vĐồng tin tức tài chính 365

Năm 2023 - Một năm mệt mỏi” đối với nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

2023-12-20 06:17

Nghị định 08/2023/NĐ-CP là quyết sách chưa từng có tiền lệ và mang lại hiệu quả cao cho thị trường

Năm 2023 là một năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta đã trải qua nhiều thăng trầm. Đặc biệt, một số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 đã gây ra những bất ổn và khiến thị trường này gần như "đóng băng" trong khoảng thời gian quý IV/2022 và quý I/2023. 

Trước những khó khăn, đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP khi hoãn một số quy định tại Nghị định số 65/2022 đến hết ngày 31/12/2023 để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt hơn với các quy định về nâng cao điều kiện xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và giảm thời gian phân phối trái phiếu.

Thực tế, sau gần một năm áp dụng các quy định của Nghị định 08, đặc biệt với quy định cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc lãi bằng tài sản khác hoặc gia hạn tối đa 2 năm, có thể thấy, thị trường đang dần “hạ nhiệt”, áp lực về thanh khoản được giảm nhẹ và nhà đầu tư cũng dần lấy lại niềm tin với thị trường. Đặc biệt, từ quý II/2023 trở đi, khối lượng phát hành của tháng sau đều cao hơn tháng trước.

Nghị định 08 của Chính phủ đã giúp thị trường dần “hạ nhiệt”, áp lực về thanh khoản được giảm nhẹ và nhà đầu tư cũng dần lấy lại niềm tin với thị trường.

Cụ thể, các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn với những dấu hiệu phục hồi rõ nét. Từ đầu năm đến nay đã có 77 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 214,3 nghìn tỷ đồng (giảm 35,4% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, các nhà đầu tư tổ chức là lực lượng chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 11 tháng năm 2023, chiếm 96,2% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 55%), còn lại là các nhà đầu tư cá nhân với 3,8%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ chính là quyết sách chưa từng có tiền lệ và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi trái phiếu doanh nghiệp sang bất động sản). Đồng thời, đây cũng là tháo gỡ rất quan trọng cho thị trường bất động sản. 

Song song với đó, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức hoạt động từ ngày 19/7/2023 cũng góp phần tạo thanh khoản cho thị trường và tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp phát triển bền vững hơn. Được biết, tổng giá trị giao dịch lũy kế từ khi bắt đầu hình thành thị trường trái phiếu riêng lẻ thứ cấp đạt 121.000 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch bình quân ngày ở mức 1.330 tỷ đồng. Đây là con số còn nhỏ so với quy mô lưu hành 1,1 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 11/2023, nhưng nếu nhìn thẳng vào thực tế “sức khỏe” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì đây là một kết quả đáng được ghi nhận. 

Đánh giá chung về bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn chung thị trường đang có sự hồi phục về niềm tin cũng như quy mô phát hành. Từ giữa năm 2023, đã có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản. Cùng với đó, người dân cũng đang bắt đầu quay trở lại mua trái phiếu và điều này được dựa trên 03 yếu tố. Thứ nhất, các doanh nghiệp phát hành đã có đàm phán thành công với các trái chủ để giãn, hoãn các khoản nợ trên cơ sở các cam kết mới có lợi cho người mua. 

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế.

Thứ hai, các dự án hay doanh nghiệp phát hành vẫn đưa ra được mức lãi suất hấp dẫn, do đó, vẫn thu hút được nhà đầu tư trong bối cảnh ngân hàng đang hạ sâu lãi suất huy động. 

Thứ ba, thị trường bất động sản đang ấm dần sau sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành. Vì vậy, lượng người mua tăng lên từ quý II/2023 là điều dễ hiểu. 

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) đánh giá, sự hồi phục tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kết quả của sự cộng hưởng từ các chính sách quyết liệt của Chính phủ cũng như sự chuyển biến tâm lý của các chủ thể tham gia thị trường. Trước mắt, thị trường trái phiếu đã dần tìm lại sự ổn định, có được sự tích lũy để chuẩn bị cho những quy định mới sẽ đi vào hiệu lực từ năm 2024. 

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, thời gian qua đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng thì chưa chuẩn xác vì thực tế là thị trường ở dưới mức trầm lắng; nhưng nếu nói đóng băng cũng không phải vì vẫn có nhiều nhà phát hành đã phát hành thành công trái phiếu trong năm 2023. Có thể nói, thị trường trái phiếu đang thiếu đi sự sôi động vì các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường qua các vụ đại án, vì vậy thị trường trái phiếu rơi vào khủng hoảng trong năm 2023. 

“Sắp tới, vào ngày 1/1/2024, Nghị định 08 sẽ hết hiệu lực. Trước mắt, điều này sẽ tác động tới thị trường khi siết chặt lại các quy định đối với thị trường trái phiếu, nhưng về lâu dài, đây sẽ là cơ sở để phục hồi thị trường này”, ông Nguyễn Trí Hiếu đưa ra quan điểm. 

Trái phiếu không thể chỉ dành cho ngân hàng và bất động sản

Nếu quan sát thực trạng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường trong những năm gần đây, có thể thấy không nhiều trái phiếu thuộc về các khu vực sản xuất trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, nông nghiệp hay thương mại mà chỉ tập trung chủ yếu tại hai ngành chủ chốt là ngân hàng và bất động sản. 

Nhận định về vấn đề này, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đối với ngân hàng, nhà đầu tư quyết định đầu tư do có sự tin tưởng cao. Hiện nay, trái phiếu của ngân hàng được các nhà đầu tư đánh giá là an toàn nhất, tuy nhiên lãi suất sẽ thấp và không được bảo trợ bởi công ty bảo hiểm như tiền gửi.

Còn thị trường bất động sản là thị trường có nhu cầu vốn lớn và các nhà kinh doanh bất động sản cũng cho các nhà đầu tư thấy rằng họ có tài sản đảm bảo là những dự án bất động sản tiềm năng, nên nhà đầu tư tham gia với sự an tâm cao. Thông thường, những trái phiếu của nhóm ngành này sẽ được sử dụng vào mục đích tài trợ cho các dự án, vì vậy có sự rõ ràng trong mục đích sử dụng vốn. Đối với các nhà đầu tư, họ thấy “tiền tươi thóc thật” nên mạnh dạn xuống tiền. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, những yếu tố đó mang tính “ảo” nhiều hơn vì những tài sản này phải có tính chất thế chấp và được thẩm định. Nhiều nhà đầu tư đã bỏ qua khâu kiểm tra xem những tài sản đó có được thẩm định hay không và thẩm định như thế nào. Bên cạnh đó, còn nhiều trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản nhưng lại là trái phiếu tín chấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng.

Thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư quá hồ hởi, đặt một sự tin tưởng rất lớn vào những công ty kinh doanh bất động sản và xuống tiền một cách rất mạnh mẽ, trong khi có nhiều trường hợp còn mang tính đầu cơ. Quan trọng hơn là thị trường bất động sản bắt đầu “tụt dốc” từ năm 2022 đến nay, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp phát hành sẽ mất đi hay suy giảm một cách mạnh mẽ.

“Có thể hiểu, do các nhà kinh doanh bất động sản cho các nhà đầu tư thấy họ có tài sản, họ đánh bóng tên tuổi của mình để tạo ra sự tin tưởng rất lớn cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, họ tăng lãi suất lên rất nhanh, rất mạnh để hấp dẫn các nhà đầu tư và đó chính là cái bẫy ẩn chứa rất nhiều rủi ro”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận. 

Dĩ nhiên, trái phiếu không thể chỉ dành cho ngân hàng và bất động sản. Đây là công cụ nợ mà tất cả các thành phần kinh tế khác đều có thể sử dụng được. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực sản suất kinh doanh, trong những doanh nghiệp lớn mạnh, có tài sản, có báo cáo tài chính tốt lại không có nhiều doanh nghiệp có thể làm thỏa mãn sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Tại Việt Nam, hiện nhà đầu tư chưa có thói quen đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất.

Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, về nguyên tắc, ngân hàng vẫn đem lại cho nhà đầu tư nhiều sự tin tưởng hơn các doanh nghiệp. Thực tế, tình trạng này không chỉ xuất hiện riêng đối với Việt Nam mà trên thế giới cũng như vậy. Bởi lãi suất từ nhóm bất động sản và ngân hàng có thể “nhìn thấy” theo dự án. Còn đối với các dự án công nghiệp chế biến chế tạo, khoa học công nghệ lại mang rủi ro cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không công bố đầy đủ các thông tin số liệu liên quan nên dẫn đến lượng người đầu tư vào các khu vực sản xuất trực tiếp ít hơn so với bất động sản và ngân hàng.

Lãi suất cao sẽ không còn là công cụ hấp dẫn nhà đầu tư trái phiếu trong năm 2024

Để tiếp thêm dư địa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng niềm tin cho khách hàng và đây cũng là "mắt xích" quan trọng để doanh nghiệp tái cơ cấu nợ. Thực tế thời gian qua, nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả, lành mạnh và minh bạch đã có những kết quả tích cực. Hoạt động huy động vốn qua trái phiếu đã và đang tiếp tục được cải thiện cả về chất và lượng.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS). 

"Đặc biệt, kể từ khi hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 19/7, niềm tin của nhà đầu tư về một thị trường minh bạch, hiệu quả hơn đã dần được khôi phục", ông Đính cho biết. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống thông tin rất lớn giữa thị trường và nhà đầu tư do Việt Nam mới có rất ít tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trong khi đó, không phải nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nào cũng có khả năng, thời gian để đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, đánh giá rủi ro trái phiếu khi quyết định đầu tư.

Vì vậy, để hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiếp thêm dư địa cho thị trường, lãnh đạo VARS cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách liên quan đến quy định xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành nhằm tạo ra các công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đề ra một cơ chế kiểm tra hiệu quả với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngay từ bước gửi hồ sơ, thay vì phát hiện sai phạm và hủy bỏ các thương vụ đã phát hành thành công, gây tâm lý xáo trộn không đáng có cho thị trường.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, điểm mấu chốt kìm hãm sự phát triển của thị trường trái phiếu là nhà đầu tư mất quá nhiều niềm tin. Do đó, để khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư, thứ nhất là cần tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý để phát hiện sớm những dấu hiệu thiếu minh bạch, thiếu thông tin, thậm chí lừa đảo từ các nhà phát hành. 

Thứ hai, kể từ năm 2024, cần quy định xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả những doanh nghiệp nhỏ. 

Thứ ba, các nhà phát hành cần rút kinh nghiệm và bài học từ vết xe đổ. Trước đây, các doanh nghiệp phát hành sử dụng lãi suất và hình ảnh hào nhoáng để hấp dẫn các nhà đầu tư. Hai công cụ này sẽ không còn hữu hiệu trong năm tới vì nhà đầu tư đang trở nên rất thận trọng. Do vậy, các nhà phát hành phải có thực lực, tức họ phải chứng minh được năng lực, khả năng trả nợ - vấn đề chính, vấn đề cột trụ trong thị trường trái phiếu. 

Thời gian tới, khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan chức năng song song với nhiệm vụ “vực dậy” thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Có thể thấy rằng, sau những bài học đắt giá xuất phát từ nội tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư đều cần rút kinh nghiệm để thị trường có những bước đi vững chắc trong tương lai. 

Hiện nay, trong các kênh huy động vốn, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, bảo đảm hài hòa, cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng… Chính vì vậy, trong thời gian tới, khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn được đánh giá là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan chức năng song song với nhiệm vụ “vực dậy” thị trường bất động sản./.

Xem thêm: lmth.81642000042210202-ueihp-iart-ut-uad-ahn-iov-iod-iom-tem-man-tom-3202/nv.semitaer

Comments:0 | Tags:No Tag

“Năm 2023 - Một năm mệt mỏi” đối với nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools