Cuối ngày 25-12, giá bán vàng miếng niêm yết tại Công ty SJC ở mức 78,4 triệu đồng/lượng - tăng đến 1,6 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước, lập kỷ lục mọi thời đại. Tại Công ty PNJ, giá bán vàng miếng SJC cuối ngày 25-12 còn cao hơn: bán ra 78,5 triệu đồng/lượng, mua vào 77,5 triệu đồng/lượng.
Diễn biến này giúp người mua vàng trước đó lãi đậm. Chẳng hạn nếu mua vàng 10 ngày trước với giá 74,3 triệu đồng/lượng, người mua lãi 2,9 triệu đồng/lượng nếu bán ra tại thời điểm này.
Không chỉ vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn 9999 cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 63 triệu đồng/lượng. Tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn 9999 tăng thêm 250.000 đồng/lượng, bán ra ở mức 63,1 triệu đồng/lượng, mua vào 62,05 triệu đồng/lượng.
Còn tại Công ty PNJ, giá vàng 9999 tăng mạnh hơn, ở chiều bán lên 63,15 triệu đồng/lượng, còn giá mua vào lên 62 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức kỷ lục từ trước đến nay của vàng nhẫn 9999.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Trần Duy Phương cho biết sở dĩ giá vàng bất ngờ được đẩy lên mức 78 triệu đồng/lượng là do xuất hiện lực mua của người dân, khi thấy giá vàng liên tục đi lên trong những ngày gần đây và gần như mỗi ngày lại lập một kỷ lục mới.
"Nhiều dự báo vàng còn lên 80 triệu đồng/lượng, thậm chí cao hơn, nên người có tiền nhàn rỗi đã xuống tiền mua vàng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục phá đáy", ông Phương nói.
Theo ông Phương, dù lực mua của người dân chủ yếu là nhỏ lẻ, mỗi người một vài lượng, nhưng do từ lâu vàng miếng SJC không được gia công thêm, số lượng bị hạn chế, vì vậy khi nhu cầu mua tăng, giá vàng miếng SJC đã bị đẩy lên.
Thêm vào đó Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sắp giảm lãi suất, dự kiến sẽ có ba đợt giảm lãi suất, mỗi đợt 0,25% vào năm 2024. Điều này càng củng cố cho đà đi lên của giá vàng.
Với mức 2.053,2 USD/ounce chiều nay, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 60,35 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 18,05 triệu đồng/lượng.
Lãi suất tiết kiệm lập đáy mới: 1,9%/năm
Theo biểu lãi suất mới nhất áp dụng tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, giảm thêm 0,3%/năm so với trước đó. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tháng qua, Vietcombank đã 4 lần giảm lãi suất huy động và đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất thị trường.
Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tại ngân hàng này chỉ còn 2,2%/năm, giảm 0,5%/năm so với đầu tháng 12. Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,5%/năm, xuống còn 3,2%/năm. Kỳ hạn 12 tháng lãi suất giữ nguyên còn 4,8%/năm, cũng là mức cao nhất hiện nay tại Vietcombank. Tại BIDV và Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng cũng giảm khá mạnh. Chẳng hạn, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng tại BIDV còn 2,6%/năm, trong khi tại Agribank là 2,2%/năm.
Các kỳ hạn dài hơn như 6 tháng và 12 tháng, lãi suất huy động tại BIDV lần lượt là 4%/năm và 5%/năm, cao nhất là 5,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Trong khi đó tại Agribank lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 3,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 5%/năm.
Đáng chú ý hàng loạt ngân hàng cổ phần cũng đang áp dụng lãi suất tiền gửi thấp chưa từng có. Có ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi thấp hơn cả nhóm Big4.
So với đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm một nửa. Thế nhưng theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng vẫn tăng trong suốt 13 tháng qua.
Lãi suất huy động liên tục giảm sốc, trong khi giá vàng miếng SJC liên tục lập đỉnh. Có phải người dân đang chuyển dịch tiền tiết kiệm sang kênh vàng?