Đó là góc nhìn của ThS Lâm Văn Quản - chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM - về phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường nghề) của TP.HCM trong thời gian tới, nhằm gia tăng lợi thế tuyển sinh và đón đầu xu hướng nhân lực.
Kết nối chương trình, tận dụng trang thiết bị
* Vì sao các trường nghề cần liên kết với nhau, thưa ông?
- Có một thực tế là chất lượng nhiều trường nghề tại TP.HCM chưa tương xứng kỳ vọng và nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Nhiều trường nghề hoạt động với quy mô nhỏ lẻ.
Ngược lại, một số trường có những thế mạnh riêng, chẳng hạn về một số ngành nghề, chương trình đặc thù, cơ sở vật chất hiện đại hay các mối quan hệ với doanh nghiệp, đối tác quốc tế.
Dù vậy sự gắn kết giữa các trường này hiện còn rất hạn chế. Hoạt động của các trường còn riêng biệt. Như vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mất đi những nguồn lực để nâng chất lượng hoạt động hoặc tăng sức cạnh tranh khi tuyển sinh, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh nguồn tuyển với các trường đại học ngày càng gay gắt.
Về phía học sinh, các em đôi khi sẽ mất đi một số cơ hội trong một số trường hợp. Chẳng hạn, một học sinh ở một trường nghề vì một số lý do phải nghỉ nửa chừng. Khi muốn chuyển trường hoặc học lại ở trường khác, các em thường phải học lại từ đầu. Đó là thiệt thòi cho các em.
* Cũng trong xu hướng kết nối, một số trường đại học đang hướng đến thành lập những "đại học chia sẻ", nơi các trường có thể tận dụng được sức mạnh chung. Liệu khái niệm về một "trường nghề chia sẻ" có thể khả thi không, thưa ông?
- Có thể. Trong các kết nối, chương trình nên là một trong những ưu tiên trước hết, bởi chương trình luôn là nền tảng đào tạo. Tuy nhiên thực tiễn, một chương trình chung cho các trường nghề rất khó.
Cách đây khoảng 10-15 năm, một số lãnh đạo trường nghề và cơ quan quản lý cũng đã có ý thử nghiệm một chương trình chung nhưng trong thực tế lại rất khó vì còn tồn tại nhiều sự khác biệt.
Theo tôi, ý tưởng khả thi hơn là thành lập những hội đồng tư vấn phát triển theo từng ngành nghề. Hội đồng này có đại diện của các trường nghề, chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Hội đồng thường xuyên đánh giá chương trình đào tạo ngành nghề đó tại các trường, xem đâu là những điểm tích cực và những điểm cần cải tiến trên tinh thần xây dựng. Các bài học kinh nghiệm sẽ được chia sẻ cho phát triển để các trường nâng cao chất lượng với từng ngành nghề cụ thể.
Hội đồng này cũng sẽ tư vấn độ tương thích của chương trình đào tạo ở các trường. Các chương trình có độ tương thích cao nên được các trường công nhận và tạo cơ chế chuyển đổi tương đương với nhau. Học sinh, sinh viên các trường sẽ có thêm cơ hội tín chỉ và được quyền học tập tiếp nối ở các trường có liên kết...
Thêm nhiều sân chơi cho học viên
* Từng tìm hiểu về hệ thống trường nghề của các nước, ông nhận thấy đâu là những thế mạnh trong liên kết của họ, thưa ông?
- Ở các nước phát triển như Đức, Nhật, sự liên kết của các trường nghề rất được chú trọng. Đặc biệt, họ không chỉ kết nối với nhau để cùng khai thác những lợi thế về chương trình và cơ sở vật chất như trên, mà còn hợp tác với các trường đại học. Nguyên tắc là các trường nghề sẽ chủ động, nhưng luôn có sự điều phối nhịp nhàng từ các đơn vị quản lý từ cấp bộ.
Chẳng hạn mô hình đào tạo kỹ sư thực hành xuất sắc KOSEN nổi tiếng của Nhật có sự tham gia liên kết của nhiều trường nghề hàng đầu, dưới định hướng chung của đơn vị quản lý nhà nước.
Nội dung chương trình trong các ngành nghề công nghệ, kỹ thuật được tuyển chọn từ những phần tốt nhất của các trường, qua một hội đồng chuyên môn về ngành nghề ấy, để đưa ra mô hình đào tạo tối ưu. Ngoài ra, do các liên kết mạnh, mô hình rất dễ thu hút được các tập đoàn, công ty, nhà máy đầu tư trang thiết bị hơn là đầu tư vào các trường riêng lẻ.
Đặc biệt tính liên thông luôn được đảm bảo giữa học phổ thông, học nghề và học đại học. Chẳng hạn, một học sinh theo chương trình KOSEN nếu thay đổi quyết định thì vẫn có thể quay trở lại chương trình phổ thông dễ dàng. Cánh cửa liên thông đại học cũng rất thuận tiện.
Ở Việt Nam hiện nay tính liên thông vẫn còn khá yếu. Một em học nghề sau khi tốt nghiệp THCS (hệ 9+) theo chương trình 4 môn, nếu muốn trở về chương trình phổ thông gần như phải học lại từ đầu.
* Để kết nối các trường, phải chăng cần một đơn vị đóng vai trò trung gian, chẳng hạn như Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM?
- Kết nối các trường nghề cũng là một trong những định hướng hoạt động của Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM đến năm 2025, định hướng tới năm 2030, cũng là kết nối giữa các đối tượng khác nhau.
Trước hết là ở cấp quản lý để các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quản lý ở các trường có nhiều điều kiện khác nhau. Tiếp đó là kết nối đội ngũ giáo viên bằng những chương trình hội thảo, tập huấn giúp họ liên tục được cập nhật kỹ năng chuyên môn và giảng dạy.
Kết nối giữa các trường cũng không nên bỏ quên các sinh viên. Họ cần có thêm các sân chơi để thường xuyên được nâng cao tay nghề, tiếp cận được những máy móc, trang thiết bị cập nhật và được học hỏi lẫn nhau. Với các trường đại học, những sân chơi cho sinh viên các trường khá đa dạng, còn ở trường nghề số lượng các hoạt động này hiện tương đối ít, nhưng hoàn toàn có thể gia tăng trong thời gian tới.
Đón đầu xu hướng nhân lực
ThS Nguyễn Đức Huy - giám đốc Trung tâm đào tạo, Khu Công nghệ cao TP.HCM - cho rằng gắn kết giữa các trường trong khối giáo dục nghề nghiệp nên được triển khai bài bản, có sự định hướng và quy hoạch các ngành nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Kết nối nên tập hợp được một nhóm trường nghề có chung một thế mạnh, như khoa học - kỹ thuật, kinh tế - tài chính...
Khi các kết nối mạnh, những doanh nghiệp muốn tìm kiếm đặt hàng nguồn nhân lực khá thuận tiện. Ông Huy ví dụ hiện một số doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Nếu các trường nghề mạnh trong lĩnh vực khoa học công nghệ liên kết, đồng thời "bắt tay" cùng một số đơn vị khác chẳng hạn như Khu Công nghệ cao TP.HCM thì hoàn toàn có thể đón đầu xu hướng nhân lực.
Nhiều học sinh trường nghề tại TP.HCM dù đã tốt nghiệp vẫn chưa nhận được cấp bù học phí.