1. Cô hiệu trưởng đến từng bàn học sinh để hỏi han, chúc trò ngon miệng. Đó là hình ảnh thân quen mà tôi nhiều lần chứng kiến tại một trường tư thục tôi đã từng gắn bó nhiều năm. Cứ đến mỗi bữa ăn, cô hiệu trưởng lại xuống nhà ăn để hỏi han, động viên và lắng nghe học sinh chia sẻ cảm nhận của các em về bữa ăn. Cô hay hỏi học sinh về chất lượng bữa ăn, món ăn các em yêu thích để thay đổi, làm mới cho phù hợp.
Những câu hỏi đại loại là: các con ăn có ngon miệng không, có hợp khẩu vị không, cần thay đổi những món ăn thế nào, ăn nhiều để đảm bảo sức khỏe nha... Kể ra thì nhiều lắm, nhưng gói gọn bằng một câu rằng: "Cô xem bữa ăn của học sinh cũng như bữa ăn của con mình".
2. Báo tin cho phụ huynh về việc ăn uống của con. Năm con lớn nhà tôi học lớp 7 của một trường công liên cấp, trường có ba căng tin để phụ huynh và học sinh lựa chọn. Thức ăn khá phong phú, học sinh có thể ăn theo phiếu đăng ký hoặc ăn bữa nào trả bữa ấy. Học sinh chủ động ăn và nghỉ trưa theo giờ giấc nhà trường quy định.
Thỉnh thoảng cô giáo chủ nhiệm ghé căng tin, thấy một số học sinh ăn bữa trưa thiếu chất (các em ăn các món "nhẹ" như thức ăn vặt, mì gói...), cô thường xuyên khuyên học sinh cần ăn đủ lượng và chất. Cô còn báo cho phụ huynh biết để cùng phối hợp định hướng, nói chuyện, giải thích cho các con về tầm quan trọng của bữa ăn đối với sự phát triển của con.
3. Mỗi thầy cô đều có thể là người "giám sát" bữa ăn. Với các trường tư thục, bữa ăn của học sinh được giáo viên quản nhiệm "sát cánh". Khi nghe chuông, trống báo hiệu bữa ăn, giáo viên quản nhiệm luôn bám sát học sinh lớp mình.
Bữa trưa ở trường tôi đang công tác, thấy một số học sinh bán trú bỏ bữa (vì nhiều lý do: giảm cân, ăn sáng lúc ra chơi nên còn no...), tôi thường xuyên động viên các em ăn đủ đầy chất và lượng. Tôi cũng phân tích cho học sinh hiểu tác hại của bỏ bữa. Có em còn bị tôi dọa rằng: "Nếu thầy thấy con bỏ một bữa nữa, thầy sẽ báo với ba mẹ, mời ba mẹ đến trường làm thủ tục chuyển con ra ngoại trú". Lời "hù" ấy đã phát huy hiệu quả!
Giám sát bữa ăn học đường là chuyện không của riêng ai. Ngoài vai trò của những giáo viên, nhân viên trực tiếp thì người lớn chúng ta cũng cần có trách nhiệm, cần quan tâm hơn tới bữa ăn của các em. Đặc biệt, cần coi bữa ăn của học sinh như bữa ăn của con mình để cùng hướng tới mục tiêu bữa ăn học đường an toàn, chất lượng.
Các quốc gia phát triển đều xem bữa ăn học đường là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc nuôi dưỡng sức khỏe thể chất của học sinh.