New York Times mô tả chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang âm thầm phát tín hiệu sẽ "tịch thu" hơn 300 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga được gửi ở các quốc gia phương Tây.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng đồng thời thảo luận khẩn cấp với các đồng minh về việc sử dụng số tiền này để hỗ trợ Ukraine vào thời điểm nguồn tài trợ cho Kiev đang suy yếu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận nếu không có sự chấp thuận của quốc hội Mỹ thì việc tịch thu số tiền hơn 300 tỉ USD của Nga là "trái luật pháp Mỹ".
Một số quan chức hàng đầu của Mỹ cũng lo ngại nếu tịch thu số tiền gửi của Nga sẽ khiến các quốc gia khác trên thế giới "ngần ngại gửi tiền của họ tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hoặc bằng đồng USD".
"Dù đã cân nhắc thiệt hơn nhưng chính quyền Mỹ cùng Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang tích cực bàn bạc và cân nhắc xem họ có thể sử dụng các chính sách hiện có của mình hay không. Hoặc liệu có nên ban hành những chính sách mới để hợp thức hóa việc tịch thu tài sản của Nga hay không" – New York Times dẫn nguồn thạo tin.
Các quan chức Mỹ cho biết các cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng tài chính, ngân hàng trung ương, nhà ngoại giao và luật sư đã liên tục diễn ra những tuần gần đây. Chính quyền Tổng thống Biden thúc giục Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản đưa ra chiến lược trước ngày 24-2-2024, tức đánh dấu tròn 2 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Financial Times cho biết hiện có khoảng 210 tỉ euro (230 tỉ USD) dự trữ ngoại hối của Nga bị giữ ở EU, bao gồm 191 tỉ euro ở Bỉ và 19 tỉ euro ở Pháp. Thụy Sĩ nắm giữ khoảng 7,8 tỉ euro, tiếp theo là Mỹ với khoảng 5 tỉ USD.
Hơn 300 tỉ USD dự trữ ngoại hối đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Moscow trong hơn một năm sau khi Mỹ cùng với châu Âu và Nhật Bản đã sử dụng các biện pháp trừng phạt để đóng băng khối tài sản này.
Tổng thống Biden vẫn chưa phê duyệt chính sách tịch thu tài sản và nhiều chi tiết vẫn đang được thảo luận sôi nổi. Các nhà hoạch định chính sách phải xác định xem số tiền này sẽ được chuyển trực tiếp đến Ukraine hay được sử dụng cho lợi ích của nước này theo những cách khác; ngoài ra còn có vấn đề số tiền này chỉ được sử dụng cho mục đích tái thiết và hỗ trợ nền kinh tế Ukraine hay cho cả viện trợ quân sự...
"Các cuộc thảo luận càng cấp bách hơn sau khi yêu cầu của chính quyền Tổng thống Biden về khoản hỗ trợ hàng chục tỉ USD cho Ukraine bị Đảng Cộng hòa chặn lại" – nguồn tin nói với Reuters.
Một số phương án được đưa ra như tịch thu tài sản trực tiếp và chuyển sang Ukraine; sử dụng tiền lãi kiếm được và các lợi nhuận khác từ tài sản Nga được nắm giữ tại các tổ chức tài chính châu Âu để mang lại lợi ích cho Ukraine. Có phương án đề xuất sử dụng số tiền đóng băng đó của Nga làm tài sản thế chấp cho các khoản vay cho Ukraine.
Các nhà kinh tế nhận định việc thu giữ một số tiền lớn như vậy từ một quốc gia có chủ quyền là điều chưa từng có tiền lệ. Hành động này có thể gây ra những hậu quả kinh tế và pháp lý khó lường và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến các vụ kiện và trả đũa từ Nga.
Chính quyền Đức mới đây đã quyết định thu giữ khoảng 790 triệu USD từ tài khoản ngân hàng Frankfurt của Nga vốn đang chịu lệnh trừng phạt của EU.
Động thái trên lập tức vấp phải cảnh báo cứng rắn "đáp trả cân xứng" từ Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ông Siluanov tuyên bố có nhiều tài sản bị phong tỏa trong các tài khoản loại C ở Nga.
Tài khoản loại C là nơi lưu giữ tài sản phong tỏa của người nước ngoài ở Nga và Moscow đang giữ hơn 280 tỉ rúp (hơn 3 tỷ USD).
Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phương Tây đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương và công dân nước này là bất hợp pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng ký sắc lệnh cho phép công dân Nga đổi tài sản đang bị đóng băng ở nước ngoài để lấy tài sản nước ngoài đang bị đóng băng tại Nga.
Xem thêm: nhc.372135460522132881-agn-auc-dsu-it-003-nas-iat-iohk-hnit-nab-ue-av-ym/nv.fefac