Anh lơ xe cũng vui vẻ giúp cô chuyển xuống đường hơn chục bao nữa với nhiều loại rau củ quả đầy màu sắc.
Đồng hồ đã chỉ sang gần 5h40, cô hàng rau cười nói: "Để lên hàng được tầm sáng này, tôi phải thức từ lúc 23h khuya".
Bình minh ngày mới lúc... 23h
Đó là hình ảnh sinh động lặp đi lặp lại mỗi sáng tại trạm xe buýt này và cô hàng Đặng Thị Lan đã tần tảo bán rau ở khu vực gần mười năm qua. Vội vã đi lấy cái xe gỗ kéo tay gửi phía sau một văn phòng bảo vệ khu phố gần đó, cô khéo léo xếp các bao hàng lên để kéo đến điểm ngồi bán cách vài trăm mét.
Lúc cô đi lấy xe, đồ đạc cứ để lăn lóc trên vỉa hè không có ai trông coi. Tôi ái ngại hỏi cô không sợ mất? "Hổng sao đâu anh. Người ta thấy mình nghèo khó, buôn bán cực khổ, nên hổng ai lấy đâu.
Mà ai đó cầm bó rau, củ khoai thì cũng có gì đâu, người ta được thêm chút miếng ăn thôi mà, còn mình có thiệt thòi bao nhiêu đâu", cô hàng rau thoải mái cười nói.
Bắt đầu lúc 5h30 ngày mới, cô Lan xuống trạm xe buýt để chuẩn bị cuộc mưu sinh, nhưng thật ra cô đã thức giấc từ tận... 23h của cuối ngày trước. Người phụ nữ tần tảo này kể quê ở mãi xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Sau buổi bán hàng ở thành phố, chiều cô đi xe buýt về quê. Mỗi ngày cô chỉ ngủ khoảng 2 - 3 tiếng để 23h đã thức giấc, ra ngồi chợ rau quả lúc nửa đêm ở quê mình.
"Chợ chồm hổm họp lúc nửa đêm, dân quê ai trồng được rau củ quả gì đem ra đây bán rất tươi ngon. Tôi cũng phải tranh thủ ra đây ngồi chợ để đợi bà con đưa hàng ra mà chọn lựa loại có giá cả, chất lượng ngon.
Mình buôn gánh bán bưng, phải tính toán mua rẻ chi li từng năm trăm, một ngàn đồng thì lúc bán lại mới cạnh tranh nổi với người khác. Người ta có vợ có chồng cùng đi bán, nhiều miệng nhiều tay dễ mời mọc hơn mình.
Tôi chỉ có một thân, chỉ có thể cạnh tranh bằng giá rẻ, nên phải đi mua đồ tận quê lúc nửa đêm", cô hàng rau vui vẻ kể thêm có tối cô thức giấc đi vệ sinh lúc 22h và phải thức luôn, không dám ngủ lại, vì cô sợ sẽ ngủ quên, không dậy được lúc 23h.
Đêm nào như vậy, cô chỉ ngủ được khoảng hai tiếng, từ 20h đến 22h và sẽ thức luôn để bươn chải với cuộc mưu sinh kéo dài đến tận tối mịt mờ hôm sau.
Như thấy vẻ ái ngại của tôi, cô hàng rau cười nói: "Coi vậy chớ hổng có gì đâu anh, tôi ngủ ít quen rồi, đi buôn bán gặp khách quen vui đùa, có đồng ra đồng vô, lại thấy khỏe người hơn nằm nhà".
Một ngày mưu sinh của cô hàng này bắt đầu từ lúc thức giấc 23h để đi mua đồ ở chợ quê, khoảng 3h sáng cô chất hàng lên thùng gầm xe buýt đi tới đường Trần Văn Giàu (quận Bình Tân) lúc 5h30.
Sau đó, cô kéo đồ về điểm bán để kịp bày biện hàng trước lúc 6h. Không có sạp hay bạt trải gì, cô bày một phần rau củ quả trên chiếc xe kéo bằng gỗ cũ kỹ, phần còn lại cô để luôn trong các bao, có khách cần thì mở ra.
Không một lời than vãn
Khách hàng thân quen của cô hầu hết là những người đứng tuổi đi tập thể dục buổi sớm. Họ tập xong, ghé lại mua bó rau muống, rau cải, rau lang, ký khoai, ký cà, nải chuối... để chuẩn bị cho bữa ăn trong ngày.
Và dù ai mua thức gì cũng hiếm khi nào trả quá vài chục ngàn đồng, có người cầm bao rau muống to tướng chỉ 10.000 đồng lại còn được tặng thêm chút hành ngò gia vị. "Mình buôn gánh bán bưng thì phải thật rẻ vậy, chớ nếu mắc mỏ thì bà con vô siêu thị rồi", cô hàng không ngại kể thêm bí quyết muốn rẻ thì... bớt ngủ để đi mua được đồ của nhà vườn ngay tại quê.
Mặt trời ngày mới đã lên, cảnh hàng rau thật sinh động. Bà ghé vào mua rau, cô dừng lại mua khoai, chú lấy ít hành ớt và có những cuộc mua bán chưa tới 5.000 đồng. Tiếng chào hỏi nhau vui vẻ và đặc biệt là hầu như không có lời kỳ kèo trả giá nào ở đây, vì có lẽ mọi người đều hiểu cô hàng đã vui vẻ bán với giá quá rẻ.
Họ cũng yên tâm chất lượng và nhất là sự an toàn, vì biết cô Lan mua trực tiếp tận tay nhà vườn trồng trọt. Nếu có sự cố gì, cô biết ngay người cung cấp món hàng đó, nên chữ tín của người cung cấp hàng rất quan trọng.
Thậm chí có người trên đường đi tập thể dục mà quên mang theo tiền, còn tiện ghé mua thiếu luôn. Cô hàng rau chỉ cười vui vẻ: "Dạ, hổng sau đâu, mai mốt trả cũng được mà". Đó là những bó rau, bọc cà có giá vài ngàn, vài chục ngàn đồng và sẽ có người nhớ, người quên, nhưng cô hàng vẫn chỉ cười thoải mái, "lúc nào trả cũng được mà".
Ngày thường, cô Lan chỉ bán rau củ quả, thỉnh thoảng dịp lễ Tết cô bán thêm ít đòn bánh tét, mớ cá khô quê cũng với giá rất rẻ. Nhà chỉ cách biển Gò Công vài cây số, có rất nhiều cá mực tươi ngon và cô muốn bán lắm nhưng không được. Bởi đưa cá mú lên xe buýt rất bất tiện mà đi xe ngoài thì kiểu buôn gánh bán bưng xa xôi này làm sao lời lãi được.
Trò chuyện cuộc mưu sinh lấy đêm làm ngày quá vất vả, nhưng kỳ lạ là người phụ nữ này không hề có một câu than thở. Cô vui vẻ kể may mắn thì mỗi ngày kiếm lời được 400.000 - 500.000 đồng, không may mắn thì 200.000 - 300.000 đồng, cũng có hôm hòa vốn, hôm lỗ, "nhưng mình còn khỏe mạnh để đi bán được là vui rồi".
Ngồi một chỗ bán tới khoảng 9h sáng, cô bắt đầu cầm dây kéo còng lưng chiếc xe gỗ để tiếp tục đi bán dạo trong các con đường nhỏ với giọng rao lanh lảnh "cải đây, cải đây" quen thuộc. Cuối năm mà trời Sài Gòn gần về trưa vẫn nắng nóng hầm hập.
Cô hàng rau lưng áo đổ mồ hôi, vẫn vui vẻ chào mời người mua, vẫn kiểu bán bó rau, cho thêm cọng hành, trái ớt, trái chanh khiến ai cũng mến.
Đi đường, gặp nhà ai nuôi mèo, cô Lan lại buông xe hàng để nhào tới cưng nựng như em bé khiến người ta phì cười. Ở văn phòng bảo vệ khu phố, có mấy chú mèo hoang, sáng nào cô cũng bớt phần cơm mình để chia cho chúng. Cô nói đùa mình là tuổi chó nhưng khoái mèo.
Chịu thương chịu khó, nhưng người phụ nữ trung niên này có vẻ không may mắn được ấm êm cuộc sống vợ chồng. Cô bây giờ gần như đơn thân, nuôi cô con gái bị sứt môi mới chỉ được giải phẫu kín, còn phải thêm phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhiều lần trò chuyện với cô hàng, hình như đây là lúc duy nhất thấy cô trầm giọng: "Thấy mẹ con tôi nghèo khổ, có người nói thôi con bé bị sứt môi được giải phẫu kín lại là quý rồi, thẩm mỹ thẩm miếc nữa làm chi cho tốn tiền.
Nhưng tôi nghĩ mình đã lận đận đường vợ chồng, đời con phải vui vẻ hơn. Tôi đang cố dành dụm tiền cho con phẫu thuật, nghe nói đâu thẩm mỹ hàm ếch được cho một nửa, mình trả một nửa. Cũng phải ráng thôi, con gái để vậy thì tội nó...".
Chuyện trò tới đây, cô dừng lại để kéo xe đi bán tiếp. Mặt trời đã gần đứng đỉnh đầu mà cô hàng rau vẫn còn hơn một nửa đồ chưa kịp bán.
Chiều, cô phải lên xe về Gò Công trước khi trời tối để 23h khuya lại thức dậy bước vào cuộc mưu sinh của ngày mới...
***********
Sài Gòn đâu có ngủ, giữa lung linh đèn màu còn có những tiệm sửa xe khuya cứu tinh cho những mảnh đời cần lao trục trặc xe cộ mưu sinh trong đêm khuya heo hút.
>> Kỳ tới: Những tiệm sửa xe mở "giờ âm phủ"
Thời buổi chỉ quẹt ngón tay một giây là đã có thể đọc báo trên điện thoại, nhưng vẫn chưa hề vắng những người lặng thầm giao báo trước bình minh. Và thú uống cà phê, lật giở trang báo sáng đã trở thành nếp văn hóa trăm năm của nhiều thị dân Sài Gòn.