Sáng 18-12, tại Hội nghị Thành ủy TP Thủ Đức, ông Lưu Văn Tấn, giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng TP Thủ Đức, cho biết qua 4 tháng hoạt động của trung tâm, ông nhận thấy TP Thủ Đức có quá nhiều tồn tại.
TP Thủ Đức là cửa ngõ kết nối phía đông của TP, có nhiều công trình được TP.HCM ưu tiên đầu tư với quy mô lớn nhưng hiện chưa phát triển tương xứng.
Các dự án hạ tầng đến nay nếu có hoàn thành cũng vẫn chưa chỉn chu, thiếu sự đồng bộ và chưa có sự kết nối giữa các khu dân cư, giữa các phường.
Mặt khác, việc quản lý về hạ tầng còn nhiều bất cập, trong đó việc duy tu các tuyến đường trọng điểm chưa được đầu tư đúng mức khiến nhiều tuyến đường trở thành "rốn ngập" như Đỗ Xuân Hợp, Võ Văn Ngân…
Nhiều sông, kênh rạch cũng chưa được quan tâm cải tạo, hệ thống nước thải xả thẳng trực tiếp ra môi trường.
Ông Tấn nêu thực trạng TP Thủ Đức được kỳ vọng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao nhưng hệ thống đèn chiếu sáng còn chưa đáp ứng. Toàn địa phương có 35.000 đèn chiếu sáng, nhưng hiện chỉ có 5.700 đèn chiếu sáng là đèn LED, chỉ đạt 16%.
"TP Thủ Đức chỉ mới có 115 tủ điều khiển hệ thống/1.039 tủ được kết nối về trung tâm quản lý thì cũng chưa gọi là chuyển đổi số, chưa đẩy mạnh việc quản lý hạ tầng…", ông Tấn nhấn mạnh.
Theo ông Tấn, tỉ lệ cây xanh ở TP Thủ Đức cao nhưng chưa có công viên nào thực sự trở thành khu vui chơi cho người dân một cách bài bản. Nhiều khu công viên được đầu tư nhưng chưa đưa vào vận hành, trở nên hoang hóa.
Điểm đáng nói, hiện nay TP Thủ Đức có hơn 200 dự án đầu tư chưa được bàn giao hạ tầng, có vòng luẩn quẩn giữa chưa bàn giao và bàn giao nên không thể sử dụng vốn ngân sách để cải tạo, sửa chữa, duy tu hạ tầng như đường Nguyễn Hoàng, khu tái định cư Bình Khánh... Người dân đang rất kêu ca về hạ tầng nhưng chưa có cách để giải quyết.
"Tôi đề nghị lãnh đạo cần có sự quan tâm, chỉ đạo về nội dung này. Vì hiện có nghị quyết 98, kết luận 14 và nghị định 73 nên tôi xin đề xuất trong những trường hợp với các dự án đầu tư tồn hàng chục năm, hạ tầng không được bàn giao dẫn đến hoang hóa, xuống cấp, hay còn vướng mắc về pháp lý… Có thể có cơ chế nào để tiếp nhận một phần, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, duy tu, bảo trì để phục vụ người dân, để những công trình ngày càng dân sinh hơn", ông Tấn đề xuất.
Ông Tấn lấy ví dụ đường Nguyễn Hoàng (phường An Phú, TP Thủ Đức) hiện dân kêu ca nhưng chưa sửa chữa được, chủ đầu tư đổ lỗi nhau, chính quyền khó xử lý. Hay nhiều dự án nhỏ, hẻm nhỏ tại TP Thủ Đức vẫn còn đá dăm, đường đất…
Nhiều tuyến đường ở các khu đô thị tỉ đô tại TP Thủ Đức chưa được bàn giao
Thời gian qua, báo Tuổi Trẻ có loạt bài viết phản ánh về tình trạng hai khu đô thị "tỉ đô" An Phú và An Phú - An Khánh (TP Thủ Đức) đầu tư 20 năm nay nhưng Nhà nước chưa kiểm soát được hạ tầng.
Nhiều tuyến đường trong các khu đô thị ở TP Thủ Đức chưa được chủ đầu tư bàn giao dù dự án đã hoàn thiện mấy chục năm. Nghịch lý này khiến toàn bộ hạ tầng hai khu đô thị không được duy tu bảo dưỡng, không thể đấu nối theo quy hoạch giao thông.
Hai chủ đầu tư đang giữ quyền kiểm soát hạ tầng tại các khu đô thị là Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) và Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm nắm quyền, không bàn giao quyền quản lý lại cho chính quyền.
Đồng thời cả hai lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến đường sá không được duy tu. Từ đó hạ tầng, giao thông không được nâng cấp gây bất tiện cho người dân.
Điển hình trong các tuyến đường có đường Nguyễn Hoàng (phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) dài khoảng 1,2km đã hư hỏng nhiều năm. Đường xuống cấp, UBND phường An Phú phải vận động một đơn vị trên địa bàn hỗ trợ vá tạm 'ổ gà' và tiếp tục chờ các đơn vị có trách nhiệm hoàn thiện đường này.
Rộng hơn 200ha, giá đất nền 200 - 300 triệu đồng/m2, hai khu đô thị An Phú và An Phú - An Khánh được coi là khu đô thị tỉ đô, sầm uất bậc nhất TP Thủ Đức. Thế nhưng hơn 20 năm qua, Nhà nước chưa thể kiểm soát được hạ tầng tại đây.