vĐồng tin tức tài chính 365

ASEAN - Nhật Bản cùng sáng tạo

2023-12-18 14:54
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo ASEAN, Nhật Bản bắt tay theo phong cách ASEAN tại Hội nghị kỷ niệm 50 năm quan hệ hai bên - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo ASEAN, Nhật Bản bắt tay theo phong cách ASEAN tại Hội nghị kỷ niệm 50 năm quan hệ hai bên - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng trên tinh thần lấy tin cậy chính trị làm nền tảng, hợp tác kinh tế làm động lực và lấy giao lưu nhân dân làm trung tâm, con thuyền ASEAN - Nhật Bản sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục rẽ sóng vươn xa trong 50 năm tới và xa hơn nữa.

Việt Nam nhấn mạnh 4 kết nối

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ với Nhật Bản là một trong những mối quan hệ thành công nhất của ASEAN.

Người đứng đầu Chính phủ đồng thời đề nghị trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua nhiều "cơn gió ngược" với nhiều thách thức chưa có tiền lệ, hai bên cần tăng cường hợp tác và phấn đấu đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản trở thành một biểu tượng của đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hơn nữa phối hợp chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Nhật Bản cần tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, tích cực hỗ trợ các nước thuộc tiểu vùng Mekong ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống.

Nhắc lại chính sách của Nhật Bản với ASEAN do cố Thủ tướng Takeo Fukuda khởi xướng là "từ trái tim đến trái tim", Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần cụ thể hóa quan hệ "từ trái tim đến trái tim" trở thành quan hệ "từ hành động đến hành động", và "từ cảm xúc đến hiệu quả" với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, cụ thể trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh bốn kết nối, trong đó đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế, thương mại; đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược; mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh...

Và cuối cùng là ưu tiên kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác mới

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản nhất trí nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng tại khu vực, tạo thuận lợi hơn cho hàng xuất khẩu vào thị trường của nhau.

Đồng thời, ASEAN và Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua "Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản: Đối tác tin cậy" và "Kế hoạch triển khai tuyên bố tầm nhìn" làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản thời gian tới.

Theo truyền thông Nhật Bản, trong cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết cuộc gặp đã đưa ra một lộ trình mạnh mẽ cho sự hợp tác trong tương lai, tập trung vào "đồng sáng tạo" vì sự tiến bộ của nền kinh tế - xã hội cũng như hòa bình và ổn định. Chẳng hạn trong lĩnh vực ô tô, hai bên đã đưa ra "Sáng kiến đồng sáng tạo ASEAN - Nhật Bản

cho ngành công nghiệp ô tô thế hệ tiếp theo". Một lộ trình thực hiện đã được thống nhất, trong đó kêu gọi các nước cùng nhau xây dựng một "kế hoạch tổng thể" cho ngành, điều phối các chính sách để "loại bỏ carbon toàn bộ chuỗi giá trị" và xây dựng "chuỗi cung ứng kiên cường và đáng tin cậy".

Báo Nikkei Asia dẫn lời một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết mục tiêu của sáng kiến mới là "đảm bảo rằng ngành công nghiệp ô tô của ASEAN vẫn là trung tâm sản xuất và xuất khẩu trên thế giới trước sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt đối với các loại xe thế hệ tiếp theo".

Theo giới quan sát, đây là một nỗ lực nữa của Nhật Bản nhằm tiếp tục giữ vai trò là một trong những đối tác hỗ trợ phát triển kinh tế, thương mại hàng đầu của ASEAN.

Từ nhiều năm qua, theo nhà nghiên cứu Emma Chanlett-Avery (Viện chính sách xã hội châu Á - Mỹ), các hỗ trợ của Nhật Bản về ODA đã giúp xây dựng và củng cố niềm tin đối với Tokyo tại Đông Nam Á.

"Cách tiếp cận đa chiều và kiên nhẫn của Nhật Bản đối với khu vực đã tạo ra thiện chí và sự tin tưởng dồi dào", bà Emma Chanlett-Avery nói trên Nikkei Asia.

Theo bà, cách tiếp cận của Nhật Bản với ASEAN có thể trở thành hình mẫu cho các nước khác trong quan hệ với khu vực này.

Giáo sư Mie Oba (Đại học Kanagawa, Nhật Bản) nhận định để quan hệ ASEAN - Nhật Bản tiếp tục ổn định và phát triển vững chắc hơn trong tương lai, Nhật Bản cần nhìn nhận ASEAN như một đối tác bình đẳng, ngày càng quan trọng trên thế giới cả về chính trị và kinh tế.

55 tỉ yen

Tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản vào ngày 17-12, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố khoản hỗ trợ tổng trị giá 55 tỉ yen, bao gồm: 40 tỉ yen cho giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa - giáo dục và 15 tỉ yen cho các chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu quốc tế. Trước đó vào đầu năm 2022, Nhật Bản đã công bố khoản đóng góp 14,2 tỉ yen cho Quỹ Hội nhập ASEAN - Nhật Bản.

Nhật Bản công bố hỗ trợ thêm hàng chục tỉ yen cho ASEANNhật Bản công bố hỗ trợ thêm hàng chục tỉ yen cho ASEAN

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố thêm hai khoản hỗ trợ mới trị giá hàng chục tỉ yen để củng cố quan hệ ASEAN - Nhật Bản, trong hội nghị kỷ niệm 50 năm hai bên thiết lập quan hệ.

Xem thêm: mth.99151859081213202-oat-gnas-gnuc-nab-tahn-naesa/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“ASEAN - Nhật Bản cùng sáng tạo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools