“Hầm trú ẩn” trở thành kênh đầu tư hấp dẫn
Cuối tuần qua, giá vàng miếng SJC đóng cửa ở mức giá 76,6 triệu đồng/lượng, tăng gần 15% so với đầu năm. Nếu so với chứng khoán (chỉ số VN-Index tăng 9,43% từ đầu năm đến nay), bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất tiết kiệm, thì vàng đang là kênh đầu tư sáng giá nhất từ đầu năm đến nay.
Chỉ trong vòng một tháng gần đây, giá vàng miếng SJC đã tăng 10%, cùng chiều với giá vàng thế giới. Các chuyên gia đánh giá, với đà tăng hiện tại, giá vàng SJC có thể vượt mốc 80 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ vàng nhiều hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi những tín hiệu cho thấy, có thể cắt giảm lãi suất 3 lần vào năm 2024. Fed giảm lãi suất, đồng nghĩa USD suy yếu, từ đó hỗ trợ giá vàng. Ngoài ra, nhu cầu mua vàng vật chất tăng cao trên toàn thế giới để phục vụ nhu cầu lễ hội và tích trữ dịp cuối năm cũng là lý do khiến giá vàng tăng mạnh.
Một lý do nữa khiến vàng tăng giá, theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới (WGC) là do căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas, buộc các quỹ đầu tư trú ẩn vào vàng.
Ngoài ra, quý IV hàng năm cũng là thời điểm các ngân hàng trung ương thường mua hàng vào, nhất là khu vực châu Á. Tính đến quý III/2023, ngân hàng trung ương của các nước đã mua vào hơn 800 tấn vàng.
Hiện giá vàng miếng SJC trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 14 triệu đồng/lượng, chủ yếu do nguồn cung hạn chế. Thêm vào đó, lãi suất huy động thấp kỷ lục cũng khiến nhiều người dân chuyển sang đầu tư vàng.
Xét về khía cạnh tài sản đầu tư, trong 5 lớp tài sản chính, vàng thuộc nhóm tài sản phòng thủ (cùng với tiền gửi, trái phiếu), không phải là tài sản tăng trưởng như cổ phiếu, bất động sản. Vàng luôn được coi là kênh phòng thủ tài chính tốt, luôn được giới chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ 5 - 10% trong tổng tài sản đầu tư của mình. Trong bối cảnh kinh tếnhiều biến động, rủi ro, nhất là rủi ro suy thoái, vàng không chỉ phát huy được vai trò kênh phòng thủ, mà còn biến thành kênh đầu tư sinh lời sáng giá.
Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho biết, trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng bất động sản toàn cầu như năm 2023, vàng là có hiệu suất sinh lời tốt hơn nhiều tài sản khác.
Trên thực tế, các năm trước giá vàng chỉ tăng khoảng 5 - 6%/năm, tỷ suất sinh lời thấp hơn các kênh đầu tư khác. Các chuyên gia cho rằng, vàng là tài sản phòng thủ, không phải kênh đầu tư, do đó không nên so sánh vàng và các kênh đầu tư khác về lợi tức. Tuy vậy, trong một số giai đoạn nhất định, vàng lại trở thành tài sản chiến lược trong danh mục đầu tư.
Giá vàng cao khó duy trì trong trung, dài hạn?
Trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh, giá mua vào - bán ra có thời điểm lên tới 1-2 triệu đồng/lượng, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư không nên “lướt sóng” vàng vào thời điểm này do rủi ro rất lớn. Theo ông Khánh, các nhà đầu tư vàng có lãi thời gian qua đa số đều là những người đã nắm giữ vàng trung, dài hạn (từ 6 tháng, 1 năm trở lên).
Thực tế, chỉ trong ngày thứ sáu tuần qua, giá vàng miếng SJC có lúc vọt lên 77,3 triệu đồng/lượng (bán ra) vào buổi sáng sau đó đột ngột quay đầu, giảm về mức 76,7 triệu đồng/lượng vào buổi chiều. Cộng với chênh lệch giá vàng là 1 triệu đồng/lượng, thì người mua vàng sáng 22/12, nếu bán chiều 22/12, đã lỗ ngay 1,6 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, giá vàng rất khó dự đoán, song nhiều khả năng chỉ tăng trong ngắn hạn và khó duy trì được đà tăng này trong trung, dài hạn. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên chọn những thời điểm giá vàng bớt nóng để đầu tư và cũng chỉ nên nắm giữ 5-10% tổng tài sản.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, nhà đầu tư, nếu chưa có vàng, thì vẫn nên chọn thời điểm phù hợp để nắm giữ. Đây vừa là khoản đầu tư, vừa là tài sản phòng thủ. Còn nếu nhà đầu tư đang nắm giữ vàng thì gia tăng thời điểm này không có lợi.
Trong khi đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế lại nhận định, dù xu hướng chủ đạo của giá vàng vẫn là tăng, song các chuyên gia cho rằng, dòng tiền đổ vào vàng sẽ không quá lớn vì vàng diễn biến rất thất thường, rủi ro lớn.
Trong báo cáo triển vọng vàng năm 2024 công bố mới đây, WGC cho rằng, căng thẳng địa chính trị có thể gia tăng trong năm bầu cử quan trọng ở nhiều nền kinh tế lớn kết hợp với lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương tiếp tục cung cấp thêm hỗ trợ cho vàng trong năm tới. Bên cạnh đó, vẫn chưa có gì là chắc chắn về việc nền kinh tế Mỹ có “hạ cánh mềm” được hay không, trong khi khả năng suy thoái vẫn hiện hữu. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả, chẳng hạn vàng, trong danh mục đầu tư của họ.
Theo chiến lược gia thị trường John Reade của WGC, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương là một yếu tố hỗ trợ khác cho vàng trong tương lai. Các ngân hàng trung ương là nguồn cầu chính trên thị trường vàng toàn cầu trong vài năm qua và năm 2023 có thể sẽ là một năm kỷ lục nữa. WGC hy vọng, các ngân hàng trung ương vẫn sẽ duy trì lực cầu đối với vàng trong năm 2024.
Trong báo cáo của mình, WGC ước tính rằng, nhu cầu của ngân hàng trung ương đã đóng góp trên 10% vào biến động giá trong năm 2023. Ngay cả khi vàng không đạt được mức cao tương tự như thời gian qua, thì việc bổ sung vàng của các ngân hàng trung ương vẫn sẽ là yếu tố thúc đẩy giá trong năm tới. Năm 2024 có thể sẽ là một năm kỷ lục nữa của kim loại quý này.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế toàn cầu đang giảm khiến các nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024. Lãi suất thấp hơn có thể sẽ đẩy lợi suất trái phiếu thấp hơn. Thực tế cho thấy, lợi suất trái phiếu giảm trong những tuần gần đây thực sự đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của giá vàng./.
Xem thêm: lmth.86742000042210202-oas-ar-es-4202-man-3202-man-tahn-tot-ut-uad-hnek-al-gnav/nv.semitaer