Vợ cũ của anh 37 tuổi, là giáo viên. 7 năm trước, sau khi đi du học về, chị quen anh (làm việc tại bệnh viện thẩm mỹ của gia đình) qua mai mối rồi kết hôn, có một con trai. Tuy nhiên, quá trình chung sống họ phát sinh nhiều mâu thuẫn. Khi con trai được hơn 6 tháng, anh chị quyết định đường ai nấy đi.
Tháng 8/2017, TAND quận Bình Thạnh công nhận hai người thuận tình ly hôn. Cả hai thỏa thuận giao con cho chị nuôi dưỡng chăm sóc, anh được đến thăm con vào cuối tuần. Chị không yêu cầu anh cấp dưỡng.
Hơn 6 năm sau, hồi tháng 7, bác sĩ làm đơn khởi kiện ra TAND quận Tân Bình, yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Theo anh, lúc hai người ly hôn, vì con còn nhỏ nên anh đồng ý để vợ cũ nuôi. Nay cháu đã lớn, anh đề nghị tòa trao quyền trực tiếp nuôi con. Lý do nguyên đơn đưa ra là vợ cũ đã có gia đình mới, kết hôn với người nước ngoài và có con riêng; điều kiện chăm sóc con trai bị hạn chế, tình cảm bị san sẻ, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cháu. Hơn nữa, con trai được vợ cũ cho học trường quốc tế - sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Pháp, giờ chuẩn bị vào lớp hai nhưng cháu không biết đọc và viết tiếng Việt.
Anh cũng cho rằng, hiện tại con trai có biểu hiện suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất và tinh thần so với bạn bè cùng lứa tuổi. Việc cháu được mẹ nuôi dạy bằng văn hóa nước ngoài, phát triển theo chiều hướng không phù hợp đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt.
Theo nguyên đơn, lúc hai người mới ly hôn, anh đồng ý chỉ thăm nuôi vào 7-8h chủ nhật hàng tuần, vì con còn nhỏ. Nhưng sau này con lớn, vợ cũ vẫn chỉ cho anh được thăm con trong thời gian này là không phù hợp. Chị còn thường đưa con đi du lịch dài ngày, không tạo điều kiện cho anh được thăm con như phán quyết của tòa.
Trình bày tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 9 của TAND quận Tân Bình, chị không đồng ý với yêu cầu của chồng cũ. Chị cho biết có điều kiện nuôi dạy con tốt, việc thay đổi người nuôi dưỡng sẽ làm xáo trộn cuộc sống đang tốt đẹp, vui tươi của cậu bé. Chị khẳng định không hạn chế quyền thăm nuôi con của anh, song việc anh đòi thăm con vào giờ học và lúc con đang đi du lịch là "làm xáo trộn cuộc sống" nên chị không đồng ý.
Hiện cháu theo học trường quốc tế và có thể giao tiếp được 3 ngôn ngữ: Pháp, Anh, Việt. Hơn nữa, chị là giáo viên, luôn đồng hành cùng con trong quá trình phát triển, nên việc anh nói cháu "phát triển theo chiều hướng không phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt" là không có căn cứ.
Kết quả khám sức khỏe của bệnh viện kết luận cháu khỏe mạnh, phát triển bình thường so với bạn cùng lứa. Việc người cha nói cháu có biểu hiện suy dinh dưỡng, chậm phát triển về tinh thần, sức khỏe là không đúng.
Chị đã lập gia đình mới, có thêm con hơn 2 tuổi. Chồng chị là người nước ngoài, có học vấn và là một người chồng, người cha tốt của cả 2 con. Con trai của chị đang được sống trong một gia đình trọn vẹn có tình thương đầy đủ của cha, mẹ, anh em và ông bà.
Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận quan điểm và các chứng cứ của chị, tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - giao đứa trẻ cho anh trực tiếp nuôi dưỡng.
Theo bản án, người mẹ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé "bởi đã có gia đình mới, có con riêng". Việc chị trực tiếp nuôi bé sẽ không đảm bảo về mọi mặt của trẻ "vì tình thương bị chia sẻ, sẽ gây ra những tổn thương về tình cảm khi không có cha ruột bên cạnh". Hơn nữa, cháu bé là con trai, trong giai đoạn trưởng thành cần sự quan tâm, giáo dục, chia sẻ của người cha.
Dẫn căn cứ Điều 81 của Luật hôn nhân và Gia đình (quy định sau khi ly hôn người cha vẫn có quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con), tòa cho rằng bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi dưỡng khi hạn chế quyền thăm nuôi của người cha, thường đưa con đi du lịch dài ngày; yêu cầu người cha thực hiện việc thăm nuôi con vào lúc 7-8h sáng ngày chủ nhật hàng tuần. Như vậy, người mẹ bị cho là đã vi phạm khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình.
Không đồng ý với phán quyết của tòa, bị đơn kháng cáo. Bản án cũng bị VKSND quận Tân Bình kháng nghị toàn bộ nội dung; đề nghị TAND TP HCM xử phúc thẩm theo hướng bác yêu cầu của người cha.
Theo VKS, tài liệu chứng cứ thu thập có cơ sở xác định các quan điểm của nguyên đơn là không đúng. Theo thỏa thuận của hai bên, lúc mới ly hôn, người cha được đến thăm nuôi con vào 7-8h sáng ngày chủ nhật hàng tuần. Về sau hai bên đã thỏa thuận cân đối lại thời gian thăm nuôi - tức nguyên đơn được đưa rước, thăm nom từ 10h sáng ngày thứ 7 đến 19h tối ngày chủ nhật (hôm sau). "Việc người cha đưa ra yêu cầu bất hợp lý, yêu cầu phải được gặp con khi con đang học hoặc đi du lịch, nên người mẹ từ chối là hợp tình hợp lý", VKS nêu quan điểm.
Từ nhỏ đến lớn, cháu bé được học ở các trường quốc tế chất lượng của Việt Nam với điều kiện cao hơn các trẻ em cùng lứa. Tất cả các trường học được hoạt động, giảng dạy hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cháu còn nhỏ nhưng có thể giao tiếp được 3 ngôn ngữ, thành tích và điều kiện mà ít trẻ cùng lứa có được. Do đó, VKS xác định không có căn cứ nói cháu bé được nuôi dạy theo chiều hướng không phù hợp, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của người Việt. Mẹ cháu bé đã lập gia đình mới, nhưng chị và chồng đã tạo điều kiện để con riêng được quan tâm, nuôi dưỡng và phát triển trong một gia đình văn minh, có đầy đủ tình thân, cả cha và mẹ.
VKS cũng cho rằng, người cha đã không nuôi dưỡng, chăm sóc con từ lúc bé, cũng không có kỹ năng chăm sóc trẻ. Hiện cháu bé đã quen với điều kiện môi trường sống được người mẹ chăm sóc. Việc thay đổi lập tức điều kiện, môi trường sống, thầy cô, bạn bè, phương pháp giáo dục... sẽ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để người mẹ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là đảm bảo tính toàn diện về quyền lợi ích mọi mặt cho bé.
Dự kiến, ngày 21/12, TAND TP HCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xem xét yêu cầu của các bên.
Trước phiên phúc thẩm, cháu bé đã đủ 7 tuổi, nên thẩm phán đã có buổi gặp gỡ để hỏi về nguyện vọng của trẻ, theo quy định. Biên bản buổi làm việc ghi nhận bé trai bày tỏ mong muốn được sống với mẹ và vẫn được cha đến thăm, gặp.
Chia sẻ với VnExpress, người mẹ cho biết, quá trình học ở trường cháu vẫn được dạy môn tiếng Việt. Thực tế cháu có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Trong buổi gặp với thẩm phán tòa thành phố mới đây cháu hoàn toàn nói bằng tiếng Việt mà không cần phiên dịch.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.5210964-teiv-gneit-teib-gnohk-eb-uac-os-iv-noc-ioun-neyuq-hnaig/ten.sserpxenv