Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tuần qua các loại dịch bệnh lưu hành trên địa bàn TP.HCM giảm.
Về dịch bệnh tay chân miệng, tuần qua TP.HCM ghi nhận 607 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 50% so với trung bình 4 tuần trước. Như vậy, tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2023 đến tuần qua là 41.983 ca. Các quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao, gồm các huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh.
Về dịch bệnh sốt xuất huyết, trong tuần qua, TP.HCM cũng ghi nhận 361 ca mắc, giảm 22,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2023 đến tuần qua là 17.829 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Q.1, Q.Bình Thạnh và H.Nhà Bè.
Về dịch bệnh Covid-19, theo Sở Y tế TP.HCM, kể từ ngày 19.10, hệ thống các bệnh viện của thành phố chưa ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 mới cần nhập viện điều trị
Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM nhận định, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng ở một số nước khu vực tây Thái Bình Dương như hiện nay, thì nguy cơ số ca mắc tại TP.HCM gia tăng trở lại là khó tránh khỏi. Đặc biệt vẫn còn biến thể EG.5 chưa xuất hiện trên địa bàn thành phố, trong khi biến thể này lại phổ biến tại các nước.
Về dịch bệnh hô hấp, 11 tháng năm 2023, TP.HCM có gần 400.000 ca mắc, trong đó có hơn 44.000 ca nhập viện và 166 ca tử vong. Tác nhân gây bệnh hô hấp gồm vi rút cúm mùa, RSV, Entero vi rút. Các vi khuẩn H. Influenzae, Strep. pneumoniae và Mycoplasma pneumoniae cũng là các tác nhân gây bệnh hô hấp thường gặp trong nhiều năm qua tại TP.HCM và khu vực.
Trước tình hình bệnh hô hấp ở trẻ em tăng cao và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Sở Y tế TP.HCM cũng đã chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh chủ động rà soát nguồn lực, củng cố hoạt động của các khoa, đơn vị điều trị bệnh hô hấp nhi, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo kịp thời tiếp nhận điều trị người bệnh.
Về tình hình dịch bệnh HIV/AIDS, theo số liệu thống kê tình hình HIV/AIDS đến tháng 9.2023, tại TP.HCM có trên 51.500 người nhiễm đang được quản lý, trong đó có hơn 47.600 người đang được điều trị thuốc kháng vi rút HIV. Tính đến nay trên địa bàn thành phố có trên 45.000 người nhiễm đang được chăm sóc và điều trị HIV/AIDS thanh toán qua bảo hiểm y tế, chiếm 95% bệnh nhân đang được quản lý.
Để đảm bảo duy trì cho những trường hợp nhiễm HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế, HCDC hướng dẫn các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện dự trù nguồn thuốc ARV theo triển khai của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. HCDC cũng sẽ tham mưu cho Sở Y tế đề xuất với UBND TP.HCM về phương án dự trữ nguồn thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV không có bảo hiểm y tế trong trường hợp không có nguồn thuốc miễn phí của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Hướng tới hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tính đến tháng 9.2023, TP.HCM đã đạt được 93% đối với mục tiêu thứ nhất; 92,4% đối với mục tiêu thứ hai và 98,4% đối với mục tiêu thứ ba.