Ngay trước khi người Mỹ bước vào tuần nghỉ lễ đón Giáng sinh và năm mới 2024, Bộ Thương mại nước này đã công bố những chỉ số lạc quan cho cuộc chiến chống lạm phát.
Giá cả hàng hóa trong tháng 11 đã giảm lần đầu tiên trong hơn ba năm rưỡi qua và đẩy tỉ lệ lạm phát hằng năm xuống dưới 3%. Việc này về lý thuyết giúp các hộ gia đình tăng thu nhập, củng cố chi tiêu tiêu dùng và tổng thể nền kinh tế.
Tin lạc quan
Theo báo cáo công bố hôm 24-12, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã giảm 0,1% trong tháng 11 qua. Là chỉ số ưa thích của Fed khi đo tỉ lệ lạm phát, việc PCE giảm lần đầu tiên kể từ tháng 4-2020 được cho là tín hiệu diễn tả thành công trong nỗ lực kiểm soát giá cả ở Mỹ.
Mặc dù thị trường lao động vẫn ít tăng trưởng, tiền lương đã tăng 0,6% trong tháng 11. Việc này giúp bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập cá nhân do chính phủ giảm viện trợ. Nhìn chung, sau khi đã tính tới lạm phát và thuế, thu nhập cá nhân của các hộ gia đình tăng 0,4%.
Hãng tin Reuters cho rằng việc này cho phép người Mỹ thoải mái hơn trong chi tiêu mùa lễ hội năm nay. Chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn 2/3 các hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,2% tháng trước sau khi đã tăng 0,1% hồi tháng 10.
Việc lạm phát ở Mỹ giảm đang mang tới tâm lý lạc quan cho nhiều người Mỹ. Một báo cáo của ĐH Michigan hôm 22-12 cho thấy tâm lý người tiêu dùng đã khởi sắc trong tháng 12, khác hẳn với sự bi quan của bốn tháng trước đó.
Tuần trước, Fed đã giữ lãi suất ổn định giữa lúc chịu nhiều áp lực từ việc cố gắng thắt chặt chính sách tiền tệ trong hai năm qua. Từ tháng 3-2022, họ đã tăng lãi suất và đang giữ nó ở mức từ 5,25% tới 5,50%.
Mặc dù lạm phát vẫn còn nhanh hơn so với mục tiêu của Fed, song báo cáo bên trên cho thấy giá cả đã tăng ở tốc độ chậm hơn dự báo của Fed. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc Fed kết thúc việc tăng lãi suất và thậm chí có khả năng sẽ tiến hành ba đợt giảm lãi suất trong năm 2024 tới đây, theo New York Times.
Tranh cãi về Fed
Thực tế trong thời gian gần đây, các nhà làm chính sách đã đưa ra những dự báo kinh tế mới cho rằng đợt thắt chặt chính sách tiền tệ lịch sử trong hai năm qua đang sắp hoàn tất và Fed sẽ hạ chi phí vay, chuẩn bị cho một đợt "hạ cánh kinh tế nhẹ nhàng" - tức đưa lạm phát quay lại mức bình thường mà không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế đau đớn.
"Lạm phát đang chậm lại với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự báo của Fed. Điều này có thể cho phép họ cắt giảm lãi suất sớm và mạnh mẽ hơn. Họ đang cố gắng hết mức để mang tới một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng" - New York Times dẫn lời ông Gennadiy Goldberg, người phụ trách chiến lược lãi suất tại Ngân hàng đầu tư TD Securities (New York, Mỹ).
Mục tiêu đưa lạm phát về 2% của Fed rất khó khăn và gặp không ít tranh cãi. Lạm phát tăng khiến chi phí sinh hoạt tăng nhưng cũng là chỉ dấu cho sự phát triển của nền kinh tế.
Việc Fed tăng lãi suất vay là hành động không khuyến khích vay vốn đầu tư, mở rộng kinh doanh, vì vậy kiềm chế lạm phát bằng lãi suất cũng đồng nghĩa nguy cơ đánh đổi tỉ lệ thất nghiệp cao.
Trong tuyên bố mới đây, chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thể hiện sự lạc quan về khả năng "hạ cánh kinh tế nhẹ nhàng" này. Ông nói: "Lạm phát đã giảm từ mức cao trước đây và việc này diễn ra mà không kéo theo sự gia tăng đáng kể tỉ lệ thất nghiệp. Đó là tin rất tốt".
Trên thực tế, như chính thừa nhận của ông Powell, Fed vẫn cẩn trọng trước nhiều bất định phía trước và phải theo dõi sát sao các dấu hiệu kinh tế để tính toán thời điểm giảm lãi suất. Truyền thông Mỹ trong khi đó có xu hướng khuyến khích Fed hành động nhanh hơn.
Trong một bài viết gần đây, Time đưa ra lập luận đáng chú ý khi cho rằng Fed quá cứng nhắc với mục tiêu 2%. Tờ báo Mỹ đặt dấu hỏi rằng khi khăng khăng với con số ấy, Fed có đang hy sinh một nền kinh tế ổn định bằng việc tôn thờ lý thuyết trừu tượng hay không.
Mục tiêu 2% này được Fed đặt ra dựa trên giả định rằng kỳ vọng lạm phát của người dân là yếu tố chính ảnh hưởng tới lạm phát. Tức là nếu một người nghĩ rằng mặt hàng nào đó sẽ cao giá hơn vào ngày mai, họ sẽ mong lương mình cao hơn hoặc phải mua ngay món hàng đó. Điều này mặc nhiên đẩy giá cả lên cao vì nhu cầu tăng cao theo tâm lý ấy. Các công ty khi đó cũng cố gắng tăng giá vì họ dự đoán chi phí sau này sẽ tăng lên.
Chỉ có điều, ngay cả một số người trong chính Fed cũng hoài nghi về việc liệu có bằng chứng thực nghiệm nào chứng minh được giả định về mối liên quan giữa tỉ lệ lạm phát và niềm tin lạm phát hay không, Time viết. Nói cách khác, Time cho rằng thay vì cứng nhắc và giáo điều, Fed có thể linh hoạt hơn bằng cách suy nghĩ về chuyện bắt đầu giảm lãi suất chứ không cần phải đợi tới khi đạt mục tiêu 2%.
Tin vui cho ông Biden
Việc lạm phát hạ nhiệt cũng là tín hiệu tích cực cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đã luôn chịu áp lực lớn từ cử tri vốn thể hiện sự không hài lòng vì vật giá leo thang.
Trong một tuyên bố về báo cáo tình hình kinh tế nêu trên, ông Biden nói: "Điều này phản ánh nỗ lực mà chúng ta đã cùng nhau thực hiện nhằm khắc phục chuỗi cung ứng và tăng số người Mỹ tham gia lực lượng lao động. Đó là một tiến triển rất đáng chú ý".
Lãnh đạo Hamas bác mọi thỏa thuận cho Gaza mà không có sự hiện diện của họ; Israel muốn Hezbollah rời khỏi biên giới; NATO tăng ngân sách quân sự thêm 12%... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 14-12.