"Bồ câu" Fed nâng cánh cho chứng khoán Mỹ
Đúng như kỳ vọng của giới tài chính thế giới, cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Mỹ (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua đã đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 5,5%/năm trong tháng 12/2023 và dự báo mang tính bước ngoặt là sẽ có ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất, với tổng mức cắt giảm 0,75%/năm trong năm 2024.
Tại cuộc họp báo sau đó, ông Powell, Chủ tịch Fed lưu ý, tình hình kinh tế gần đây với sự tăng trưởng vừa phải, dữ liệu lạm phát đáng khích lệ, chỉ số giá sản xuất (PPI) không thay đổi đều là những dấu hiệu tốt. Nhận định mang tính “bồ câu” này đã củng cố cho quan điểm rằng Fed đã hoàn thành quá trình tăng lãi suất. Thị trường còn phản ánh kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất tới 6 lần, tổng 1,5%/năm về mức 4%/năm trong năm 2024.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trước cả cuộc họp, với chỉ số Dow Jones vượt đỉnh 2022, vượt trên mốc 37.000 điểm và 2 chỉ số S&P 500 cũng như Nasdaq đều tiến sát tới đỉnh lịch sử. Tuy vậy, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều bắt đầu bước vào vùng quá mua và có thể sẽ có rung lắc, điều chỉnh ngắn hạn trong thời gian tới.
Trái ngược với thị trường cổ phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm xuống dưới 4%/năm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2023 và chỉ số Dollar Index DXY giảm mạnh xuống dưới 103 điểm, hỗ trợ cho tỷ giá các quốc gia châu Á. Các thị trường chứng khoán châu Á đều khởi sắc hơn, nhất là tại thị trường Ấn Độ, chỉ số Nifty có mức tăng cực kỳ ấn tượng và tổng giá trị vốn hóa đã vượt thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) trở thành thị trường lớn thứ 7 trên thế giới. Riêng chỉ có thị trường Trung Quốc vẫn khá ảm đạm, khi chỉ số Shanghai Composite vẫn đang đắm chìm trong vùng Giảm mạnh.
Đồng USD rẻ cũng giúp gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu với mức giá rẻ hơn, nhờ vậy, giá dầu đã quay trở lại được mức giá trên 70 USD/thùng, mặc dù vẫn còn nằm sâu trong vùng Giảm mạnh nằm ngoài đường Elip.
VN-Index: Hy vọng để rồi thất vọng
Sau một tuần duy trì trên MA200, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ có những thay đổi bứt phá, vượt qua ngưỡng cản 1.130 điểm trong tuần qua, để tiến về 1.160 điểm. Tuy nhiên, diễn biến của chỉ số đã không như kỳ vọng, khi giá tiếp tục duy trì trong khoảng giá hẹp 50 điểm từ 1.080 - 1.130 điểm. Không những vậy, sau 2 phiên đầu tuần, không có sự bứt phá nào của phe Mua, phe Bán đã quyết định hành động khi liên tiếp trong 3 ngày cuối tuần đưa chỉ số thoái lui.
VN-Index khép lại tuần giao dịch căng thẳng và trạng thái giảm là khó tránh khỏi khi hai yếu tố đáo hạn phái sinh và cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đều hội tụ trong tuần này. Trong khi chứng khoán toàn cầu bùng nổ với sự kiện chuyển hướng chính sách tiền tệ của Fed thì VN-Index cho thấy yếu tố nội tại vẫn chứa đựng sức ì cần những động lực rất lớn để thay đổi cục diện hiện tại. Đáo hạn phái sinh luôn là sự kiện ảnh hưởng mạnh tới thị trường cơ sở khi các trọng số lớn của rổ VN30 luôn biến động mạnh kéo theo các rung giật mạnh về xu hướng trong ngắn hạn. Phiên cuối tuần có thêm sự cộng hưởng của hoạt động đảo danh mục của quỹ ngoại, nhưng VN-Index vẫn trụ vững trên 1.100 điểm và thanh khoản không có dấu hiệu tăng đột biến là những điểm cộng cần được ghi nhận.
Kết tuần, VN-Index một lần nữa đã đóng cửa dưới đường MA200, khi các đường trung bình ngắn và trung hạn (MA20 và MA50) vẫn tiếp tục duy trì trạng thái dưới đường trung bình dài hạn (MA200). Điều này làm kéo dài hơn thời gian có thể tạo ra sự xác nhận dài hạn của một xu hướng tăng.
Sau khi VN-Index chạm mốc Fibonacci 50% trong tuần trước đó ở 1.130 điểm, mọi sự chú ý được dồn vào với sự kỳ vọng hướng về mức Fibonacci 38,2%, quanh mốc 1.160 điểm. Tuy nhiên, những lo ngại từ tuần trước rằng đây cũng là một ngưỡng cản cần thực sự lưu ý đã trở thành sự thật. Kết hợp với nhận định trong bức tranh rộng hơn khi đường MA50 vẫn đang duy trì dưới đường MA200, quả thực VN-Index đã không thể bứt phá, thay vào đó bật trở về mức Fibonacci 61,8%, tại vùng 1.100 điểm.
Diễn biến giá một lần nữa duy trì hoạt động trong vùng tích lũy suốt 2 tháng nay. Diễn biến này có thể làm thất vọng cho những kỳ vọng đã nhen nhóm của tuần trước đây. Nỗi thất vọng phần nào đó cũng gợi lên một chút lo lắng về triển vọng tăng của chỉ số. Tuy nhiên, khi quan sát bức tranh tổng thể, có thể thấy diễn biến không thực sự có gì thay đổi, khi giá vẫn tiếp tục duy trì trong biên độ trước đây, đặc biệt kèm với đó là khối lượng sụt giảm. Dẫu vậy, khi nền giá càng lúc càng thu hẹp, cùng với sự chủ động hơn trong những phiên cuối tuần qua, một xu hướng mới chắc chắn sẽ sớm được hình thành.
Trong tuần này, yếu tố phái sinh khả năng vẫn còn tạo sóng gió đối với các giao dịch ngắn hạn, đặc biệt là khi lượng hợp đồng mở qua đêm (OI) vẫn đang neo ở mức cao đáng chú ý. Khi OI chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì các hoạt động Long/Short sẽ vẫn có điều kiện để tạo ra thêm các cao trào ở cả chiều tăng và giảm ngay trong phiên giao dịch.
Ngoài ra, trạng thái vận động của các chỉ báo định lượng cũng cho thấy bối cảnh rung giật khả năng vẫn còn kéo sang tuần tới do các tín hiệu tạo đáy tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa xuất hiện, trong khi sức mua vẫn đang ở mức yếu và chủ yếu ở trạng thái canh điều chỉnh, thay vì mua chủ động theo chiều giá tăng.
Như vậy, chiến lược chọn lọc cổ phiếu trên tiêu chí đà tăng trưởng kết hợp cùng với các biến động từ thị trường phái sinh để xây dựng danh mục ngắn hạn hiệu quả vẫn là lựa chọn phù hợp cho bối cảnh hiện tại. Với các nhà đầu tư dài hạn hơn, cần có thêm các xác nhận rõ ràng cho một xu hướng mới - điều có thể sớm xảy ra - do vậy, cần chuẩn bị sẵn sàng để hành động.