Dự án được khởi công từ năm 2019 có điểm đầu giao ngã tư Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa và điểm cuối giao quốc lộ 1 tại phường 5, TP Tân An (tỉnh Long An).
Dự án xây mới 5 cầu, trong đó quy mô lớn nhất là cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Cầu dài 5km, rộng 18m với 4 làn xe, tổng kinh phí gần 600 tỉ đồng.
Các cây cầu còn lại gồm cầu Rạch Chanh; cầu Bảo Định; cầu vượt cao tốc số 7; cầu Máng đã giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Đặc biệt, tuyến đường vành đai TP Tân An đã "chia lửa" cho quốc lộ 62 vốn đang bị quá tải từ nhiều năm nay.
Tuyến đường còn kết nối giữa các huyện giáp biên giới Campuchia như Mộc Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng với các huyện phía Đông của tỉnh Long An như Châu Thành, Tân Trụ được thuận lợi hơn, không còn phải đi vào nội đô TP Tân An như trước.
Việc đầu tư xây dựng, hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các khu dân cư và thương mại, dịch vụ của TP Tân An nói riêng, tỉnh Long An nói chung, đồng thời góp phần mở rộng cửa ngõ các tỉnh Tây Nam Bộ với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Được - bí thư Tỉnh ủy Long An - nhắc lại quá khứ cách thời điểm thông xe khoảng 6 năm, khi dự án trong giai đoạn lập quy hoạch, lập dự án đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Đó là những khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19…
Tuy nhiên vượt lên trên tất cả những khó khăn đó, đồng thời được người dân trong vùng dự án đồng lòng, cùng nhau chung tay tháo gỡ để hôm nay có lễ thông xe tuyến đường vành đai TP Tân An", ông Được nói và đồng thời gửi lời cảm ơn đến gần 1.900 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã nhường đất cho công trình giao thông đầy ý nghĩa này.
Long An tổ chức lễ động thổ đường vành đai 3 TP.HCM qua tỉnh này, bắt đầu xây dựng với gần 97% mặt bằng đã được giải phóng.