Nếu coi thương hiệu là một thứ tài sản vô hình của doanh nghiệp, thì Công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội đang sở hữu một khối tài sản rất lớn. Tài sản đó nằm trong tâm thức của triệu triệu người Việt.
Thời ấy, xe đạp Thống Nhất là cả một gia tài
Đối với thế hệ cha anh của tôi, chiếc xe đạp mang thương hiệu Thống Nhất chắc chắn sẽ đọng lại rất nhiều kỷ niệm. Bởi vì, chiếc xe đạp là niềm tự hào của ngành cơ khí non trẻ ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời kỳ ấy, nó đã theo người lính ra trận, theo chân những thanh niên xung phong trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại.
Cuối năm 1972, chiếc xe đạp Thống Nhất gồng gánh biết bao gia đình sơ tán về vùng nông thôn tránh máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm địch bắn phá Hà Nội...
Với tôi, chiếc xe đạp Thống Nhất lại gắn với hình ảnh người cha thân thương đã khuất bóng trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Tôi còn nhớ rất rõ khuôn mặt thất thần của ông, khi hốt hoảng về nhà báo tin đã làm mất chiếc xe đạp Thống Nhất.
Nghe xong tin ấy, mẹ tôi rụng rời chân tay, bà chì chiết cha tôi không cẩn thận, rồi khóc bù lu bù loa vì tiếc của, mặc cho cha tôi luôn miệng thanh minh đã khóa hai lần xe rất cẩn thận, nhưng chỉ một loáng vào mua đồ quay ra đã mất...
Bình thường, mẹ tôi không phải là người nhiều lời, nhưng "của đau con xót", chiếc xe đạp ngày ấy là cả một gia tài của gia đình tôi, nó được mua bằng tiền tích cóp từ nhiều lứa chăn nuôi lợn mới sắm được. Chiếc xe quý đến mức thời gian mới mua về, cha tôi còn không dám dùng. Ông lấy chiếc chăn chiên phủ lên xe cho khỏi bụi bặm, một thời gian sau mới sử dụng.
Những ngày sau khi mất xe, cha liên tục vắng nhà, tối mịt mới về. Thì ra, cứ sáng sớm, ông bắt xe khách về các chợ nông thôn ven Hà Nội để tìm xe. Nghe người ta mách, kẻ gian thường mang xe đạp lấy trộm ra ngoại thành tiêu thụ nên ông khăn gói đi tìm. Nhưng cả tuần vẫn không có kết quả.
Thấy cha gầy sọp, khuôn mặt hốc hác, tôi rất thương mà chẳng biết phải làm gì. Có lẽ mẹ cũng thương cha như vậy nên an ủi: "Thôi, không tìm nữa, của đi thay người".
Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó của cha mẹ tôi, một thời gian sau gia đình tôi đã mua được chiếc xe đạp Thống Nhất mới. Chiếc xe đạp thứ hai này gắn bó với cha tôi cho đến khi ông nghỉ hưu vào giữa thập niên 1980.
Sau này, khi trào lưu xuất ngoại sang các nước Đông Âu trở nên phổ biến. Người đi lao động xuất khẩu thường đóng hàng gửi về nước xe đạp Eska, Favorit, Mifa với chất lượng, kiểu dáng vượt trội. Đây là giai đoạn khó khăn của Công ty xe đạp Thống Nhất.
Tôi còn nhớ, lứa thanh niên chúng tôi lớn lên vào thập niên 1990 luôn mơ ước mua được một chiếc xe do Tiệp Khắc hoặc Đông Đức sản xuất; bạn bè nào sở hữu một chiếc Peugeot màu da đồng của Pháp thì quả là đẳng cấp, chỉ có những gia đình có kinh tế vượt trội mới sắm được.
Song với thế hệ lớn tuổi như cha tôi, chiếc xe đạp Thống Nhất được sản xuất vào thập niên 1960, 1970 vẫn là những chiếc xe đạp "nồi đồng cối đá" nhất. Bởi hồi ấy, Thống Nhất được làm kỹ tới từng chi tiết, khung xe, vành xe, gác ba-ga rất chắc chắn, có thể vừa thồ hàng, vừa đèo được tới hai người ngồi sau xe mà không lo bị hư hỏng.
Hơn 60 năm đã trôi qua, với tên gọi đầu tiên là Nhà máy xe đạp Thống Nhất và nay là Công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội. Trải qua những giai đoạn thăng trầm, nhất là những khó khăn khi chuyển sang cơ chế thị trường cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập, nhưng thương hiệu xe đạp Thống Nhất vẫn đứng vững, trở lại mạnh mẽ với mẫu mã mới đa dạng, từ dòng xe đạp phổ thông đến xe đạp thể thao khỏe khoắn, bắt mắt.
Trong nỗ lực tự khẳng định lại thương hiệu của mình, xe đạp Thống Nhất bây giờ đã chiếm được một thị phần đáng kể trong phân khúc bình dân, tiếp tục mở rộng nhiều đại lý phân phối trên cả nước.
Với tình cảm yêu mến thương hiệu Việt, tôi tin rằng con chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình trên logo chiếc xe đạp Thống Nhất xưa kia, bây giờ đã có cả một bầu trời Bắc - Nam liền một dải để vẫy vùng, tung cánh tới những chân trời mới. Thương hiệu truyền thống là nội lực tiếp thêm sức mạnh để xe đạp Thống Nhất thực hiện thành công khát vọng phát triển của mình.
Chia sẻ về những thương hiệu bạn yêu thích, hay chính quá trình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp bạn để có cơ hội nhận được giải thưởng lên đến 30 triệu đồng.