Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tối 17-12, tâm bão Jelawat đang ở vùng biển phía đông nam Philippines.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đảo Mindanao (Philippines) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19h tối mai, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực đảo Mindanao (Philippines), cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông, cường độ có khả năng suy yếu thêm.
Đến 19h tối 19-12, tâm áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 340km về phía đông nam, cường độ mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây và suy yếu thành một vùng áp thấp khi ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 250km về phía tây nam.
"Với việc không khí lạnh còn được bổ sung liên tục, cơn bão/áp thấp nhiệt đới này có rất ít cơ hội vào tới đất liền nước ta" - cơ quan khí tượng Việt Nam nhận định.
Do ảnh hưởng bão/áp thấp nhiệt đới, từ đêm 18-12, vùng biển phía đông nam khu vực giữa Biển Đông và phía đông bắc khu vực nam Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao 2 - 4m.
Ngoài ra do ảnh hưởng không khí lạnh, từ đêm nay đến ngày 19-12, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao 4 - 6m, biển động mạnh.
Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía bắc của khu vực giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao 3 - 5m, biển động.
Ngày 19-12, khu vực vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao 2 - 4,5m, biển động.
Chuyên gia dạy lái xe tiết lộ một số người đỗ xe dưới trời mưa bão không đúng cách và phải nhận hóa đơn sửa chữa ô tô lên tới hàng nghìn USD.