"Suốt ngày lải nhải để lùa mua bảo hiểm" - anh Tiến (TP.HCM) chia sẻ trong bức xúc khi vừa cắt đứt mối quan hệ với một người bạn. Cuộc khủng hoảng niềm tin lan rộng, nhiều khách hàng có góc nhìn tiêu cực với bảo hiểm. Số khác tự hỏi đóng tiếp phí thường niên hay hủy hợp đồng.
Bị ghét vì bán bảo hiểm
Báo Tuổi Trẻ vừa đăng tải loạt bài "Gian nan đòi tiền bảo hiểm", trong đó có bệnh nhân vừa bị ung thư nằm liệt giường hay đau ốm triền miên... vẫn phải khiếu nại đòi tiền bảo hiểm. Trước đó, phóng sự điều tra cũng lộ rõ nhiều người bị ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng, bị tư vấn mập mờ từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ.
Có gần chục năm gắn bó với nghề đại lý bảo hiểm nhân thọ của một công ty nằm trong top 5, nay chị Bích Thy (đề nghị đổi tên, TP.HCM) cảm thấy căng thẳng tột độ, khó chốt hợp đồng, thu nhập giảm sút. Trong khi công ty bảo hiểm nhân thọ không trả lương cứng cho những người như chị.
Dù khẳng định không mập mờ, luôn nỗ lực để công ty giải quyết quyền lợi khi khách hàng gặp rủi ro nhưng những ngày qua chị Bích Thy vẫn "cảm thấy xấu hổ, chán nản. Tôi bức xúc vì có người bán bảo hiểm một cách biến tướng song được tung hô như ngôi sao vì có doanh số cao.
Tôi còn buồn hơn khi thấy những khách hàng bị từ chối chi trả quyền lợi chỉ vì công ty thiếu thiện chí hoặc do đại lý thiếu năng lực hỗ trợ".
Chị N. (đại lý của một doanh nghiệp tốp đầu) cũng cảm nhận có công ty bảo hiểm tăng tốc tuyển dụng, kích thích bán hàng, không quan tâm mấy việc người bán có đủ kiến thức để tư vấn và hỗ trợ khách hay không, chỉ cần bào mòn hết mối quan hệ của họ để ra doanh số. Đến khi không còn giá trị lợi dụng, họ bị ruồng bỏ để tự động rời đi. Sau tất cả, điều nhận về là sự tức giận, chán ghét của người mua - vốn là bạn bè, người nhà thân thiết.
Bên cạnh những đại lý bảo hiểm làm sai, cũng có những người xem bảo hiểm nhân thọ là sự nghiệp tử tế. Thay vì lên mạng chia sẻ những câu chuyện sáo rỗng, đánh vào nỗi sợ của khách hàng để bán bảo hiểm, có đại lý đứng về phía khách hàng và thể hiện tiếng nói khách quan, bàn luận về những tiêu cực trong ngành, tuy nhiên sau đó bị "bịt miệng" khiến họ thêm chán chường.
Phải bảo vệ khách hàng, cách làm chân chính
Cần nhấn mạnh rằng bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi gặp rủi ro. Khách hàng ghét người bán gian dối, ghét doanh nghiệp thiếu thiện chí giải quyết khiếu nại. Nhưng họ cần bảo hiểm, cần được mua một cách tự nguyện chứ không phải lọc lừa, cần được bảo vệ quyền lợi chính đáng khi đã xuống tiền và đặt cọc niềm tin.
Tuy nhiên, qua loạt bài của báo Tuổi Trẻ có thể thấy nhiều khách hàng vẫn bị nằm "chiếu dưới", yếu thế. Nhiều người bị từ chối trả quyền lợi ngay, chỉ khi họ kiên trì khiếu nại mới được trả.
Có người nói đã phản ánh đến Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhưng sau đó họ cho rằng đã đặt niềm tin nhầm chỗ vì đây là "ngôi nhà" của các doanh nghiệp bảo hiểm? Phải chăng cần có nơi bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người mua bảo hiểm, nhất là giải quyết tiêu cực và khiếu nại tốt hơn.
Trong cuộc trò chuyện gần đây, tổng giám đốc của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thẳng thắn: muốn thành công phải mang đến tính nhân văn, thiết thực cho những người xung quanh, khách hàng.
Có thể thấy không chỉ khách hàng mà nhiều người làm bảo hiểm chân chính cũng đang trông cậy rất nhiều vào sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, bao gồm cả việc xử phạt đủ tính răn đe để từ đó bán bảo hiểm không còn bị ghét. Người dân được bảo vệ kịp thời, ngành sẽ phát triển.
Mới đây, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã phản ánh trăn trở của người dân đến lãnh đạo Cục Quản lý - giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) kèm những câu hỏi về giải pháp. Chúng tôi vẫn đang chờ câu trả lời.
Doanh thu đi lùi
Theo dữ liệu được Cục Quản lý - giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố vào năm 2023, trong vòng một thập niên qua thị trường bảo hiểm đã giải quyết việc làm cho số lượng lớn người lao động. Chỉ riêng giai đoạn đỉnh cao năm 2021 có tới 1,16 triệu lao động.
Năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên trong 20 năm lịch sử phát triển thị trường bảo hiểm ghi nhận doanh thu phí đi lùi. "Buồn" là từ được dùng để tổng kết năm của ngành này, đặc biệt hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Thị trường bảo hiểm đang bị bủa vây bởi hàng loạt khó khăn, khi niềm tin của người tiêu dùng bị khủng hoảng.