vĐồng tin tức tài chính 365

Nhân viên trường học mong được quan tâm hơn nữa

2023-12-24 07:19

Như Thanh Niên đã thông tin, về chính sách đối với nhân viên trường học (NVTH), Bộ GD-ĐT cho biết, toàn quốc có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học; trong đó có hơn 37.800 nhân viên (NV) kế toán, trên 32.100 NV y tế, trên 35.100 NV thư viện, gần 32.300 NV thiết bị thí nghiệm, hơn 13.600 NV công nghệ thông tin, văn thư, thủ quỹ, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật.

Nhân viên trường học mong được quan tâm hơn nữa- Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT đề nghị xem xét về thu nhập của nhân viên trường học khi thực hiện chính sách tiền lương mới

B.T

Bộ GD-ĐT nhận thấy NVTH gặp nhiều khó khăn. Hiện tổng thu nhập của NVTH (bao gồm cả các loại phí đóng bảo hiểm) có thời gian công tác dưới 15 năm dao động từ 3,6 triệu đồng đến dưới 7 triệu đồng/tháng; trong khi khối lượng công việc rất lớn, đồng thời phải kiêm nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Bộ GD-ĐT cũng nêu thực tế nhiều NV kế toán trong trường học phải bỏ nghề tìm việc khác. Năm học 2021 - 2022 có hơn 1.300 NV trong biên chế nghỉ việc. Đến năm học 2022 - 2023 có hơn 1.400 NV trong biên chế nghỉ việc.

Nhằm giúp đội ngũ NVTH tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét lương của NVTH khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT đề nghị NVTH được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Lý do, mức 25% là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng và đây cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức đang được hưởng.

Thứ hai, khi được tuyển dụng mới, sau khi hoàn thành tập sự, NVTH được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng.

Lý do Bộ GD-ĐT đưa ra đề xuất này là NVTH đang hưởng lương viên chức loại B và A0; ngoài ra, viên chức giáo vụ, thiết bị thí nghiệm không phân hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ hưởng lương ở bảng lương viên chức loại A0.

Lương thấp, kiêm nhiệm và bao nhiêu việc không tên

Nhiều người có lẽ chưa biết công việc cụ thể của một NVTH. Hãy xem chia sẻ của bạn đọc (BĐ) Võ Hồng Hạnh để hiểu hơn: "Mình là NV thiết bị, công tác 10 năm (lương 5,4 triệu đồng/tháng, chưa trừ bảo hiểm). Việc của mình là quản lý: 76 máy tính nhà trường (hư hỏng nhẹ, phần mềm là mình tự sửa + khâu vệ sinh), 1 phòng dùng chung (bản đồ + lặt vặt + vệ sinh), 8 trang web (của bộ, sở, địa phương, trường học, bao gồm nhập liệu số liệu học sinh, điểm số, nhân sự...), quản lý 12 camera (phần mềm + sửa chữa điện, đường dây). Ngoài ra còn kiêm nhiệm sửa chữa đèn, quạt, đường dây điện nhà trường nếu có hư hỏng, cộng thêm 22 cái ti vi thay dây HDMI + vệ sinh), và làm một số việc khác được phân công đột xuất".

Nói về công việc của NV kế toán trường học, BĐ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Công việc kế toán rất vất vả, làm ngày làm đêm, có thời gian làm việc thường xuyên và lâu dài tiếp xúc với máy tính, máy in độc hại, công việc áp lực, căng thẳng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về lâu dài. Vì vậy rất cần có phụ cấp ưu đãi nghề hoặc trách nhiệm theo nghề nữa, mới tương xứng với công việc của họ".

Còn NV y tế thì sao? BĐ Tiên nhận xét: "Y tế trường học, công việc làm không hết. Phụ cấp thì thấp so với làm ở các nơi khác".

Nhiều thiệt thòi

"Chưa thấy nói về NV bảo vệ. Họ cũng làm việc như những NV khác, cũng trực văn phòng, dọn dẹp, xây tường, sửa điện...; đôi khi còn phải hỗ trợ cả những NV khác, chỉ có không phải đứng lớp thôi. Trong khi có trường chỉ có 1 NV bảo vệ. Tài sản thì ngày càng nhiều, được đầu tư hiện đại, nào là phòng máy tính, phòng họp trực tuyến, ti vi, hồ sơ, giấy tờ... NV bảo vệ dường như phải trực 24/24, không có thời gian nghỉ như những NV khác. Kể cả ngày lễ tết, nếu xảy ra mất mát thì phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, NV bảo vệ trường THCS, THPT còn thường xuyên hỗ trợ can ngăn, giải quyết những hành vi vi phạm pháp luật cả từ bên trong lẫn bên ngoài trường học, khi xảy ra xô xát thì NV bảo vệ cũng phải đối diện với không ít nguy hiểm. Trong khi đó, họ không được trang bị và hỗ trợ gì… Chỉ mong được nhà nước và xã hội quan tâm hơn, giúp họ yên tâm công tác và cống hiến", BĐ QocJA kể.

BĐ Dân Dân thì bức xúc: "NVTH cũng là những người thiệt thòi nhất trong việc xét thi đua. Giáo viên có tỷ lệ học sinh lên lớp cao, tốt nghiệp cao, có học sinh đạt giải vòng này vòng nọ... thì có thể được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cơ sở (3 năm đạt danh hiệu CSTĐ cơ sở thì sẽ được xét CSTĐ cấp tỉnh, thành phố) vì có thành tích. Đạt danh hiệu CSTĐ thì được tiền thưởng nhiều hơn, có cơ hội được nâng lương sớm. Còn NVTH dù chăm chỉ, tận tụy với công việc thì cũng không được xét danh hiệu này vì không có thành tích gì cả. Cho nên khi đăng ký thi đua đầu năm, ít NVTH nào dám đăng ký danh hiệu CSTĐ".

Giáo viên cũng khó khăn nhưng còn được nhiều người quan tâm, còn NVTH thì ít ai để ý. Rất mong được quan tâm hơn, đánh giá đúng những việc mà họ đã làm. Cảm ơn Bộ GD-ĐT về những đề xuất trên, và mong được tiếp tục quan tâm.

Anh Kiet

Y tế học đường thì ngoài chuyên môn còn làm những việc khác như: thu tiền, văn thư...; còn "ôm" luôn những trang web của trường... Công việc xoay vòng, nhưng lương thấp so với đồng nghiệp.

Thao

Xem thêm: mth.345713232322132581-aun-noh-mat-nauq-coud-gnom-coh-gnourt-neiv-nahn/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhân viên trường học mong được quan tâm hơn nữa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools