Hãng thông tấn RIA (Nga) dẫn phát biểu ngày 17-12 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết Matxcơva không quan tâm đến việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
“Không tính đến thỏa thuận ngũ cốc sắp hết hạn, khối lượng xuất khẩu ngũ cốc của chúng tôi vẫn không hề giảm, ngược lại còn tăng nhẹ”, ông Patrushev cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Patrushev, tính đến giữa tháng 12, Nga đã xuất khẩu hơn 30 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2023, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Patrushev cũng lưu ý đây là một quyết định mang tính chính trị. Tuy nhiên, một lý do khác để Nga tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc bởi nước này vẫn có một lượng khách hàng riêng.
Trước đó hồi tháng 7, Nga đã rút khỏi "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" - thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn qua một "hành lang thương mại" ở vùng Biển Đen.
Cũng từ sau khi Nga tuyên bố không gia hạn thỏa thuận này hôm 17-7, "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" đã bị đình chỉ khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng vọt.
Matxcơva giải thích họ rời thỏa thuận ngũ cốc trên do thỏa thuận này không hỗ trợ cung cấp ngũ cốc cho các nước nghèo nhất, và vì các cam kết về việc nới lỏng giới hạn xuất khẩu đối với lương thực và phân bón của Nga vẫn chưa được đáp ứng.
Nga nạp thêm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng tên lửa Nga đã nạp một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars mới vào hầm chứa tên lửa tại căn cứ Kozelsk, vùng Kaluga, phía tây nam Matxcơva.
Tên lửa đạn đạo RS-24 (Yars) dài 23m, được thiết kế để có thể mang nhiều phương tiện chứa các đầu đạn tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV).
Theo Hãng tin Reuters, Nga hiện là nước có kho vũ khí lớn nhất thế giới, theo sau là Mỹ. Cụ thể, Nga có khoảng 5.889 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có khoảng 5.244 đầu đạn hạt nhân, theo số liệu của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
Hiện Nga và Mỹ kiểm soát hơn 90% kho vũ khí hạt nhân của toàn thế giới.
An ninh lương thực thế giới trong những ngày gần đây trở thành đề tài nóng, nóng còn hơn cả cái nắng mùa hè thiêu đốt có nơi lên đến 53°C ở các nước châu Âu và châu Mỹ.