Sáng 23-12, sau 5 ngày làm việc chính thức, Hội nghị Ngoại giao lần 32 với chủ đề "Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng" đã bế mạc.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự phiên khai mạc và có bài phát biểu chỉ đạo định hướng toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành ngoại giao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có những chỉ đạo quan trọng tại hội nghị và trong các buổi làm việc với các trưởng cơ quan đại diện.
Tại phiên công tác xây dựng Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đến dự và phát biểu chỉ đạo. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp về xây dựng và phát triển ngành ngoại giao.
Qua 23 phiên họp với hơn 300 lượt ý kiến phát biểu, hội nghị đã thống nhất đánh giá tổng thể về cục diện, tình hình, cơ hội, thách thức đặt ra trong môi trường đối ngoại; phương hướng, biện pháp triển khai công tác đối ngoại.
Hội nghị tiếp tục xác định nhiệm vụ bao trùm của ngành ngoại giao trong thời gian tới là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Hội nghị đã nêu trọng tâm, ưu tiên trong thời gian tới là đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ với các nước; tiếp tục mở rộng và nâng tầm mạng lưới quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống; tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Việt Nam trong các tổ chức khu vực, quốc tế.
Hội nghị xác định ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, phát huy tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cần không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại để phát huy mạnh mẽ sức mạnh mềm Việt Nam; thực hiện đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp dân tộc, quan tâm chăm lo người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ quyền, lợi ích của công dân; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các trụ cột, kênh và các cơ quan đối ngoại tạo sức mạnh tổng hợp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu và đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành.
Nhắc lại lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị toàn thể cán bộ ngành ngoại giao ở trong và ngoài nước không tự hài lòng với kết quả đạt được, mà cần luôn nỗ lực không ngừng để năm sau kết quả luôn cao hơn năm trước.
Cũng tại lễ bế mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã trao bằng khen của bộ trưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.
Ngày 21-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp ngoại giao kinh tế trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao thứ 32. Một số vấn đề, cách làm ngoại giao kinh tế đã được người đứng đầu Chính phủ mổ xẻ, phân tích và định hướng.