Binance bị phạt 4 tỉ đô la và chuyện quy định mới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giám sát giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên có liên quan gì với nhau?
Tháng 11 vừa rồi, Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới với quy mô giao dịch mỗi ngày gần 80 tỉ đô la Mỹ (theo Coinmarketcap), đã thừa nhận tội hình sự liên quan đến rửa tiền và vi phạm các lệnh trừng phạt tài chính quốc tế, đồng thời đồng ý trả hơn 4,3 tỉ USD tiền phạt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết các nhà quản lý tài chính nước này đã điều tra Binance trong hơn ba năm và phát hiện họ "vi phạm nhất quán và nghiêm trọng" luật pháp Hoa Kỳ, khi "cho phép các đối tượng đáng ngờ thực hiện giao dịch thoải mái" trên nền tảng của Binance và "tài trợ các hoạt động từ xâm hại tình dục trẻ em, đến buôn bán ma túy bất hợp pháp và khủng bố thông qua hơn 100.000 giao dịch".
Binance không phải là tổ chức duy nhất bị điều tra vì vi phạm luật pháp chống rửa tiền ở Mỹ. Đây càng không phải là vì các định chế quyền lực của Mỹ "ghét tiền mã hóa" như một số thuyết âm mưu.
Không thể phủ nhận một số cơ quan giám sát ở Mỹ không thân thiện với tiền mã hóa, nhưng họ cũng điều tra hàng loạt các định chế tài chính "con cưng của giới chính trị gia" như các đại ngân hàng, bao gồm chính của Mỹ.
Trước Binance, hàng loạt ngân hàng lớn của phương Tây đã bị phạt nhiều tỉ đô la vì vi phạm quy định chống rửa tiền.
Đây không chỉ là chuyện của Mỹ hay châu Âu, và không chỉ là chủ đề trà dư tửu hậu của giới đầu tư tiền mã hóa và những người rảnh rỗi "chém gió trà xanh, chanh đá". Nó liên quan rất mật thiết tới Việt Nam, vì liên quan tới chuyện rửa tiền.
Tháng 6-2023, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách xám), đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền, phòng chống các hoạt động tài trợ khủng bố hay phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Câu chuyện của Binance là lời cảnh báo rằng danh sách này không phải chỉ "cho vui".
Tiếp đến sẽ là hàng loạt các động thái giám sát chú ý tới dòng tiền vào ra các quốc gia trong danh sách. Các định chế tài chính và giao dịch chuyển tiền, đầu tư sẽ bị săm soi.
Đây là điều các định chế tài chính và giới chức Việt Nam phải đặc biệt chú ý trong thời gian tới, bởi nó không chỉ là rủi ro nhất thời, mà là rủi ro có tính hệ thống.
Với giới tài chính nước ngoài, nó là yếu tố rủi ro trọng yếu được ghi nhận trong báo cáo thường niên và kiểm toán viên đôi khi quyết định phải có ý kiến rõ ràng, tức lựa chọn có hoặc không, trước các rủi ro này trong báo cáo kiểm toán, bởi nó có thể gây ra những khoản chi phí bất thường cực lớn - như hai khoản phạt tỉ đô cho các định chế tài chính hoạt động ở quy mô quốc tế đã nói ở trên.
Với những người sống ở Mỹ, hay ở châu Âu như tôi, đây đã là chuyện bình thường.
Một buổi sáng đẹp trời, ta hoàn toàn có thể nhận được yêu cầu từ một người môi giới hoặc luật sư yêu cầu chứng minh nguồn gốc một khoản tiền được chuyển vào tài khoản của mình, hoặc luân chuyển qua các tài khoản khác nhau, trong một giao dịch mà người môi giới hay luật sư đó đang hỗ trợ thực hiện.
Tôi và nhiều bạn bè đều từng nhận được yêu cầu như vậy. Có thể là tiền do một vài khoản thu nhập ở Việt Nam chuyển sang, tiền người thân gửi, bạn bè cho nhau vay mượn nhất thời, hoặc thù lao các công việc được trả tiền mặt...
Đôi lúc cảm thấy phiền toái, nhưng dần dần chúng tôi học cách thận trọng hơn, hạn chế các giao dịch như cho bạn bè mượn tiền, hay thậm chí là chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản của chính mình, như tài khoản cá nhân với tài khoản công ty do mình sở hữu.
Sở dĩ như vậy là vì phía đối tác hoặc chính luật sư của mình hoàn toàn có thể đột ngột quyết định hủy bỏ giao dịch hay không cung cấp dịch vụ nữa, vì cảm thấy có rủi ro vi phạm các quy định chống rửa tiền.
Tôi có người bạn đã đồng thời bị luật sư và phía bán nhà thông báo không hỗ trợ pháp lý nữa và hủy luôn giao kèo bán nhà vì họ cho rằng nguồn gốc tiền giao dịch "quá phức tạp".
Bạn tôi đã tìm được một luật sư gốc Hong Kong am hiểu vấn đề để giúp đỡ thủ tục giải thích nguồn tiền, nhưng rồi vẫn phải ngậm ngùi đi tìm mua căn nhà khác, vì chủ nhà trước đó kiên quyết không tham gia giao dịch do "sợ rắc rối".
Hoặc một quỹ đầu tư ở Úc mà tôi có làm tư vấn đã bị chặn giao dịch mua cổ phần tư nhân chỉ vì hợp tác với một đối tác sử dụng tiền đầu tư có nguồn gốc đáng ngờ để tham gia giao dịch chung.
Sau này chính đối tác đó phân trần rằng anh ta không ngờ tiền rút ra từ quỹ gia đình của chính mình từ một nước châu Âu lại có nguồn gốc từng là tiền chuyển vòng vèo qua một nước "thiên đường thuế".
Vài câu chuyện như vậy để thấy đây không hề là chuyện đùa.
Ở các nước đã có nền tài chính phát triển và quy định chặt chẽ, mọi đồng tiền trên nguyên tắc đều phải có nguồn gốc, truy được tới tận ngọn, chứng minh được là đã sang tay đổi chủ hợp pháp, và người cầm tiền được luật pháp coi là phải hiểu điều đó.
Chuyện này ở Việt Nam thì chưa quen thuộc.
Từ sàn giao dịch tỉ đô đến những cá nhân chỉ giao dịch thương mại vài chục nghìn đô đều có thể bị cáo buộc vi phạm quy định về rửa tiền.
Đến lúc đó chỉ nói "tôi không biết" không bao giờ là đủ (ngay cả khi không biết thật).
Đây là quy trình bình thường (như lời một luật sư của tôi), nhưng rất nghiêm túc, không phải chuyện đùa.
Với những cá nhân và tổ chức thường có giao dịch với nhiều bên, họ cần đặc biệt nâng cao ý thức về rủi ro màu xám này.
Ở mức cá nhân, đây là hiểu biết để bảo vệ mình. Ở mức quốc gia đại sự, đây là luật pháp quốc tế cần tuân thủ khi đã bước vào sân chơi chung.
Ở mức cá nhân, có những đối tác thành thật, hiền lành, bỗng nhiên qua một đêm trở thành tội phạm rửa tiền và liên lụy chúng ta một cách bất ngờ.
Còn ở mức tổ chức hay quốc gia, nếu không kiểm soát được các giao dịch mà luật pháp quốc tế cấm, thì cũng dễ "vạ lây". Đây là nguyên tắc cho cá nhân, mà cũng là cho nhà nước, để thoát khỏi những hệ lụy của danh sách xám kia.
Chỉ trong một tháng qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố thành công CEO của hai sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới sau khi nhận ra kẽ hở chết người từ các sàn tiền mã hóa (crypto), khiến chúng có thể thành kênh rửa tiền.
Theo hãng phân tích Chainalysis của Mỹ, hoạt động rửa tiền bằng tiền mã hóa trong năm 2022 đã tăng 68% so với năm trước đó, lên mức 23,8 tỉ USD.
Ngày 23-11, Bộ Tư pháp Mỹ công bố những cáo buộc hình sự chấn động với Binance và giám đốc điều hành Changpeng Zhao của sàn giao dịch crypto lớn nhất thế giới này.
Theo tạp chí Wired, cáo trạng cho biết Binance đã tiến hành các giao dịch hàng tỉ USD vi phạm luật chống rửa tiền của Mỹ, trong đó có hơn một tỉ USD thuộc nhóm giao dịch của tội phạm hình sự và lách trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra còn có cáo trạng riêng buộc tội Zhao và cựu giám đốc pháp chế Samuel Lim vì đã để các giao dịch phi pháp đó diễn ra.
Sàn này cũng bị buộc tội đã cho phép khoảng 106 triệu USD "chảy" trực tiếp từ Hydra tới các tài khoản của Binance.
Chưa hết, các công tố viên Mỹ cũng cáo buộc Binance đã xử lý khoảng 275 triệu USD gồm cả tiền ký quỹ và tiền rút cho BestMixer, một dịch vụ "trộn" tiền mã hóa nhằm khiến các giao dịch crypto khó truy vết hơn trước khi BestMixer bị Hà Lan đóng cửa vào tháng 5-2019 sau một cuộc điều tra về rửa tiền.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cáo buộc Binance đã coi trọng lợi nhuận của họ hơn là sự an toàn của người dân Mỹ.
Ông nói: "Binance đã trở thành sàn tiền mã hóa lớn nhất thế giới một phần là nhờ những hành vi phạm tội của nó. Và giờ đây nó đang phải chịu một trong những mức phạt lớn nhất đối với doanh nghiệp trong lịch sử nước Mỹ".
Zhao đã đồng ý nộp phạt 50 triệu USD và từ chức giám đốc điều hành Binance, đồng thời đối mặt với án tù cao nhất là 18 tháng.
Trang web của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết chiêu trò rửa tiền bằng tiền mã hóa cũng đi qua ba bước thông thường của các hình thức rửa tiền bằng công cụ khác là bố trí/sắp đặt (placement), sắp lớp/phân tầng (layering) và hòa nhập/hợp nhất (integration).
Trong đó, bố trí liên quan đến việc đưa các khoản tiền có nguồn gốc phi pháp vào trong hệ thống tài chính. Sắp lớp là bước mà các khoản tiền đó được chuyển đổi hoặc chuyển sang các tổ chức khác thông qua các phương tiện khác để tiếp tục che giấu nguồn gốc phạm tội và đánh lạc hướng các cơ quan chức năng.
Hòa nhập là việc đưa các khoản tiền đã được "tẩy rửa" vào nền kinh tế chính thống trong hình thức hợp pháp như mua tài sản hoặc lập những đơn hàng giá trị lớn để mua hàng từ những công ty thuộc sở hữu của chính tội phạm rửa tiền.
Dù vậy, rửa tiền qua crypto cũng có một số đặc thù riêng. Ví dụ, do tiền mã hóa là những đồng tiền vô danh ở thời điểm tạo ra nên giai đoạn bố trí/sắp đặt thường không có.
Thứ nữa, trong hoạt động này, người ta chỉ cần mất vài giây để lập một tài khoản (hay "địa chỉ") và việc này là miễn phí. Mỗi tài khoản này chỉ có thể dùng hai lần: nhận tiền và chuyển đi nơi khác.
Đáng chú ý, tội phạm có thể tạo ra một chiến lược rửa tiền lớn với hàng ngàn giao dịch có mức phí thấp và thực hiện "cái một" chỉ bằng một mã lệnh máy tính.
Tiền mã hóa ẩn danh, đơn cử như Monero, là những loại cho phép người sở hữu có thể giao dịch trên nền tảng blockchain với mức độ ẩn danh cao hơn, do đó khó truy vết hơn các loại "bình thường".
Chẳng hạn, chúng được tăng mức độ ẩn danh với các bên thứ ba bằng cách che giấu những thông tin chi tiết về tài khoản của người dùng như số dư và nguồn gốc dòng tiền.
Điều này trái ngược với cách hoạt động của crypto thông thường là ai cũng có thể xem được số dư cũng như giao dịch giữa các tài khoản trên sổ cái chung.
Còn về dịch vụ "trộn tiền", có nhiều công nghệ đang tiếp tay cho việc hòa trộn các dòng tiền crypto nhằm che đậy nguồn gốc thực của chúng từ đó, vì thế việc truy vết rất khó khăn, thậm chí là không thể.
Cách thức vận hành của nó là các dòng tiền mã hóa từ nhiều nguồn khác nhau trước tiên sẽ được gửi tới một tài khoản, "trộn" lại với nhau ở tài khoản đó rồi chia ra làm nhiều phần nhỏ để gửi tới các tài khoản khác nhau.
Từ năm 2019, Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) - tổ chức giám sát và chống rửa tiền toàn cầu thành lập năm 1989 - đã khuyến nghị các nước nên áp dụng các biện pháp giúp hỗ trợ điều tra những hành vi phạm tội có thể có liên quan tiền mã hóa.
Nhiều quốc gia đã và đang triển khai các quy định quản lý cũng như giám sát thị trường crypto nghiêm ngặt hơn. Cho tới nay phổ biến hơn cả là bộ quy định "travel rules".
Về cơ bản, đây là những nguyên tắc yêu cầu một sàn giao dịch tiền mã hóa phải cung cấp thông tin của khách hàng cho một bên khác khi có giao dịch được thực hiện trên sàn này.
Cụ thể hơn, theo trang Quartz, bộ này yêu cầu mọi sàn tiền mã hóa trong nước và các pháp nhân có tham gia xử lý các tài sản kỹ thuật số ảo (virtual digital assets - VDA) sẽ buộc phải tiến hành quy trình thẩm định thông tin, danh tính trong tài khoản người dùng.
Những giao dịch có giá trị từ khoảng 12.200 USD trở lên phải được lưu hồ sơ trong ít nhất 5 năm.
Trước Ấn Độ, từ năm 2014, Canada đã đưa các pháp nhân có liên quan giao dịch, xử lý tiền mã hóa vào nhóm đối tượng chịu quản lý của đạo luật tài chính chống rửa tiền và khủng bố.
Tương tự, Hàn Quốc từ đầu năm nay cũng đã bắt đầu sử dụng hệ thống của bên thứ ba để theo dõi các giao dịch tiền mã hóa, trong lúc chờ phát triển hệ thống kiểm soát riêng. Trước hết, hệ thống theo dõi của bên thứ ba sẽ giúp Chính phủ Hàn Quốc theo dõi lịch sử giao dịch, trích xuất thông tin giao dịch và kiểm tra nguồn tiền.
Theo trang Coindesk, từ tháng 10-2022, cảnh sát Hàn Quốc đã ký thỏa thuận với các sàn crypto nội địa là Upbit, Bithumb, Coinone, Corbit, và Gopax về cam kết hợp tác trong các cuộc điều tra hình sự về tiền mã hóa. Hàn Quốc cũng đang xem xét 17 đề xuất khác nhau liên quan quản lý tiền ảo trong quá trình xây dựng Đạo luật cơ bản về tài sản số (Digital Asset Basic Act).
Tương tự Hàn Quốc, từ tháng 8 năm nay, Cơ quan Quản lý tài chính Anh đã công bố các hướng dẫn về việc áp dụng những nguyên tắc quản lý giao dịch tiền thông thường vào các giao dịch tài sản số để ngăn chặn rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.
Theo báo Wall Street Journal, với các quy định mới này, kể từ ngày 1-9-2023 các công ty kinh doanh tài sản số sẽ phải thu thập và giao nộp dữ liệu về giao dịch tiền mã hóa cho Cơ quan Quản lý tài chính Anh.
Tháng 6 năm nay, Hiệp hội Giao dịch tiền ảo Nhật Bản đã công bố những nguyên tắc travel rules để giám sát giao dịch tiền ảo.
Tuy nhiên như tờ Nikkei Asia chỉ ra, việc áp dụng các quy định mới này cũng đã bộc lộ một số kẽ hở.
Bộ quy tắc travel rules vốn ban đầu được xây dựng để giám sát dòng tiền giao dịch giữa các tổ chức tài chính sử dụng những hệ thống chuyển tiền kiểu như SWIFT.
Theo đó, khi áp dụng vào thế giới của những giao dịch tiền mã hóa trên nền tảng blockchain vốn vô cùng chằng chéo phức tạp, đã xuất hiện những điểm bất nhất, không khớp.
Chẳng hạn nếu người dùng gửi "private key" của họ ("private key" hay "khóa cá nhân" là đoạn mã gồm nhiều ký tự chứng minh quyền sở hữu tiền ảo, cho phép chủ sở hữu truy cập, sử dụng tài sản điện tử) đến một tài khoản cá nhân do họ kiểm soát thay vì gửi tới sàn giao dịch, việc giám sát theo nguyên tắc "travel rules" sẽ không áp dụng được.
Tương tự, các giao dịch tiền mã hóa riêng tư giữa các cá nhân mà không qua sàn cũng sẽ nằm ngoài phạm vi có thể kiểm soát của bộ nguyên tắc đó.
Nhóm G7 đã kêu gọi FATF cân nhắc tăng cường giám sát giao dịch tiền ảo giữa các ví điện tử cá nhân, tuy nhiên theo ông Yosuke Shiraishi thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tài sản mã hóa Nhật Bản, "ngay cả khi việc tải các ví này qua Apple hay Google bị quản lý, vẫn không thể ngăn được người ta phát triển các loại ví khác".
Theo Hiệp hội Giao dịch tiền ảo Nhật Bản, tới nay mới chỉ có khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng bộ quy tắc travel rules để giám sát giao dịch tiền ảo.
Xem thêm: mth.91520500220213202-max-uam-or-iur-av-tahp-na-neit-aur/nv.ertiout