vĐồng tin tức tài chính 365

Thời gian di chuyển giữa TPHCM và Cần Thơ chỉ mất hơn 2 tiếng

2023-12-22 10:48

Thi công xuyên đêm

Những ngày qua, liên danh các nhà thầu đã tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện để gấp rút hoàn thành hạng mục cuối của dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Công tác thảm nhựa của 2 dự án này cũng đang được thi công ngày đêm. Khi 2 dự án hoàn thành, tuyến cao tốc từ TPHCM về Cần Thơ dài hơn 120km sẽ được kết nối thông suốt, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn hơn 2 giờ, thay vì khoảng 3,5 giờ như hiện nay.

Để đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công trình, hơn 100 công nhân, kỹ sư, với gần 50 thiết bị, phương tiện thi công nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2 đã và đang làm việc rất khẩn trương với sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn. Ông Nguyễn Văn Hùng - công nhân tại công trường - cho biết: hiện công nhân đang tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại như thi công hệ thống chiếu sáng, biển báo, vạch sơn, lan can phân cách, hệ thống phòng cháy chữa cháy… với quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ.

Những hạng mục cuối cùng của dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được gấp rút thi công - ẢNH: THANH LÂM
Những hạng mục cuối cùng của dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được gấp rút thi công - Ảnh: Thanh Lâm

Ông Hoàng Đăng Hậu - đại diện một bên liên danh thi công - chia sẻ: “Các nhà thầu đang dốc toàn bộ lực lượng và phương tiện để thảm bê tông nhựa đảm bảo kịp tiến độ. Nhiều ngày qua, chúng tôi thi công cả ngày lẫn đêm, tăng cường 2 giàn thiết bị làm việc liên tục. Các đơn vị tư vấn giám sát, chủ đầu tư… luôn bám sát công trường, theo dõi thi công để vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng”. Ông Nguyễn Văn Phúc - cán bộ phụ trách thi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 (Ban Quản lý dự án 7, thuộc Bộ Giao thông vận tải - GTVT), đại diện chủ đầu tư - cho hay: “Với sự tăng tốc thi công ngày đêm trong tuần cuối cùng này thì dự án cam kết về đích đúng hẹn theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Như vậy, công trình cầu Mỹ Thuận 2 sẽ đảm bảo kết nối đồng bộ với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ để phục vụ người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đi lại trong dịp tết Giáp Thìn 2024”.

Để dự án về đích đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, các đơn vị thi công đã vượt nhiều khó khăn về thời tiết và hết sức tập trung để đảm bảo an toàn lao động khi làm việc trên cao cũng như ở khu vực sông sâu, nước chảy xiết; nỗ lực làm xuyên đêm. Ông Trịnh Trường Hải - Giám đốc điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2 - thông tin, đến nay cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu đã đạt 99% tổng giá trị xây lắp. Trong 5 gói thầu của dự án thì 4 gói đã hoàn thành. Các hạng mục còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm hướng đến khánh thành, dự kiến vào ngày 24/12.

Với đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư 4.826 tỉ đồng, giai đoạn 1 có chiều dài gần 23km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ, hiện nhiều đoạn đã thảm nhựa xong, 15 cây cầu trên tuyến chính đã hoàn thành. Hiện các nhà thầu và đơn vị thi công đang tập trung lực lượng và thiết bị để thi công ngày đêm phần đường dẫn đấu nối vào đường dẫn của cầu Cần Thơ (phía Vĩnh Long), thảm nhựa các đoạn còn lại, lắp đặt lan can, thi công dải phân cách… Tất cả đều đang “chạy nước rút”.

Cao tốc sẽ chạy khắp đồng bằng sông Cửu Long 

Là tài xế xe tải chuyên vận chuyển hàng hóa giữa ĐBSCL và TPHCM, ông Nguyễn Văn Bình phấn khởi: “Tụi tui chờ thông xe cầu Mỹ Thuận 2 nhằm giảm kẹt xe vào giờ cao điểm. Tại cầu Mỹ Thuận hiện hữu, có lúc phía bờ Vĩnh Long bị kẹt mấy cây số, kẹt nhiều giờ liền, khiến cho mọi người đều vất vả, hàng hóa vận chuyển bị trễ giờ. Hy vọng, vài ngày nữa những ám ảnh đó sẽ không còn nữa”. 

Cầu Mỹ Thuận 2 song song với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, sắp được đưa vào khai thác - ẢNH: THANH LÂM
Cầu Mỹ Thuận 2 song song với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, sắp được đưa vào khai thác - ẢNH: THANH LÂM

Ông Huỳnh Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kiến Thành (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) - bộc bạch: “Năm nay chúng tôi rất vui bởi xuất khẩu gạo thắng lợi và càng vui hơn khi những ngày cuối năm đón nhận thông tin về 2 dự án quan trọng của vùng sắp hoàn thành. Hiện tại, phần nhiều hàng nông sản xuất khẩu của vùng được vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, 2 dự án trên sau khi đưa vào sử dụng, sẽ góp phần rất lớn vào việc giảm tải giao thông, không còn tình trạng kẹt xe ở cầu Mỹ Thuận, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam Bộ. Việc vận chuyển nhanh và tiện lợi còn giúp giảm nhiều chi phí khác”. 

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, bà Huỳnh Ngọc Mai (xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) nói: “Cả chục năm nay, gia đình tôi lên Bình Dương làm công nhân và thường ám ảnh chuyện kẹt xe mỗi khi về quê đón tết. Nhưng từ tết này sẽ bon bon về quê vui xuân rồi”. Ông Lê Văn Tươi (xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) bày tỏ: “Gia đình tôi sống nhờ vào nghề xe tải chở nông sản từ ĐBSCL lên TPHCM. Tết này cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe sẽ rút ngắn thời gian đi lại, vì vậy tôi chủ động tăng các chuyến đưa nông sản của đồng bằng lên cung ứng tết cho thị trường TPHCM”.

2 dự án quan trọng này đã góp phần trong việc tháo gỡ điểm nghẽn lớn về hạ tầng giao thông cho ĐBSCL, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Ngoài 2 dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sắp hoàn thành thì dự án cầu Đại Ngãi khởi công vào tháng 10/2023, phấn đấu hoàn thành năm 2025 cũng sẽ rút ngắn được 80km từ Cà Mau đi TPHCM theo Quốc lộ 60; các công trình khác như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng đã khởi công…

Ngày 9/12 vừa qua, tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ ngành chức năng, các địa phương… phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống sân bay Cà Mau sớm nhất có thể. Song song đó, cùng với việc đẩy nhanh thi công để sớm hoàn thành đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau, cần triển khai đường bộ cao tốc về tận mũi Cà Mau (thay vì chỉ tới TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay), dự kiến hơn 70km, là việc phải làm và làm sớm… 

Đến nay, ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km cao tốc, gồm đoạn Bến Lức - Trung Lương (40km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km), Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29km), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51km). Trong đó, đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ hiện đang là giao thông hỗn hợp, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa chờ lún. Các tuyến này đang tiếp tục đầu tư để khai thác theo quy mô cao tốc. 

Đến năm 2026, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 554km đường cao tốc

Bộ GTVT thông tin, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ĐBSCL sẽ có 6 tuyến cao tốc, với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô từ 4-6 làn xe. Trong đó, 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575km gồm: cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 245km, cao tốc Bắc - Nam phía tây dài 180km, cao tốc TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km. 3 tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591km gồm: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188km. 

Các dự án đang thi công và hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai đảm bảo hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác toàn bộ vào năm 2026 với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng. Các tuyến cao tốc còn lại sẽ đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

Thanh Lâm - Huỳnh Lợi

 

Xem thêm: lmth.6138051a-gneit-2-noh-tam-ihc-oht-nac-av-mchpt-auig-neyuhc-id-naig-ioht/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Thời gian di chuyển giữa TPHCM và Cần Thơ chỉ mất hơn 2 tiếng ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools