Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu trong phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế của Hội nghị Ngoại giao 32 diễn ra tại Hà Nội sáng 21-12.
Tham luận của ông Võ Văn Hoan tập trung vào việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam.
TP.HCM vẫn là trung tâm tài chính thứ cấp 3 năm qua
Vị thế của một trung tâm tài chính được đánh giá dựa trên 5 trụ cột: môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển ngành tài chính và danh tiếng thành phố.
Ông Võ Văn Hoan cho biết theo Báo cáo xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu, TP.HCM là địa phương duy nhất ở Việt Nam được ghi nhận như một trung tâm tài chính thứ cấp từ tháng 3-2020 cho đến nay.
Theo ông, sự phát triển của trung tâm tài chính thành phố "còn có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn lực tài chính từ bên ngoài, từ các khoản viện trợ, hợp tác, kiều hối, dự án đầu tư nước ngoài… thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế".
Trong năm 2023, thành phố đặc biệt đẩy mạnh ngoại giao kinh tế nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội và xây dựng hình ảnh của thành phố hậu COVID-19.
Lãnh đạo thành phố thường xuyên gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài để lắng nghe nguyện vọng và tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời chủ động đưa các nội dung kinh tế vào sự kiện đối ngoại thường niên.
"Tất cả các hoạt động đối ngoại ở nước ngoài của TP.HCM đều tập trung vào xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế và trọng tâm là thu hút đầu tư phát triển trung tâm tài chính quốc tế thành phố", ông Võ Văn Hoan cho biết.
Kết quả là năm qua, thành phố thu hút vốn FDI được khoảng 3,4 tỉ USD, trong khi kiều hối chuyển về đạt gần 9 tỉ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Các nguồn lực tài chính được thu hút thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế và những chính sách thu hút của TP cũng góp phần tạo nguồn lực, mở rộng và đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tài chính, giao dịch tài chính, từng bước hình thành diện mạo một trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố.
Sử dụng kiều hối, thực hiện 3 đột phá và 4 sẵn sàng để nâng cấp
Để phát triển từ một trung tâm tài chính thứ cấp thành trung tâm tài chính toàn cầu thực thụ, ông Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM vẫn còn nhiều việc phải cải thiện.
Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện 3 đột phá.
Đó là đột phá về xây dựng khung chính sách vượt trội so với các trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực ASEAN. Thứ hai là xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đảm bảo minh bạch, an toàn cho các nhà đầu tư tài chính. Thứ ba là ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế đến đầu tư tại trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Thành phố cũng sẽ nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy triển khai các cam kết, các dự án chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế một cách thực chất.
Bên cạnh đó TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu hút và phát huy nguồn lực tri thức, nguồn kiều hối phục vụ phát triển đất nước nói chung, thành phố nói riêng.
Thành phố cũng cam kết 4 sẵn sàng là "sẵn sàng quỹ đất, sẵn sàng quy hoạch, sẵn sàng hạ tầng và sẵn sàng nguồn nhân lực" để đáp ứng các nhà đầu tư.
Ông Võ Văn Hoan khẳng định nếu thực hiện được 3 đột phá và 4 sẵn sàng trên, thành phố sẽ kêu gọi được thêm nhiều nhà đầu tư đến trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do phó thủ tướng làm trưởng ban.
Theo ông Võ Văn Hoan, điều này không chỉ thể hiện khát vọng của thành phố, mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của trung ương, Quốc hội và Chính phủ nhằm nỗ lực thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về việc "thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế", góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các doanh nghiệp và quỹ đầu tư lớn tại UAE bày tỏ rất trông đợi CEPA để hợp tác, đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng, cảng biển, chuyển đổi số, năng lượng sạch, xây dựng trung tâm tài chính TP.HCM.