vĐồng tin tức tài chính 365

'Món nợ' cuộc đời của người đàn bà buôn tiền giả

2023-12-18 13:19

Từ năm 2012 đến nay, Hiền gặp con trai ba lần. Lần đầu thằng bé chưa biết nói, lần hai con biết nói nhưng không chịu gọi mẹ. Lần thứ ba, nó chịu gọi mẹ, rồi oán trách.

Oán trách cũng là trạng thái thường trực của chính phạm nhân này dành cho chính mình, trong những ngày đầu tiên thụ án trong trại giam Hoàng Tiến, tỉnh Hải Dương.

11 năm qua, đi hết những ngày oán trách bản thân, Hiền bắt đầu thấy lại hy vọng, nhưng nhắc về sai lầm ngày đó, Hiền vẫn bảo, "chưa bao giờ ngừng ân hận".

Ôm con đi vận chuyển tiền giả

Cú sa chân của vợ chồng Hiền liên quan mật thiết đến một cặp vợ chồng "anh chị" ở tỉnh Hải Dương: Nguyễn Thị Nga và Đặng Hải Long, có 4 tiền án về tội Đánh bạc Lưu hành tiền giả.

Tháng 4/2012, vợ chồng Nga Long có khách đặt hàng 500 triệu tiền giả, mệnh giá 200.000 đồng. Nga liên lạc với một phụ nữ sống tại Trung Quốc, được báo giá 40, tức 40.000 đồng tiền thật mua 100.000 đồng tiền giả và giới thiệu đến Hiền. Đôi bên thống nhất, ngày 22/5/2012 Hiền sẽ cầm tiền giả về Hải Dương giao cho Nga.

Nhà chức trách cáo buộc chiều 21/5/2012, Hiền lên thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn và được một người đàn ông đưa 2 gói bọc trong túi nylon màu đen dặn mang về Hải Dương đưa cho Nga và nhận lại 190 triệu đồng.

Vợ chồng Phương Văn Huy (bìa trái) và Lâm Thúy Hiên (thứ ba từ trái qua) khi bị bắt. Ảnh: Công an Nhân dân

Vợ chồng Phương Văn Huy (trái) và Lâm Thúy Hiền (thứ 2 từ phải qua) khi bị bắt. Ảnh: Công an Nhân dân

Khoảng 9h hôm sau, Hiền xách chiếc làn đựng bọc hàng, cùng chồng là Phương Văn Huy và con trai 2 tuổi đi ôtô khách về Hải Dương giao cho Nga. Nhà chức trách xác định, "ôm theo con", "xách theo làn", giấu hàng trong mớ rau, hộp sữa, là thủ đoạn điển hình các nhóm vận chuyển hàng giả, hàng cấm sử dụng để tạo vỏ bọc, đánh lạc hướng cơ quan chức năng.

12h30, Hiền cùng chồng con về đến huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương thì xuống xe, gặp và cùng đi về nhà vợ chồng Nga - Long.

Khoảng 17h cùng ngày, vợ chồng Nga đi giao hàng, bị công an bắt quả tang ở khu vực cầu Lộ Cương, thành phố Hải Dương với 2.488 tờ tiền giả. Vợ chồng Hiền cũng bị bắt cùng ngày.

Khi bị tách khỏi mẹ, con trai Hiền chưa biết nói, cũng chưa kịp cai sữa.

Chín tháng sau, hai cặp vợ chồng cùng bị TAND tỉnh Hải Dương phạt tù về tội Vận chuyển tiền giả: Nga 19 năm, Hiền 18 năm, Huy 17 năm và Long 15 năm. Do có con nhỏ mới 2 tuổi, Hiền được hoãn thi hành án một năm, nhưng Hiền quyết "đi luôn để sớm về".

"Em đã lấy mất tương lai của những người yêu thương nhất"

Những ngày cuối năm 2023, Hiền, phạm nhân 39 tuổi, nhắc lại nội dung vụ án với những câu kể đều đều rời rạc, tóm gọn những vấp ngã đời mình trong tám chữ: "Tôi ngu dốt, giờ tôi phải trả giá". Nhưng được hỏi đến các con, Hiền không còn giữ được vẻ "dửng dưng, bất cần", lời tâm sự bắt đầu xen những tiếng sụt sùi: "Em chỉ sợ bố mẹ đi tù hết, hai con em sẽ bị vào trại mồ côi"...

Hiền tự nhận không có "năng khiếu", phần vì gia cảnh khó khăn nên đành nghỉ học khi mới hết lớp 2 để phụ bố mẹ việc đồng áng. Kết hôn năm 18 tuổi, vợ chồng làm thuê, mỗi tháng thu nhập chưa đến 2 triệu đồng, Hiền kể.

Trong nhà, cô em gái được học hành tử tế, trở thành niềm hy vọng của cả gia đình. Ngày em đỗ đại học ngành sư phạm, Hiền bảo "bằng mọi cách" cũng phải lo cho em học hành tử tế, thay cha mẹ già.

Nhưng "bằng mọi cách" mà Hiền quyết tâm có cả những cách không được pháp luật cho phép. Việc vợ chồng Hiền cùng lúc đi tù là cú sốc với gia đình. Còn cú sốc với Hiền là khi biết em gái phải bỏ giảng đường đại học về kiếm việc trong nhà máy gần nhà, vừa chăm sóc bố mẹ, vừa nuôi hai cháu.

"Ngày xưa, em bươn chải kiếm tiền để em gái ăn học bằng người. Giờ chỉ vì tội của mình, em gái lỡ dở cả tương lai", Hiền tự trách, hai hàng nước mắt lã chã rơi. "Chị yên tâm cải tạo, em nhất định không để hai cháu vào trại mồ côi. Chuyện của em, em sẽ lo sau", cuộc trò chuyện ngắn ngủi với em gái qua điện thoại trại giam, 10 năm nay Hiền vẫn nhớ.

Lâm Thúy Hiền trách sai lầm của mình ảnh hưởng tương lai em gái và các con. Ảnh: Ngọc Thành

Lâm Thúy Hiền trách sai lầm của mình ảnh hưởng tương lai em gái và các con. Ảnh: Ngọc Thành

"Chẳng ai quen với việc đi tù nhưng cũng không rầu rĩ, ủ dột mãi được", Hiền kể rồi nhắc lại lời động viên của cán bộ quản giáo những ngày đầu vào trại "phải lao động, rèn luyện, thời gian mới qua nhanh".

Hiền được dạy đọc, viết, dạy đan lưới, làm giỏ mây tre, nghề may và cảm thấy "ngạc nhiên" với bản thân. Hiền bảo trước nay vẫn tự ti "ít học", không làm được việc gì nhưng hóa ra chỉ cần được dạy, việc gì mình cũng làm được. Nữ phạm nhân đến nay đã là thợ "cứng" trong tổ may của trại giam.

Khi Hiền cải tạo tiến bộ cũng là lúc nhận ra con mình cũng vậy. Cuối năm 2013, Hiền nhận được một lá thư viết trong trang vở ô ly. "Mẹ ơi con biết viết rồi. Con lên lớp Một rồi. Hôm nay mẹ ăn gì. Mẹ không nghe lời ông bà, mẹ hư". Đấy là thư của con gái Hiền. Nhiều bạn tù từng nói đi tù nhận thư nhà như được nhìn thấy hoa nở sau song sắt, còn với Hiền những lời ngô nghê của con bé như nắm muối xát vào lòng.

Đến 2018, hai đứa trẻ mới được họ hàng dẫn lên thăm mẹ. Hiền thấy con chỉ khóc òa lên rồi ngã quỵ. Các cán bộ trại giam "phá lệ" để Hiền ôm con một lần. Sau 6 năm xa cách, với chúng, Hiền gần như người xa lạ. Cái ôm của Hiền làm chúng sượng sùng. Thằng bé con, nhất định không gọi mẹ.

"Mẹ mình mà không phải người lạ đâu, em gọi đi", cô chị dỗ nhưng cậu em vẫn lắc đầu. Hiền bảo mình đáng bị như thế, chẳng có quyền gì trách con.

Phải đến lần gặp thứ hai, sau đó 5 năm, thằng bé mới chịu gọi Hiền là mẹ. Cuộc gặp tháng 8 vừa qua có thêm một "nhân vật đặc biệt" là chồng Hiền.

Bao nỗi lòng trong 11 năm chia cách được dồn trong 15 phút ngắn ngủi. "Anh sẽ đợi em về. Những gì mình đánh mất sẽ cùng nhau làm lại. Sai nào cũng có cách sửa em ạ", người chồng dặn.

Sau 6 lần giảm án, giờ Hiền còn 18 tháng nữa sẽ được về nhà. Nữ phạm nhân dự định sẽ xin việc trong công ty may "nếu xã hội vẫn đủ bao dung chấp nhận mình", sau đó đủ tiền sẽ tự mở tiệm may tại nhà.

Con gái Hiền vừa viết thư báo năm nay thi đại học sẽ đăng ký vào ngành sư phạm, thay dì thực hiện ước mơ dang dở 11 năm trước.

Lần nào được gọi điện thoại về, Hiền cũng hỏi em gái chuyện chồng con và đều nhận được câu trả lời y hệt: "Chị được trở về để chăm sóc hai cháu, em mới yên tâm nghĩ đến việc riêng".

Thanh Lam - Phạm Dự

Xem thêm: lmth.5369764-aig-neit-noub-ab-nad-iougn-auc-iod-couc-on-nom/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Món nợ' cuộc đời của người đàn bà buôn tiền giả”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools