Cụ thể đối với việc mua bán điện tại Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam (chủ đầu tư dự án) đã ký kết hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013 áp dụng đối với các nhà máy thủy điện (983 đồng/kWh).
Dù sau đó EVN đã đề xuất tạm thanh toán theo mức giá trần quy định của từng năm, nhưng theo cơ quan thanh tra, Bộ Công Thương đã chấp thuận mức giá tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh vượt khung giá quy định là chưa đúng quy định của Luật Điện lực và nghị định số 137, quy định giá mua điện không được vượt khung giá do Bộ Công Thương ban hành.
Phê duyệt giá vượt khung quy định
Sau khi chủ đầu tư quyết toán vốn đầu tư, kết luận thanh tra xác định: "Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định. Việc này là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực, nhưng cục vẫn chưa thực hiện kiểm tra hợp đồng mua bán điện, báo cáo bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.
Đồng thời, qua thanh tra xác định EVN và Công ty cổ phần thủy điện Đồng Nai 2 chưa kịp thời báo cáo Cục Điều tiết điện lực để kiểm tra hợp đồng mua bán điện sau khi đàm phán và ký tắt hợp đồng mua bán điện trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư là không đúng quy định.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ xác định giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Đây là nguyên nhân, lý do dẫn đến giá mua bán điện vượt khung quy định cần phải được Bộ Công Thương, EVN kiểm tra, xem xét.
Trong khi đó, những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu trên dẫn đến việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12-2008 đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện. Vì vậy cơ quan thanh tra xác định trách nhiệm thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương.
Tương tự tại Nhà máy thủy điện Sông Bung 4, Công ty Mua bán điện và Công ty cổ phần Phú Thạnh Mỹ ký kết hợp đồng và tạm thanh toán với giá 1.271,84 đồng/kWh, tức vượt khung giá năm 2015 (1.060 đồng/kWh) cũng được xác định chưa đúng quy định.
Với vụ việc này, Cục Điều tiết điện lực cũng chưa kiểm tra hợp đồng, báo cáo bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định. Vụ việc này diễn ra từ năm 2013 nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Đến ngày 15-7, EVN và Công ty cổ phần Phú Thạnh Mỹ ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 05 hợp đồng mua bán điện, trong đó giá điện chính thức 1.110 đồng/kWh, bằng giá trần khung giá phát điện đối với nhà máy thủy điện năm 2019.
Thực hiện kiểm toán, đàm phán lại giá mua điện
Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại trong thực hiện giá mua điện của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5, đã được cơ quan kiểm toán chỉ ra nhưng chưa được thực hiện theo kiến nghị của kiểm toán.
Đối với việc thực hiện đầu tư một số dự án, Thanh tra Chính phủ cũng điểm tên loạt dự án như Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 (100 MW) và Phước Thái 3 (50 MW) do EVN làm chủ đầu tư; Nhà máy nhiệt điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 do Công ty cổ phần điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 đầu tư.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN làm việc với Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiểm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2.
Các bên có căn cứ, cơ sở xem xét, đàm phán lại giá mua bán điện, báo cáo Cục Điều tiết điện lực và bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; xem xét, chỉ đạo EVN xác định lãi trên số tiền đã tạm thanh toán vượt khung quy định so với giá điện được Bộ Công Thương phê duyệt đối với Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 và Nhà máy thủy điện Sông Bung 4A.
Bộ Công Thương chỉ đạo EVN thực hiện đàm phán lại giá mua điện của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 theo quy định của pháp luật và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Các tỉnh Long An, Bình Thuận, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa được Thanh tra Chính phủ xác định có vi phạm trong thực hiện quy hoạch điện và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra trong kết luận vừa ban hành.