Nghiên cứu năng lượng hạt nhân ở Liên Xô bắt đầu từ những năm 1930, được đẩy mạnh trong và ngay sau cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Các mỏ uranium được tìm kiếm và khai thác trên khắp đất nước, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên có mã hiệu A1 được đưa vào hoạt động tháng 6/1948, dưới sự giám sát của nhà vật lý Igor Kurchatov, người được xem là cha đẻ của bom nguyên tử Liên Xô.
Anh Mikhail Chilikin - Hướng dẫn viên Bảo tàng Nguyên tử, Trung tâm triển lãm toàn Nga cho biết: "Những gì chúng ta đang thấy ở đây từng là tuyệt mật, bất kỳ ai nhắc đến có thể bị xử tội làm lộ bí mật quốc gia. Gần như tất cả các thành phố cấm thời Liên Xô đều gắn liền với các dự án hạt nhân".
Từ giữa thế kỷ 20, công nghệ hạt nhân gắn liền với nguồn năng lượng có sức mạnh đáng kinh ngạc. Một cuộc chạy đua bắt đầu giữa Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi cả hai cường quốc đều nhận ra rằng, sức mạnh nguyên tử quyết định thành bại trong cuộc chiến giành vị thế lãnh đạo.
"Cuộc thử nghiệm diễn ra Novaya Zemlya, tạo một đám mây hình nấm cao 64 km. Vụ nổ siêu mạnh khiến ngay khu làng Dixon ở cách xa đến 800km vỡ hết cửa kính, rất may quả bom này chưa từng được sử dụng", anh Mikhail Chilikin cho biết thêm.
Với sự ra đời của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới ở Obninsk năm 1954, Liên Xô bước vào giai đoạn "thuần hóa" nguyên tử. Các nhà khoa học Nga đã tìm cách ứng dụng nó trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng điện đến du hành vũ trụ.
Có những giấc mơ không thành hiện thực, nhưng sự phát triển hạt nhân của Liên Xô đã trở thành một bước đột phá thực sự. Bước sang thế kỷ 21 nghiên cứu và công nghệ mới trong ngành hạt nhân hướng đến phục vụ lợi ích trong y học, sinh thái, hậu cần và năng lượng.
Một trong những điểm nhấn thú vị của triển lãm này chính là mô hình lò phản ứng nước áp lực, được mô tả như một dàn nhạc. Mỗi nhạc cụ ở đây đều có âm thanh riêng, tất cả cùng nhau chơi một bản giao hưởng được viết riêng cho Nguyên tử.
Xem thêm: nhc.990436170622132881-agn-nahn-tah-peihgn-gnoc-hnagn-auc-tam-ib/nv.fefac