Thời kỳ hoàng kim
Ngày 20/12, Toshiba hủy niêm yết, khép lại 74 năm hoạt động trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Việc này được cho là sẽ chấm dứt chuỗi biến động kéo dài cả thập kỷ với một trong những thương hiệu lớn và lâu đời nhất Nhật Bản.
Đại gia điện tử Nhật Bản sẽ được kiểm soát bởi nhóm nhà đầu tư do Japan Industrial Partners (JIP) dẫn đầu. Tháng 9, Toshiba cho biết kế hoạch mua lại trị giá gần 14 tỷ USD của nhóm doanh nghiệp này đã thành công. Thương vụ với JIP sẽ đưa quyền kiểm soát Toshiba về tay nhà đầu tư trong nước, sau nhiều năm đấu tranh với các cổ đông nước ngoài.
Trong thông báo ngày 20/12, Toshiba cho biết họ sẽ bước một bước lớn hướng tới tương lai mới, với cổ đông mới. "Gã khổng lồ" điện tử Nhật Bản cũng đánh giá cao sự thấu hiểu và ủng hộ của các bên liên quan trong thời gian qua.
Cổ phiếu hãng này bắt đầu được giao dịch vào tháng 5/1949, khi Sở giao dịch chứng khoán Tokyo mở cửa trở lại sau Thế chiến II.
Tiền thân của Toshiba là công ty Shibaura Seisaku-sho được thành lập năm 1875 và công ty Tokyo Denki thành lập năm 1890.
Năm 1939, 2 công ty này hợp nhất và lấy tên là Tokyo Shibaura Electric K.K. Năm 1978, tập đoàn đổi tên thành Toshiba Corporation. Công ty hoạt động với các nhóm mặt hàng chính gồm sản phẩm số, thiết bị điện tử, đồ gia dụng và cơ sở hạ tầng.
Kinh tế Nhật Bản bùng nổ vào thập niên 50, giúp các ngành máy móc công nghiệp, điện tử và truyền thông phát triển. Doanh thu và lợi nhuận của Toshiba cũng tăng mạnh. Toshiba sau đó mở rộng việc sản xuất và chi nhánh bán hàng trên thế giới.
Trong suốt quá trình này, Toshiba đã chế tạo nhiều loại thiết bị đầu tiên của Nhật Bản. Hãng còn tiên phong trong các sản phẩm máy đọc mã vạch tự động hay điều hòa dùng trong gia đình.
Loạt bê bối liên tiếp
Tuy nhiên, những năm gần đây, Toshiba hoạt động không hiệu quả. Năm 2015, công ty thừa nhận đã gian lận kế toán. Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập khi đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ yên (khoảng 25.834 tỷ đồng) trong 6 năm.
Công ty cũng bị phát hiện quản trị kém và thường hạn chế nhân viên đặt câu hỏi với cấp trên. Ngay sau đó, hàng loạt lãnh đạo cao cấp của Toshiba, trong đó có giám đốc điều hành và phó chủ tịch, phải từ chức.
Tháng 6/2016, Midea Group (Trung Quốc) mua 80% cổ phần mảng sản xuất đồ điện tử gia dụng Toshiba Lifestyle Products & Services Corporation với giá 473 triệu USD. Midea được quyền sử dụng thương hiệu Toshiba cho các thiết bị này trên toàn cầu trong vòng 40 năm.
Năm 2017, Toshiba tiếp tục gặp khó khi báo lỗ 700 tỷ yên với kinh doanh điện hạt nhân ở nhà máy Westinghouse (Mỹ). Để tránh phá sản, công ty đã bán mảng kinh doanh chip nhớ vào năm 2018, vốn được coi là viên ngọc quý trong danh mục đầu tư của hãng này.
Kể từ đó, Toshiba liên tục nhận được các lời đề nghị mua lại, nhưng họ từ chối. Toshiba còn công bố kế hoạch chia công ty thành 3 doanh nghiệp riêng biệt. Tuy nhiên, các cổ đông đã không thông qua việc chia tách. Toshiba phải thành lập một ủy ban đặc biệt, nghiên cứu phương án rao bán.
Theo tư vấn của Ngân hàng Goldman Sachs, để tránh kịch bản phá sản, Toshiba đã phát hành một lượng lớn cổ phiếu mới trị giá 6 tỷ USD. Số cổ phiếu này chủ yếu được mua bởi các quỹ đầu cơ.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sau nhiều năm có phần lớn cổ đông nội địa lâu đời và dễ chịu, Toshiba phải đối mặt với lượng lớn các quỹ ngoại khó tính hơn. Các quỹ này yêu cầu tập đoàn phải hành động quyết liệt để cắt bỏ những phần yếu kém, đặc biệt là các mảng kinh doanh không phải là cốt lõi.
Năm 2020, hãng tiếp tục bị phát hiện sai sót kế toán trong một công ty con. Năm 2021, nhà đầu tư cũng thông qua đề xuất của Effissimo Capital Management, cổ đông lớn nhất của Toshiba, để điều tra tính công bằng về biểu quyết trong đại hội cổ đông năm trước đó. Cùng năm, quỹ đầu tư CVC Capital Partners (Anh) ra giá 2.300 tỷ yên để thâu tóm công ty.
Theo một nhóm các nhà quản lý quỹ nắm giữ cổ phiếu Toshiba, tập đoàn đã bộc lộ những yếu kém về quản trị, đồng thời không hành động dựa theo lợi ích của cổ đông.
Trong khi đó, giám đốc một quỹ đầu tư tư nhân lại cho rằng trường hợp của Toshia chính là một ví dụ điển hình mà bất kỳ nhà đầu tư nào muốn rót tiền vào thị trường Nhật Bản nên xem xét kỹ.
Theo ông, các định chế tài chính như các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu cơ hiện đang đánh giá thị trường Nhật Bản mang đến những cơ hội tuyệt vời. Chắc chắn điều đó sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, Toshiba cho thấy kỳ vọng của cổ đông và thực tế theo kỹ năng quản trị có thể khác xa nhau.
Chuyên gia cho rằng DNA của Toshiba đã được lập trình là luôn luôn mở rộng, vì thế bộ máy lãnh đạo coi việc lấn sân sang các mảng mới là câu chuyện tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, các cổ đông mới cho rằng đó là một vở kịch được dàn dựng để tăng giá trị vốn hóa theo cách không minh bạch. Câu chuyện này trở thành nguồn cơn gây xung đột và mất niềm tin giữa 2 bên.
Đoạn kết hay chương mới của Toshiba?
Tháng 6 năm ngoái, Toshiba nhận được 8 lời chào mua. Họ chọn ra 4 cái tên tiềm năng, trong đó có Bain Capital, CVC Capital Partners, Japan Industrial Partners (JIP) và Japan Investment Corp (JIC). Đến tháng 3 năm nay, hội đồng quản trị Toshiba chấp thuận đề nghị của JIP với giá 15,3 tỷ USD.
Nhiều khả năng Toshiba sẽ được chia tách thành một vài công ty. Kế hoạch này từng được các bên tư vấn đề xuất vào năm 2021 nhưng sau đó bị cổ đông bác bỏ.
Theo các chuyên gia, mô hình hoạt động và số lượng ngành hàng đa dạng đến mức thiếu kiểm soát là nguyên nhân chính khiến Toshiba rơi vào kết cục như hôm nay.
"Kết cục của Toshiba là hậu quả của việc quản trị doanh nghiệp không đầy đủ ở cấp cao nhất", Gerhard Fasol, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn kinh doanh Eurotechnology Japan, chia sẻ với BBC.
Bên cạnh đó, việc Toshiba được Chính phủ "ưu tiên" cũng khiến công ty đi xuống. "Toshiba, trong mắt nhiều người dân Nhật Bản và đặc biệt là Chính phủ, là báu vật quốc gia. Và điều này là một phần của vấn đề", Fasol nhận xét.
Một cựu thành viên trong hội đồng quản trị của Toshiba cho rằng ở cuối chặng đường, ông cảm thấy nhiều vấn đề quản trị của Toshiba không thể sửa chữa được. Toshiba giống như một doanh nghiệp quốc doanh, chưa bao giờ có tư duy dồn tất cả sự tập trung vào cổ đông.
Ông bổ sung thêm rằng hủy niêm yết và quay trở về công ty tư nhân có lẽ là sự lựa chọn duy nhất mà "gã khổng lồ điện tử" có thể nghiêm túc tái cấu trúc, bán bớt tài sản ngoài ngành và tìm ra cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn.
Toshiba cũng có thể là minh chứng cho quá trình tái cấu trúc và làn sóng đổi mới ở các doanh nghiệp lâu đời của Nhật Bản.
Mặc dù không rõ Toshiba cuối cùng sẽ ra sao dưới thời chủ sở hữu mới, Giám đốc điều hành Taro Shimada, người vẫn giữ nguyên vai trò sau thương vụ mua lại, dự kiến tập trung vào các dịch vụ kỹ thuật số có tỷ suất sinh lời cao.
Chính phủ Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ các động thái tiếp theo của Toshiba. 4 giám đốc điều hành của JIP sẽ tham gia Hội đồng quản trị. Công ty hiện có khoảng 106.000 nhân viên.
Nhiều lĩnh vực của công ty này vẫn được đánh giá là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Hiện, Toshiba đã bắt đầu hợp tác với công ty điện tử Rohm để đầu tư 2,7 tỷ USD vào cơ sở sản xuất chip điện.
Ulrike Schaede, Giáo sư tại Đại học California, cho rằng công ty này cần thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận thấp và phát triển các chiến lược kinh doanh tốt hơn.
Damian Thong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Nhật Bản tại công ty chứng khoán Macquarie Capital Securities, cho rằng những khó khăn của Toshiba cuối cùng là do sự kết hợp giữa những quyết định chiến lược tồi tệ và sự kém may mắn.
"Tôi hy vọng thông qua việc thoái vốn, tài sản và nhân tài của Toshiba có thể tìm được những ngôi nhà mới, nơi họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình", ông chia sẻ với Reuters.