Trong một cuộc họp báo cuối tuần trước, Thống đốc Nabiullina nhận định đồng euro có thể mất vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu, nếu Brussels vẫn giữ kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để giúp Ukraine.
"Về việc rút tiền kiếm được từ đầu tư tài sản bị đóng băng, chúng tôi cho rằng trên nguyên tắc, cả việc rút tiền và đóng băng tài sản đều sẽ kéo tụt sự phát triển của đồng euro trong vai trò là tiền tệ dự trữ và công cụ thanh toán", bà cho biết.
Nabiullina cũng tiết lộ giới chức Nga đang tìm cách đưa số tài sản bị phong tỏa về nước, có thể qua tòa án, dù quá trình này "sẽ rất thách thức". Nga hiện tại vẫn coi việc phong tỏa tài sản của họ là trái pháp luật.
EU, Mỹ và các đồng minh đã đóng băng hàng tỷ USD tài sản của chính phủ, cá nhân và doanh nghiệp Nga kể từ năm ngoái, thông qua các lệnh trừng phạt Moskva sau xung đột tại Ukraine. Các nước phương Tây đang tìm cách sử dụng số tài sản này để hỗ trợ Kiev, bất chấp cảnh báo từ Nga và nhiều chuyên gia phương Tây rằng hành động này sẽ đe dọa uy tín của hệ thống tài chính và tiền tệ phương Tây.
Hiện tại, các đề xuất của EU tập trung vào việc sử dụng lợi nhuận sinh ra từ các tài sản của Nga, thay vì dùng trực tiếp số tài sản này. Do việc dùng trực tiếp sẽ gặp nhiều rắc rối về pháp lý hơn.
Tuy nhiên, Financial Times tuần trước trích lời một quan chức G7 cho biết nhóm này gần đây thảo luận việc tịch thu tài sản công của Nga "để buộc Nga chấm dứt" chiến dịch quân sự. G7 đã quyết định được cách làm việc này "mà vẫn phù hợp với các điều luật quốc tế". Nhóm này sẽ đưa ra đề xuất chi tiết vào đầu năm tới.
Hà Thu (theo RT)