vĐồng tin tức tài chính 365

Xét xử phúc thẩm 21 bị cáo trong đại án 'chuyến bay giải cứu'

2023-12-25 07:18

Đưa, nhận hối lộ giữa đại dịch

Năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước. Trong quá trình thực hiện, nhiều quan chức, cán bộ tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Y tế và một số địa phương đã nhận hối lộ để "ưu ái" cho doanh nghiệp (DN) thân quen khi xét duyệt cấp phép chuyến bay.

Xét xử phúc thẩm 21 bị cáo trong đại án 'chuyến bay giải cứu'- Ảnh 1.

Các bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu” tại tòa sơ thẩm hồi tháng 7.2023

Trần Phan

Ngược lại, để có thể thuận lợi tổ chức chuyến bay nhằm mang về lợi nhuận, các DN bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để hối lộ cho các quan chức. Thậm chí, một số bị cáo là đại diện các DN còn tố bị gợi ý, o ép, buộc phải chi tiền "bôi trơn" nếu muốn được cấp phép.

Cơ quan tố tụng xác định 25 bị cáo thuộc nhóm quan chức, cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng; 23 bị cáo là đại diện các DN đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng.

Hồi tháng 7.2023, TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên án đối với 54 bị cáo. Trong số này, 3 người bị tuyên chung thân về tội nhận hối lộ, gồm Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và Vũ Anh Tuấn (cựu Phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an).

Một số cựu quan chức cấp cao cùng lãnh án về tội danh trên, như: Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 16 năm tù; Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, 3 năm tù; Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, 6 năm tù; Nguyễn Quang Linh, cựu Thư ký Phó thủ tướng thường trực, 7 năm tù…

Bản án sơ thẩm nhận định vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình, tạo dư luận xấu trong nhân dân. Nhóm bị cáo nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho. Các bị cáo gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm để buộc DN phải chi tiền theo "luật bất thành văn".

Một số bị cáo còn thông đồng, chia nhau tiền nhận hối lộ. Trong quá trình xét xử, có bị cáo ngụy biện đây chỉ là tiền cảm ơn, nhưng HĐXX khẳng định số tiền đưa và nhận tương ứng với lợi nhuận của DN và số lượng hành khách, lên tới hàng tỉ đồng, vượt quá mức thu nhập bình quân của một cán bộ, công chức. Sau khi nhận tiền, các bị cáo không báo cáo cơ quan, tổ chức mà chiếm hưởng. Do đó, quan điểm này không được chấp nhận.

Cựu điều tra viên không còn kêu oan

Sau phiên sơ thẩm, 21 bị cáo có đơn kháng cáo. Điển hình trong nhóm cựu quan chức có các bị cáo Tô Anh Dũng, Trần Văn Tân, Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hương Lan… Các bị cáo này đều xin giảm nhẹ hình phạt.

Ở nhóm DN, một số bị cáo cũng kháng cáo xin giảm nhẹ, gồm: Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky), Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky), Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình), Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Master Life)… Trong số này, bị cáo Sơn và bị cáo Hằng bị cáo buộc đưa hối lộ nhiều nhất, lên tới hơn 100 tỉ đồng. Ngoài hối lộ để được cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước, 2 bị cáo Sơn và Hằng còn chi hơn 61 tỉ đồng để "chạy án", nhằm không bị xử lý hình sự, nhưng bất thành.

Đáng chú ý, nằm trong số 21 bị cáo có đơn kháng cáo, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng là nhân vật được dư luận quan tâm. Trong quá trình diễn ra phiên sơ thẩm, bị cáo Hưng đều kêu oan, khẳng định bản thân trong sạch. Tuy nhiên, trước khi phiên phúc thẩm được mở, luật sư của bị cáo này cho hay Hoàng Văn Hưng đã thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời tác động gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả.

Theo bản án, bị cáo Hưng chính là người nhận tiền của 2 bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng để "chạy án". Tuy nhiên, những thông tin mà bị cáo Hưng đưa ra để tạo lòng tin và nhận tiền từ đối phương đều được xác định là không đúng sự thật. Vì thế, cựu điều tra viên bị tuyên án chung thân, với cáo buộc chiếm đoạt 800.000 USD, tương đương 18,8 tỉ đồng. Số tiền "chạy án" còn lại, tòa buộc cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, phải chịu trách nhiệm về tội môi giới hối lộ.

4 cựu quân nhân hầu tòa vì liên quan kit test Việt Á

Theo dự kiến, ngày 27.12, Tòa án quân sự thủ đô Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và Học viện Quân y. Trong số này, 4 bị cáo là cựu quân nhân thuộc Học viện Quân y, gồm: Hồ Anh Sơn, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; Nguyễn Văn Hiệu, cựu Trưởng phòng Trang bị, vật tư; Ngô Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Tài chính; Lê Trường Minh, cựu Trưởng ban Hóa dược. Ba bị cáo còn lại gồm Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN; Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á.

Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y là một nhánh liên quan đến bê bối tiêu cực kit test Việt Á, được tách ra để xử lý do thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng Bộ Quốc phòng. Một vụ án khác về trách nhiệm của hàng loạt cựu quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số địa phương cũng sẽ đưa ra xét xử vào đầu tháng 1.2024 tới đây.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự T.Ư cho thấy tháng 1.2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và có nguy cơ lây lan vào VN, Học viện Quân y đề xuất với Bộ KH-CN về việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu một bộ kit chẩn đoán viêm phổi do vi rút Corona. Đề tài được Bộ KH-CN phê duyệt với kinh phí gần 19 tỉ đồng trích từ ngân sách, giao Học viện Quân y chủ trì, thượng tá Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm.

Quá trình phê duyệt, do động cơ vụ lợi và có quen biết với Phan Quốc Việt, bị cáo Trịnh Thanh Hùng đã yêu cầu bị cáo Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng tham gia đề tài. Đây cũng là bước đệm đầu tiên để Công ty Việt Á dần thâu tóm tài sản nhà nước.

Theo phân công, Học viện Quân y có nhiệm vụ xây dựng quy trình để Công ty Việt Á chế tạo thử nghiệm 20.000 bộ kit test. Tuy nhiên, thay vì sử dụng kết quả nghiên cứu từ đề tài, 3 bị cáo Hùng, Việt và Sơn lại thống nhất sử dụng bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp, để nghiệm thu giai đoạn 1.

Bằng sự gian dối trên, đề tài nghiên cứu được thông qua; Bộ Y tế lần lượt cấp phép tạm thời rồi cấp phép lưu hành cho bộ kit test. Tiếp đó, Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá rồi bán, tặng cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; qua đó thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng. Để cảm ơn, Phan Quốc Việt bồi dưỡng cho Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD, cho Hồ Anh Sơn gần 2,5 tỉ đồng.

Đối với đề tài nghiên cứu do Học viện Quân y chủ trì, việc nghiệm thu đã thực hiện không đúng bản chất, vì sản phẩm để chứng minh cho kết quả nghiên cứu là bộ kit của Công ty Việt Á cung cấp, không sản xuất theo quy trình nghiên cứu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều này đồng nghĩa quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm được thử nghiệm và đánh giá, không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu. Chuỗi hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại số tiền gần 18,5 tỉ đồng trong tổng số gần 19 tỉ đồng mà ngân sách đã giải ngân (gần 500 triệu đồng còn lại chưa thanh quyết toán).

Xem thêm: mth.487234122422132581-uuc-iaig-yab-neyuhc-na-iad-gnort-oac-ib-12-maht-cuhp-ux-tex/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xét xử phúc thẩm 21 bị cáo trong đại án 'chuyến bay giải cứu'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools