Trao đổi với phóng viên ngày 26-12, ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết thành phố đang tiếp tục lắng nghe, ghi nhận thêm ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt bà con phố cổ Hội An sinh sống lâu đời nắm rõ về số phận Chùa Cầu.
Chuyện cong, thẳng Chùa Cầu bỗng rôm rả
Trước khi tháo dỡ trùng tu, Chùa Cầu "cõng" bình quân 3.000 lượt khách tham quan mỗi ngày. Lũ lụt thường xuyên cộng với lượng khách dồn lên di tích nhiều khiến công trình cổ nghiêng lún, xuống cấp nghiêm trọng.
Do tính nhạy cảm của dự án, một quy trình hồ sơ thủ tục nghiêm ngặt đã được làm. Từ khi dự án được khởi động, Chùa Cầu luôn được theo dõi sát sao. Điều khá tích cực là quá trình làm vẫn tổ chức được hoạt động tham quan.
Tại cuộc tham vấn chuyên gia đầu ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phía Nhật Bản mới đây đã có nhiều đánh giá tích cực về cách làm của Hội An.
Tuy nhiên mới đây có một số ý kiến đóng góp từ những người yêu quý Hội An, hiểu rõ về di sản. Mọi ồn ào bắt đầu từ đó.
Một trong các chuyên gia tâm huyết là ông Nguyễn Thượng Hỷ - nguyên trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam.
Ông Hỷ đã nhiều lần viết thư đóng góp ý kiến, nêu quan điểm để phản biện một số nội dung trong phương án trùng tu tổng thể Chùa Cầu.
Đặc biệt là việc hình dáng lòng Chùa Cầu trong lịch sử tương đối khác ở phần dầm sàn chứ không cong vút như hiện tại.
Chùa Cầu cong, thẳng hay… vừa cong vừa thẳng?
Từ ý kiến của ông Hỷ và một số người nắm rõ lai lịch Chùa Cầu, TP Hội An đã tổ chức cuộc họp để lắng nghe thêm. Tại đây ông Hỷ vẫn tiếp tục nêu quan điểm, tư liệu của riêng mình.
Không "nhất quyết thẳng" như ông Hỷ, một số nhà nghiên cứu ở Hội An đưa ra các phản biện để mổ xẻ, làm rõ hình dáng trong lịch sử Chùa Cầu để mong phương án trùng tu đạt độ chân xác nhất.
Theo ông Nguyễn Chí Trung - nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nếu có đủ cơ sở để khẳng định sàn Chùa Cầu có mặt phẳng thì cũng cần tạm dừng trùng tu lại, chấp nhận chậm trễ để đảm bảo cơ sở khoa học. Bởi nguyên tắc trùng tu phải làm sao phát huy đúng tầm vóc, giá trị di tích cổ.
Khác với quan điểm cong hay thẳng, một số chuyên gia lại đưa ra cách tiếp cận "trung dung" và có cơ sở hơn với hình dáng "vừa cong, vừa thẳng".
Trong một bản vẽ 3 phương án trùng tu Chùa Cầu vào năm 1986 được lưu giữ lại cho thấy mặt giữa của di tích cổ này ở giữa tương đối bằng phẳng. Hai đầu ở hướng Trần Phú, hướng kia là đường Nguyễn Thị Minh Khai vát xuôi tạo lối dẫn lên cầu.
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết quan điểm khi trùng tu Chùa Cầu là không đưa công trình về một giai đoạn cụ thể nào. Mặt khác, tư liệu hiện có cũng không ghi nhận "phiên bản gốc" di tích.
Tuy nhiên những tranh luận vẫn tiếp tục nổ ra.
Trước việc này, ngày 26-12 ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP Hội An, khẳng định sẽ lắng nghe cặn kẽ mọi ý kiến.
Một trong những cách để có thêm cơ sở khoa học xác định hình dáng Chùa Cầu chân thật nhất là sẽ soi lại cốt gốc còn sót lại của móng đá, cột, xà, hệ thống chịu lực chính.
Chùa Cầu cong từ lúc nào?
Theo các nhà nghiên cứu, dựa trên những tư liệu còn ghi lại được, có thể khẳng định từ những năm 1900 đến lần trùng tu quy mô nhất 1986 thì vòm sàn Chùa Cầu hình vát hai đầu, thẳng phần sàn gỗ ở giữa. Hai bên lối đi cũng có trảng ghế ngồi nghỉ cho khách bộ hành.
Tuy nhiên hình dáng di tích cổ thay đổi tương đối với xu hướng "cong hình cung" ở phần sàn.
Vì sao hình sàn Chùa Cầu từ thẳng lại "cong hình cung" lên sau đợt trùng tu 1986 vẫn là một dấu hỏi đang được phân tích, mổ xẻ.
Tuy nhiên hiện nhiều ý kiến nêu sở dĩ sàn di tích cong lên là thích ứng tốt hơn với lũ lụt. Hội An nằm hạ nguồn sông, lũ lụt thường xuyên. Chùa Cầu nằm cách sông không xa nên có thể những người trùng tu năm 1986 đã nâng sàn lên để thoát khỏi mặt lũ.
Dự án trùng tu Chùa Cầu được tỉnh Quảng Nam đầu tư hơn 20,2 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023, tuy nhiên hiện có một số ý kiến trái chiều nên TP Hội An đang nghiên cứu lắng nghe thêm.
Từ trước tới nay di tích cổ này trải qua các đợt tu bổ vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.
Dự án trùng tu Chùa Cầu được đánh giá là "hình mẫu" trùng tu di tích, tưởng chừng như sẽ băng băng về đích thì đang vấp phải phản biện từ người Hội An khiến dự án có nguy cơ phải gia hạn tiến độ.