TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý (FSPPM), Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế gồm: tiêu dùng của các hộ gia đình, đầu tư tư nhân, chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu ròng. Và nền kinh tế chỉ khởi sắc khi 4 yếu tố này được cộng hưởng.
Ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề "Kích cầu tiêu dùng nội địa" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 19-12.
Giảm thuế để tăng chi tiêu
Về tiêu dùng hộ gia đình, sau giai đoạn COVID-19, các hộ gia đình đã bị bào mòn thu nhập và cần nhiều năm nữa mới phục hồi. Điều này khó tạo ra được cú hích mạnh cho nền kinh tế.
Tương tự như vậy, đầu tư khu vực tư nhân cũng khó có đột phá khi họ cũng bị suy kiệt sau những năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, để có thể trở thành động lực phát triển kinh tế vững mạnh.
Đầu tư nước ngoài có những điểm sáng nhưng không tránh khỏi tác động của kinh tế thế giới. Chính vì vậy không có động lực nào quá nổi bật cho kinh tế 2024, nhưng nếu tích hợp các động lực này thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, ngòi tháo cho động lực tăng trưởng trong năm 2024 vẫn là đầu tư công, chi tiêu công.
Nếu mảng này được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch thì sẽ tạo ra sự kích hoạt với đầu tư tư nhân và tiêu dùng.
Đầu tư công được thực hiện trên thực tế sẽ giúp hình thành thu nhập của người lao động, nhà cung ứng, lan tỏa thu nhập cho nền kinh tế. Khi đó mới tạo được sức cầu ở hộ gia đình.
"Chỉ nghĩ đến chi tiêu chính phủ 700.000 tỉ đồng là chưa đủ. Cần tính cả tác động lan tỏa từ số vốn này", ông Tuấn lưu ý.
Chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP, trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50-55% GDP.
Dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn. Đến năm 2026, có thể thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu.
Tuy vậy, vị chuyên gia cũng lưu ý các động lực trên cũng phụ thuộc vào công cụ chính sách của Chính phủ, bao gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Về chính sách tài khóa, muốn tăng sức cầu, tiêu dùng của hộ gia đình thì Chính phủ phải đồng bộ giảm thuế cho người dân để họ có thu nhập, tăng niềm tin tiêu dùng. Tương tự với những người bị mất thu nhập, phải có chính sách trợ cấp chi tiêu cho họ.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, hiện Việt Nam có chính sách đánh thuế lũy tiến, nhưng lại không có chính sách tín dụng thuế. Thu nhập dưới 11 triệu đồng là ngưỡng chịu thuế theo quy định. Vậy những người dưới ngưỡng này nên có khoản thuế tín dụng hay còn gọi là thuế âm, là phúc lợi do Nhà nước trả cho người lao động thông qua hệ thống thuế, nhằm giúp tăng thêm thu nhập ròng.
Trong khi đó, với nhóm thu nhập cao, siêu giàu, nhu cầu chi tiêu thấp và thường chỉ chi tiêu hàng cao cấp xa xỉ, hàng nhập khẩu, nên không cần có chính sách hỗ trợ.
Đối tượng cần kích cầu là nhóm thu nhập thấp và trung lưu. Nhóm này chi tiêu nhiều trong xã hội và đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế.
Về công cụ chính sách tiền tệ, Việt Nam cần có biện pháp để khôi phục động lực sản xuất của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn. Các giải pháp đã có, vấn đề hiện nay là phải thực hiện quyết liệt hơn để đi vào thực tế,
Bảo vệ sản xuất nội địa
Vậy đâu là động lực phục hồi kinh tế? Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, câu trả lời tùy thuộc vào lựa chọn của Chính phủ. Đây không phải vấn đề thuần túy của thị trường, hay do thị trường quyết định. Về lâu dài, nếu không có sự nâng đỡ, hỗ trợ của Nhà nước thì không có động lực nào phát huy tiềm năng của mình.
Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, khi thuế thu nhập cá nhân hiện đã lạc hậu.
"Chúng ta cần chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn, vì phải mạnh mẽ hơn trong việc giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cho người dân.
Chính sách thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu. Đây là thời điểm sửa nhanh quy định, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, giãn các bậc thuế", ông Tuấn nhấn mạnh.
TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội - cũng cho biết nhìn vào cấu trúc các ngành, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3-2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ, nhất là tiêu dùng nội địa đóng góp khoảng 75-80% của tăng trưởng năm 2023.
Sang năm 2024, cầu tiêu dùng vẫn là đóng góp chính cho tăng trưởng. Bên cạnh đó là sự lan tỏa của các gói đầu tư công, các gói kích cầu, xuất khẩu…
"Các chuyên gia đều cảnh báo hàng Trung Quốc chực chờ ở biên giới, nếu chúng ta không kiểm soát để thị trường thương mại và thương mại điện tử suy yếu thì hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ chèn ép hàng sản xuất nội địa của Việt Nam.
Do đó, kích hoạt những chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ lan tỏa tới tiêu dùng, sản xuất trong nước và hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp", chuyên gia của VEPR cảnh báo.
Việt Nam kỳ vọng GDP năm 2023 sẽ đạt 6%, và để đạt được mức tăng trưởng này, Chính phủ đặt trọng tâm vào ba lĩnh vực là xuất khẩu, dịch vụ và tiêu dùng.