bây giờ có BV không làm được cũng không chuyển viện. Cấp cứu chẳng đặng đừng mới lên trên, còn đi khám vượt tuyến thì chấp nhận bỏ tiền ra", chồng BN A. nói thêm.
"Chỉ tính trong ngày 1.11, tại BV Chợ Rẫy có 4/320 ca nhập cấp cứu không có giấy chuyển viện. Những trường hợp này đa số là tình trạng cấp cứu nhưng vẫn được hưởng BHYT", BS Nguyễn Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, thông tin. Nhưng theo BS Dũng, vẫn có những trường hợp vào cấp cứu nhưng không phải là tình trạng cấp cứu thì BV phải trả ra phòng khám, lúc này BN phải khám chữa bệnh và chi trả chi phí vượt tuyến.
Nôn nóng nên vượt tuyến?
Theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy, thống kê của BV cho thấy có khoảng 40 - 43% BN khi khám ngoại trú không BHYT và đa số BN đã từng khám tuyến trước 1 lần.
Theo BS Việt, nguyên nhân BN lên BV Chợ Rẫy khám xuất phát từ 2 phía. "Đầu tiên phải nói rằng, với bệnh thì việc điều trị không thể 1 - 3 ngày là khỏi mà cần phải theo dõi 1 - 2 tuần. Nhưng do nôn nóng của người bệnh khi uống thuốc vài ngày không khỏi bệnh, họ bỏ tuyến dưới lên tuyến trên, đa số là như vậy. Với quan điểm "sức khỏe là vốn quý nhất" và tâm lý người dân khi bị bệnh thì mong muốn đến nơi tin tưởng nhất, dù BV kế nhà làm được kỹ thuật đó nhưng BN không tin tưởng, việc này không thể trách người dân. Nhưng cũng có việc BS chưa điều trị dứt điểm cho BN được nên BN phải vượt tuyến", BS Việt phân tích.
BS Việt cho rằng, một số BN phản ứng với BV vì nghĩ rằng với bệnh tình của mình thì lên tuyến trên mới chữa được, nên họ ghé vào BV tỉnh, huyện là để xin giấy chuyển tuyến chứ trong lòng không muốn đến khám bệnh. Khi không được chấp thuận thì họ nghĩ là bị gây phiền hà.
"Tôi nghĩ không BS nào muốn giữ bệnh khi bệnh tình người dân vượt quá khả năng của mình, nếu giữ mà BN có chuyện gì thì BS sẽ gánh trách nhiệm", BS Việt nói.
Phá vỡ hệ thống y tế là "mình tự hại mình"
TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, thừa nhận trước đây có BV không muốn chuyển BN BHYT lên tuyến trên, vì sợ bị trừ tiền trong quỹ BHYT của BV chuyển đi và sợ vỡ quỹ dẫn đến phiền hà cho người dân. Hiện nay quy định này đã không còn, nên các BV không còn e dè trong chuyển tuyến BHYT nữa, và cũng thỉnh thoảng có những ca chuyển tuyến không kịp thời theo bệnh lý BN, dẫn tới ảnh hưởng đến sức khỏe BN. Nguyên nhân do BS đánh giá tình hình chưa tới, và cũng có những sai sót về mặt thái độ giao tiếp.
Cách làm khả thi nhất thời điểm này là luân chuyển BS tuyến trên xuống tuyến dưới. Cụ thể, cứ 1 - 2 BS BV tuyến T.Ư có kinh nghiệm về tuyến tỉnh, BS tuyến tỉnh luân phiên về huyện, huyện luân phiên về xã, thời gian luân chuyển 6 tháng. Như vậy, các đơn vị tuyến cơ sở không bị khuyết nhân lực, trong khi BS tuyến cơ sở được lên trên học tập nâng cao tay nghề.
Đa số chuyển tuyến BHYT là thuận lợi và không nên bỏ giấy chuyển tuyến. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến để có lợi cho vài cá nhân thì xu hướng BN lên tuyến trên hết, phá vỡ hệ thống y tế là "mình tự hại mình". Điều này dẫn đến hệ quả quá tải trầm trọng BV tuyến trên trong khi hiện nay vốn đã quá tải. Từ đó làm cho chất lượng điều trị không những không tốt mà còn hại cho BN. Mặt khác, khi BN dịch chuyển hết lên tuyến trên thì BV tuyến dưới ngày càng thui chột về mặt chuyên môn và dẫn đến triệt tiêu luôn hệ thống y tế cơ sở. Ngay cả ở nước ngoài, việc chuyển tuyến quy định khó khăn hơn ở VN.
PGS-TS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho rằng BN cần tin tưởng cơ sở y tế ban đầu, nếu không tin tưởng mà cứ đòi chuyển tuyến là không hay. Nhưng y tế cơ sở phải đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, chuyên môn để BN tin mình. Bởi nếu tất cả chuyển lên tuyến trên thì BV tuyến trên không phục vụ được tốt vì quá tải.
"Lúc BV Nhi đồng Thành phố mới thành lập, BN vào là cứ đòi chuyển qua Nhi đồng 1, Nhi đồng 2. Do đó, BV phải làm sao để BN chấp nhận và tin tưởng ở lại điều trị. Bây giờ vẫn có vài trường hợp xin chuyển viện, mình thuyết phục không được thì vẫn phải chuyển, đó là việc của BN", PGS-TS Định nói. Theo ông, về mặt chuyên môn thì cần giấy chuyển tuyến, nó không đơn thuần là để hưởng BHYT mà còn là thông tin bệnh trạng của BN để tuyến trên biết, xử lý.
"BN cấp cứu đến bất cứ BV nào, không cần giấy chuyển tuyến vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT. Nếu tình trạng không cấp cứu thì nên đi khám chữa bệnh đúng tuyến chuyên môn. Còn nếu tự vượt tuyến vì muốn điều tốt hơn, tìm thầy thuốc giỏi hơn thì phải chịu chi phí", PGS-TS Định nói.
Giải pháp nào tạo lòng tin?
Về giải pháp tạo lòng tin cho BN ở tuyến dưới, theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, cách làm khả thi nhất thời điểm này là luân chuyển BS tuyến trên xuống tuyến dưới. Cụ thể, cứ 1 - 2 BS BV tuyến T.Ư có kinh nghiệm về tuyến tỉnh, BS tuyến tỉnh luân phiên về huyện, huyện luân phiên về xã, thời gian luân chuyển 6 tháng. Như vậy, các đơn vị tuyến cơ sở không bị khuyết nhân lực, trong khi BS tuyến cơ sở được lên trên học tập nâng cao tay nghề.
"BS tuyến trên xuống tuyến dưới cũng sẽ học hỏi được nhiều và hiểu, cảm thông những khó khăn của tuyến dưới với đồng nghiệp. Ngoài ra còn mang ý nghĩa hỗ trợ về lâu dài khi tuyến dưới cần hỗ trợ chuyên môn từ xa", TS-BS Nguyễn Tri Thức phân tích.
Bệnh viện tuyến tỉnh chuyển viện ra sao?
Tại Bình Định, tình trạng BN xin chuyển từ BV tuyến tỉnh lên tuyến T.Ư là không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do liên quan đến chi trả BHYT, và ở Bình Định chuyển đi các BV tuyến T.Ư khoảng cách rất xa khiến chi phí phát sinh rất lớn.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết: "Người dân có quyền khám chữa bệnh bất cứ đâu họ muốn. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng bệnh của BN và khả năng của từng BV mà chúng tôi sẽ đưa ra lời khuyên cho BN nên chọn BV nào khi chuyển".
Theo ông Thế, hiện nay kỹ thuật tại BV đa khoa tỉnh Bình Định cũng đã được nâng cao rất nhiều, vì vậy đối với những trường hợp BV có thể điều trị được thì sẽ khuyên BN nên ở lại. Điều này giúp người bệnh giảm một phần chi phí đáng kể so với việc chuyển lên tuyến trên.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp BV đa khoa tỉnh Bình Định chủ động chuyển BN lên tuyến trên để họ được tiếp cận nhiều kỹ thuật tiên tiến hơn. Thậm chí, có những lúc thiếu vật tư, BV cũng sẵn sàng chuyển BN ngang tuyến. Cụ thể, cách đây ít tháng, do thiếu vật tư nên BV đa khoa tỉnh Bình Định đã quyết định chuyển BN đi BV khác để điều trị. Nhưng nếu chuyển BN đi BV tuyến trên thì khoảng cách xa nên đã chuyển BN đến một BV cùng cấp tại Khánh Hòa.
Lý giải về điều này, ông Thế cho biết, nếu BV cùng cấp có đầy đủ thiết bị và đủ khả năng điều trị cho BN thì sẽ ưu tiên tư vấn cho BN, vì di chuyển khoảng cách gần sẽ an toàn cho BN hơn rất nhiều.
Đối với vấn đề về các thủ tục khi chuyển viện lên tuyến trên, ông Ngô Xuân Thế chia sẻ: "Mọi thủ tục vẫn phải tuân theo quy định pháp luật. Trong một số trường hợp người dân muốn có ngay lập tức thì không thể được, vì chúng tôi vẫn phải làm theo quy trình. Ngoài ra, trong giấy chuyển viện sẽ ghi rõ thông tin, tình trạng của BN và liên quan đến việc thanh toán BHYT. Chính vì vậy, chúng tôi luôn hỗ trợ BN nhanh nhất có thể nhưng phải đúng quy định".
Thanh Quân