Hôm qua (24-12), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Phan Văn Khải - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TP.HCM". Hội thảo tổ chức nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phan Văn Khải (25-12-1933 - 25-12-2023).
Không chao đảo, không có suy nghĩ thoái lui
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi - phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - khẳng định cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã thể hiện một tư duy đột phá, năng động, không ngừng tổng kết, đúc rút từ thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân. Cách làm năng động, sáng tạo của TP.HCM đã gợi mở cho trung ương những quyết sách đúng đắn, phù hợp để đổi mới và phát triển toàn diện đất nước.
Cũng theo GS Lợi, là người cán bộ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, quan tâm, sâu sát với đời sống nhân dân, từ đó có những quyết sách vì hạnh phúc của nhân dân...
Nêu tham luận tại đây, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải nhắc lại là người con của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, mang trong mình truyền thống cách mạng và dòng máu hào sảng của Nam Bộ, Củ Chi "đất thép thành đồng", cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những dấu ấn sâu sắc không thể phai mờ. Cố Thủ tướng là một tấm gương sáng ngời cho Đảng bộ, nhân dân TP.HCM học tập, noi theo.
Ông Hải cũng điểm lại hàng loạt cống hiến của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong quá trình chiến đấu, đảm nhiệm các trọng trách ở TP.HCM, sau đó là trung ương. "Hình ảnh ông Phan Văn Khải - ông Sáu Khải - một chủ tịch UBND TP lo toan, trăn trở, tận tâm, nghiêm nghị nhưng đôn hậu, gần gũi, thân mật còn in đậm mãi trong ký ức của Đảng bộ, nhân dân TP.
Chúng ta học tập ông ở tấm lòng tận tụy với công việc, với nhân dân. Ở cách suy nghĩ, cách xử lý từ những điều đơn giản đến những vấn đề phức tạp trong cuộc sống, công việc. Và quan trọng nhất là khi đứng trước những gian lao, thử thách "không có lúc nào chao đảo, không có suy nghĩ thoái lui"", ông Hải khẳng định.
Ông Hải chỉ rõ cần học tập ở cố Thủ tướng Phan Văn Khải về tấm gương tận hiếu với dân, suốt đời vì nhân dân. Đó là tấm lòng và hành động vì dân, dựa vào dân, học tập nhân dân, học tập từ thực tiễn cuộc sống...
Ông cho biết khi đảm nhiệm những trọng trách ở TP.HCM và ở trung ương, nỗi niềm đau đáu của cố Thủ tướng là làm sao xóa được đói, giảm được nghèo cho cuộc sống người dân. Chính vì vậy, khi còn công tác ở TP.HCM, ông đã hết lòng cùng các cán bộ trong Thành ủy, UBND TP lo việc cứu đói, lo giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, lo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, gỡ khó cho doanh nhân doanh nghiệp.
Vị lãnh đạo bản lĩnh, dám nhìn thẳng vào sự thật
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh trên cương vị là Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã có nhiều đóng góp lớn cho đất nước. Trong đó, ông đã luôn bám sát vào đường lối của Đảng về phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa để xây dựng tư duy chiến lược, giải quyết các vấn đề về thể chế, doanh nghiệp, đối ngoại...
Bên cạnh đó, một đóng góp cực kỳ quan trọng của cố Thủ tướng chính là quan tâm đến xây dựng, phát triển nguồn lực con người, trọng dụng trí thức, trọng dụng nhân tài. "Theo chính cố Thủ tướng từng nói thì con người là nguồn lực không bao giờ ngơi cạn trong quá trình phát triển của đất nước. Do đó, ông luôn quan tâm phát huy nhân tố con người và coi đó là thế mạnh của chúng ta", PGS Phong nêu.
Cũng theo PGS Phong, ở ông Phan Văn Khải có cơ sở, lợi thế chính là người con, mang trong mình truyền thống cách mạng và dòng máu hào sảng của Nam Bộ, Củ Chi "đất thép thành đồng", đồng thời cũng là mảnh đất tiên phong của đổi mới. Bên cạnh đó, ông cũng tiếp xúc sớm với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều là những con người có đầu óc đổi mới sớm.
Từ những tiếp cận này, giúp ông Phan Văn Khải đã luôn mang trong mình tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo khi làm lãnh đạo tại TP.HCM, đóng góp cho Trung ương. "Điều quan trọng nhất là ông muốn xóa bỏ những nếp cũ, suy nghĩ cũ, cách làm ăn cũ để đưa những cái mới vào, tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Đó là những đóng góp lớn của ông khi còn công tác tại TP.HCM", ông Phong nói thêm.
Ông Phong cũng nhấn mạnh tư duy chiến lược ở cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn thể hiện ở việc nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật và đây là tư duy đột phá mở đường cho phát triển. Một tư duy chiến lược hiếm thấy và không phải ai cũng có được ở cố Thủ tướng, theo PGS Phong, chính là trong lời phát biểu từ nhiệm.
Cụ thể, cố Thủ tướng đã nhận lỗi trước nhân dân, trước Đảng, Quốc hội về những khuyết điểm, tồn tại trên cương vị của mình chưa giải quyết được. Ông mong các cán bộ kế nhiệm sẽ rút ra được các điều bổ ích, không chỉ qua những bài học thành công mà cả những mặt yếu kém, những thiếu sót của cá nhân ông, bộ máy Chính phủ trong thời gian qua.
"Cố Thủ tướng chính là người dám nhìn thẳng vào sự thật, phân tích rõ hạn chế, khuyết điểm. Ông là người không chỉ có trí tuệ mà còn rất bản lĩnh khi nhận những khuyết điểm trên cương vị là Thủ tướng và đưa ra kế sách khắc phục hạn chế. Ông cũng kỳ vọng, gửi lại cho người kế nhiệm không chỉ phát huy ưu điểm mà cần thấy khuyết điểm để khắc phục.
Đây là bài học rất lớn để từ cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, đứng đầu phải có thái độ nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ mình có ưu, khuyết gì để khắc phục", PGS Long nói.
Còn Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Mai Ngọc Bích nhận định cố Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo tài năng trong quá trình đổi mới của đất nước. Cố Thủ tướng cũng được đánh giá là một trong những người đi tiên phong "cởi trói" cho kinh tế tư nhân phát triển.
Trong đó, ông đã chỉ đạo thành lập Hội Doanh nhân trẻ, chỉ đạo khẩn trương soạn thảo Luật Doanh nghiệp để trình Quốc hội cho ý kiến thông qua vào năm 1999 và sửa đổi năm 2005. Cùng với việc hình thành thị trường chứng khoán năm 2000 đã đáp ứng nhu cầu khách quan của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Cùng với chú trọng, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp, cố Thủ tướng cũng là người có những đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2002, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
Người con ưu tú của TP.HCM
Phát biểu tại đây, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nêu rõ trên các cương vị công tác ở TP.HCM, rồi ra trung ương làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó thủ tướng và Thủ tướng, dù ở cương vị nào ông Phan Văn Khải cũng đều có những đóng góp to lớn, thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo tài ba, năng động, sáng tạo.
Đặc biệt, ở cương vị Thủ tướng, ông đã chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách của tình hình quốc tế phức tạp, đạt nhiều thành tựu to lớn.
Cũng theo ông Hải, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng TP.HCM chính là nơi ươm mầm, phát triển hạt giống cách mạng và hình thành nên nhân cách cao đẹp của cố Thủ tướng.
"Đảng bộ, nhân dân TP.HCM vinh dự, tự hào có người con ưu tú Phan Văn Khải. Học tập và làm theo tấm gương của cố Thủ tướng, Đảng bộ, nhân dân TP.HCM đang nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng XIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp", ông Hải nhấn mạnh.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh cố Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo tài năng, xuất sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân.