Khoảng năm 2030 áp dụng là vừa
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng không nên đặt ra vấn đề có bất công hay bất bình đẳng giữa giờ làm việc của người lao động (NLĐ) ở khu vực công và khu vực sản xuất.
Nếu so về thu nhập, lao động ở khu vực công tính theo lương cơ bản nhân hệ số cũng không thể so sánh tương đương với lương tối thiểu vùng ở khu vực sản xuất. Trong khu vực công, gần như NLĐ không có thu nhập tăng thêm. Còn khu vực tư, lương thực tế phụ thuộc kinh doanh và thỏa thuận theo từng doanh nghiệp (DN). Thông thường lương ở các DN thường cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
"Trong khi VN đang là nước có thu nhập trung bình thấp, đáng lưu ý là năng suất lao động dù có tiến bộ so với trước đây, nhưng so với các nước trong khu vực thì chúng ta còn một khoảng cách. Trong vài năm gần đây, chỉ tiêu tăng năng suất lao động hằng năm của VN đều không đạt. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của DN. Nếu năng suất lao động kém mà tăng thêm các điều kiện cho NLĐ và giảm giờ làm thì đây là một thách thức đối với DN", ông Việt phân tích.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, thời điểm điều chỉnh giảm giờ làm việc hợp lý nhất là khi nền kinh tế tăng trưởng mức thang mới, khi VN là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, thì việc áp chung mức giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần là hợp lý.
"Vào khoảng năm 2030 áp dụng là vừa, khi đó mô hình sản xuất tăng trưởng của VN cũng thay đổi. Khi đạt được điều kiện trình độ nhất định thu nhập bình quân, năng suất lao động, NLĐ có thời gian vui chơi, hoạt động với gia đình, tái tạo sức lao động, phục hồi sức khỏe", ông Việt nói.
Khuyến khích giảm giờ làm ở một số lĩnh vực, ngành
Trong giai đoạn quá độ, theo TS Nguyễn Quốc Việt, giải pháp trước mắt là khuyến khích DN giảm giờ làm ở một số lĩnh vực, một số ngành. Tuy nhiên, khuyến khích ở đây phải có động thái hỗ trợ của nhà nước. Ví dụ, DN đăng ký có lộ trình giảm giờ làm trong 5 năm tới sẽ được miễn hoặc hoãn một số khoản thuế, phí để họ chuyển phí đấy vào nâng cao chất lượng sản phẩm, hoặc hỗ trợ đào tạo lại để nâng cao trình độ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động lao động, hoặc miễn, giảm thuế trong khoảng thời gian chuyển đổi sản xuất, công nghệ. Khi thấy lợi ích từ giảm giờ làm ở khối lượng sản xuất, các DN khác sẽ làm theo.
Có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực lao động, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết đề xuất này không phải là mới, trước đây nhiều bên đã đề xuất giảm giờ làm, tuy nhiên đến nay đều chưa được xem xét.
Theo ông Huân, giảm giờ làm là mục tiêu chung của lao động trên thế giới, nhất là công nhân, chứ không phải riêng VN. Song, từ đề xuất đi vào thực tế thì phải chuẩn bị dần các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động…
Mặt bằng tiền lương, tiền công được DN trả theo thời gian làm việc. Trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp, cần phải kéo dài thời giờ làm việc, nếu giảm giờ làm nữa thì thu nhập của NLĐ sẽ giảm theo. Chưa kể, DN vừa qua cũng đang chịu tác động của hậu đại dịch Covid-19, làn sóng cắt giảm đơn hàng cùng suy thoái kinh tế thế giới.
"Kinh tế ổn định thì sớm nhất sau năm 2030 mới có thể bàn tới chính sách này", ông Huân nêu quan điểm.
VN thuộc nhóm quốc gia có thời gian làm việc cao nhất thế giới
Theo số liệu khảo sát của ILO được Tổng LĐLĐ VN chia sẻ vào năm 2019, VN thuộc nhóm các nước có thời gian làm việc cao nhất thế giới và khu vực. Tổng thời gian làm việc trong năm ở VN (đã trừ thời gian nghỉ lễ) là 2.320 giờ, cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ, hơn Singapore 176 giờ...
Theo thống kê của ILO, chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 số nước áp dụng làm 48 giờ giống VN và khoảng 2/3 các nước có 48 giờ/tuần trở xuống.
VN cũng là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc cao nhất thế giới (từ 2.250 - 2.500 giờ/năm). Số liệu tổng hợp giờ làm việc thực tế của 63 quốc gia năm 2014 cho thấy VN xếp thứ 3 với số giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ, cao hơn 60 nước. Trong 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), VN là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất.
Về ngày nghỉ lễ, số ngày nghỉ lễ, tết của VN (theo quy định của bộ luật Lao động là 11 ngày) ở nhóm nước trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Campuchia là 28 ngày; Brunei15 ngày; Indonesia 16 ngày; Malaysia 13 ngày; Myanmar 14 ngày; Philippines 19 ngày; Thái Lan 16 ngày; Lào 12 ngày; Trung Quốc 21 ngày; Nhật Bản 16 ngày).
Còn theo báo cáo "Thời giờ làm việc tại VN" được Văn phòng ILO tại VN công bố tháng 9.2019, đa phần NLĐ làm việc 48 giờ/tuần, số giờ làm việc trung bình phân theo các loại hình kinh tế thì NLĐ trong các DN nhà nước có số giờ làm việc thấp nhất, khoảng 42 giờ/tuần. NLĐ trong khu vực FDI có số giờ làm việc cao nhất, ở mức 51 giờ/tuần (số giờ làm việc này có thể bao gồm cả thời gian làm thêm giờ).
Tính theo ngành nghề, lao động trong ngành thủy sản có số giờ làm việc cao nhất, lao động ngành nông nghiệp có số giờ làm việc thấp nhất.
Lao động trong các ngành như dệt may, sản xuất điện tử và nội thất có số giờ làm việc khá cao, trên 50 giờ mỗi tuần. Những ngành này cũng tập trung nhiều DN FDI. Ngoại trừ ngành nông nghiệp, tất cả các ngành nghề khác đều có giờ làm việc trung bình trên 44 giờ mỗi tuần.