Là ngành xuất khẩu có quy mô lên tới hàng tỉ USD, việc ứng phó với vụ kiện này được xem là nhiều gian nan và khó khăn, đòi hỏi sự đồng lòng của các doanh nghiệp và bộ ngành liên quan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Anh Tuấn, cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết từ giữa tháng 11-2023, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.
Như vậy kể từ vụ điều tra chống trợ cấp của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng cách đây 10 năm mà chúng ta đã thắng kiện, ngành tôm đang gặp khó khăn mới vì vụ kiện lần này có tính chất và mức độ phức tạp hơn rất nhiều.
Bị điều tra lần thứ hai với nhiều cáo buộc
"Trải qua hơn 10 năm, vụ việc điều tra hiện tại đã có một số thay đổi, bao gồm việc điều tra thêm các chương trình trợ cấp bị cáo buộc mới và thay đổi danh sách các doanh nghiệp liên quan", ông Trịnh Anh Tuấn nói và cho biết đến nay vụ việc đang trong giai đoạn trả lời bảng câu hỏi điều tra.
Dự kiến sau giai đoạn trả lời bảng câu hỏi, Mỹ sẽ ban hành kết luận sơ bộ, tiến hành thẩm tra tại chỗ với Chính phủ và doanh nghiệp, tổ chức phiên tham vấn công khai trước khi ban hành kết luận cuối cùng (vào tháng 5-2024 nếu không gia hạn).
Theo đó, Mỹ điều tra tôm nước ấm đông lạnh thuộc nhóm các mã HS 0306.17, 1605.21, 1605.29 với các nước bị điều tra gồm: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Trong đó, sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam mặc dù chỉ bị điều tra chống trợ cấp nhưng số lượng các chương trình cáo buộc của nguyên đơn tại Mỹ lớn hơn nhiều nên DOC đã quyết định điều tra toàn bộ 40 chương trình.
Điều này khiến Việt Nam là nước có số lượng chương trình trợ cấp bị điều tra nhiều nhất so với các nước khác gồm: Ecuador là 15 chương trình, Ấn Độ 19 chương trình, Indonesia 15 chương trình.
Nhiều chương trình bị cáo buộc có nội dung mới và phức tạp, liên quan nhiều bộ ngành, địa phương ở nhiều cấp khác nhau.
Các nhóm chương trình bị cáo buộc gồm: cho vay, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, chương trình miễn giảm khoản phải thu, ưu đãi về đất, nhóm các chương trình tài trợ. Điểm đáng chú ý là DOC còn điều tra một loạt các chương trình thuộc chiến lược phát triển thủy sản và chương trình phát triển ngành thủy sản được Chính phủ ban hành.
Theo ông Tuấn, việc Mỹ đưa ra cáo buộc với số lượng chương trình trợ cấp bị điều tra lên tới 40 chương trình, nhiều nhất trong số các vụ việc điều tra chống trợ cấp của nước ngoài với Việt Nam từ trước tới nay.
Các chương trình này liên quan tới nhiều bộ ngành, doanh nghiệp có nhiều cơ sở tại các tỉnh thành khác nhau.
Trong khi đó, thời hạn trả lời bảng câu hỏi của Mỹ đưa ra là khá gấp và rất chi tiết, nội dung yêu cầu phức tạp, đòi hỏi nhiều thông tin; các yêu cầu thủ tục hành chính, biểu mẫu phức tạp; các tài liệu đều phải chuyển ngữ sang tiếng Anh.
Cũng theo ông Tuấn, tính chất của một vụ điều tra chống trợ cấp, đó là Chính phủ cũng là một bên bị điều tra của vụ việc.
Theo đánh giá, việc thu thập thông tin, tổng hợp, xây dựng bảng trả lời câu hỏi dành cho Chính phủ sẽ cực kỳ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp cùng các bên liên quan.
Đến nay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, cục đã thu thập thông tin, yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra khách quan, minh bạch, tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đồng thời phối hợp với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các bên có liên quan trả lời bảng câu hỏi điều tra của Mỹ để đáp ứng đúng hạn.
Ngành thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nếu thua kiện
Lý giải thêm về việc ngành tôm cũng như nhiều sản phẩm Việt Nam ngày càng bị Mỹ điều tra phòng vệ thương mại, ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho hay theo thống kê của DOC, 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai nước đạt 102,5 tỉ USD.
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 94,5 tỉ USD, nhập khẩu đạt 8 tỉ USD, thặng dư thương mại đạt 86,5 tỉ USD - cao thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico (chiếm xấp xỉ 10% tổng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ).
"Biện pháp phòng vệ thương mại luôn song song với hoạt động xuất khẩu. Trường hợp xuất khẩu càng tăng thì nguy cơ bị kiện càng nhiều. Trên thực tế, Mỹ là thành viên WTO khởi xướng điều tra nhiều nhất các vụ việc phòng vệ thương mại với Việt Nam.
Đồng thời đây cũng là quốc gia điều tra tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế, tự vệ", ông Hưng nói.
Đối với vụ việc tôm, ông Hưng cho biết khác với các biện pháp phòng vệ thương mại khác, điều tra chống trợ cấp yêu cầu cả Chính phủ cung cấp thông tin nên trong vụ việc này, Chính phủ cũng sẽ tham gia là một bên trả lời bảng câu hỏi.
Đối với các doanh nghiệp, Bộ Thương mại Mỹ sẽ yêu cầu cung cấp thông tin liên quan việc có hưởng các chính sách ưu đãi hay không.
Do đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp được lựa chọn là bị đơn bắt buộc, cần xem xét nghiêm túc tham gia vụ việc, đầu tư nguồn lực theo đuổi vụ việc, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra trong suốt quá trình vụ việc (từ 12 - 18 tháng).
Còn theo ông Trịnh Anh Tuấn, ngành tôm là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực.
Do đó kết quả cuối cùng của vụ việc không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp được lựa chọn để điều tra, mà có ảnh hưởng tới toàn ngành tôm xuất khẩu Mỹ của Việt Nam.
Ông Tuấn cũng cho rằng việc xuất khẩu tôm tăng mạnh vào Mỹ được xem là một trong những nguyên nhân khiến ngành sản xuất tôm của Mỹ tiếp tục đề nghị DOC điều tra chống trợ cấp. Vì vậy, việc duy trì xuất khẩu tôm sang Mỹ, việc kháng kiện hiệu quả vụ việc này là rất cần thiết.
Hiện nay Mỹ cũng đang duy trì lệnh áp thuế chống bán phá giá với cùng sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ năm 2004, song xuất khẩu tôm của Việt Nam vào nước này vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng 77% từ 454 triệu USD năm 2012 lên 807 triệu USD vào năm 2022 và chạm mức đỉnh trên 1 tỉ USD vào năm 2021.
Bởi trong trường hợp Việt Nam bị kết luận áp thuế chống trợ cấp cao hơn mức áp dụng cho các quốc gia còn lại, sản phẩm tôm của Việt Nam sẽ giảm lợi thế cạnh tranh.
Kết luận điều tra vụ việc sẽ ảnh hưởng không chỉ tới sản xuất của ngành, các mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành thủy sản, mà còn tác động tới người lao động, bởi những người nuôi trồng tôm tự nhiên cũng bị điều tra trợ cấp liên quan.
Đã đề nghị Mỹ tiến hành khách quan, công bằng
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Mỹ đang có xu hướng áp dụng ngày càng nhiều biện pháp nhằm bảo hộ sản xuất trong nước trước sức ép của hàng nhập khẩu như tăng cường các hàng rào kỹ thuật, thường xuyên bổ sung các quy định mới, gia tăng các cuộc điều tra và sau đó là áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh... khiến việc nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này ngày càng khó khăn. Xu hướng này dự kiến sẽ vẫn tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới.
Tính đến giữa tháng 12-2023, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng 59 vụ, chiếm gần 25% tổng số các vụ việc điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép, gỗ, thủy sản, dệt may, lốp xe, máy xịt rửa áp lực cao... đến các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, đệm mút, túi dệt...
Ông Tuấn cho biết Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị Mỹ tiến hành các vụ việc điều tra với Việt Nam trên cơ sở khách quan, công bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có đủ thời gian giải trình và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.
Tháng 9-2023, bộ cũng đã chính thức nộp yêu cầu đề nghị DOC xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại.
Việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam được cơ quan điều tra Mỹ sử dụng dữ liệu của mình, thay vì sử dụng dữ liệu của các nước thay thế, từ đó mức thuế phòng vệ thương mại sẽ công bằng hơn. Dự kiến DOC sẽ ban hành kết luận về vấn đề này vào tháng 7-2024, nếu không gia hạn.
Để tránh nguy cơ bị điều tra
Để tránh nguy cơ bị điều tra và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, ông Đỗ Ngọc Hưng đề nghị các doanh nghiệp cần trang bị kiến thức đầy đủ về phòng vệ thương mại, đăng ký tham gia hoạt động tư vấn kiến thức phòng vệ từ các cơ quan chức năng.
Bộ Công Thương cũng định kỳ cập nhật danh sách cảnh báo sớm các vụ kiện, hoạt động xuất khẩu, chuẩn bị chủ động ứng phó vụ kiện có thể xảy ra bất kỳ lúc nào thông qua việc sắp xếp tài liệu, chứng từ, kế toán...
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, cơ quan thương vụ, quản lý nhà nước để chia sẻ thông tin, có phương án kinh doanh phù hợp, sẵn sàng ứng phó với các vụ kiện.
Còn theo ông Trịnh Anh Tuấn, doanh nghiệp Việt cần trang bị, cập nhật kiến thức về các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của WTO và Mỹ.
Doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ, tham gia, hợp tác với các hiệp hội liên quan tại Mỹ như hiệp hội xuất nhập khẩu để có thêm thông tin, tăng cường trao đổi, tránh việc các doanh nghiệp Mỹ khởi kiện. Hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc để phục vụ công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng nước nhập khẩu.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên trao đổi với các cơ quan quản lý trong nước, cơ quan thương vụ về tình hình, diễn biến xuất khẩu, nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại khi xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu và xây dựng phương án xử lý kịp thời khi vụ việc xảy ra.
"Vụ kiện" chống trợ cấp là gì?
Đây thực chất là một quy trình kiện - điều tra - kết luận - áp dụng biện pháp chống trợ cấp (còn gọi là biện pháp đối kháng) mà nước nhập khẩu tiến hành đối với một loại hàng hóa nhập khẩu từ một nước nhất định khi có những nghi ngờ rằng hàng hóa được trợ cấp (trừ trợ cấp đèn xanh) và gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu.
Mặc dù thường được gọi là "vụ kiện" (theo cách gọi ở Việt Nam), đây không phải thủ tục tố tụng tại tòa án mà là một thủ tục hành chính và do cơ quan hành chính nước nhập khẩu thực hiện.
Thủ tục này liên quan một bên là ngành sản xuất nội địa và một bên là các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Khác với thủ tục kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp liên quan đến cả Chính phủ nước xuất khẩu (vì liên quan đến khoản trợ cấp của Chính phủ).
(Theo Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, Bộ Tư pháp Việt Nam)
Hợp tác đầy đủ có thể mang lại kết quả tích cực
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp được lựa chọn là bị đơn bắt buộc, cần xem xét nghiêm túc tham gia vụ việc, đầu tư nguồn lực theo đuổi vụ việc, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra trong suốt quá trình vụ việc (12 - 18 tháng), bao gồm cả việc cơ quan Mỹ thẩm tra tại doanh nghiệp. Việc hợp tác đầy đủ có thể sẽ mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp.
Ngược lại, nếu từ chối hợp tác/hợp tác không đầy đủ, DOC sẽ sử dụng các dữ liệu bất lợi khiến mức thuế trợ cấp bị đẩy lên rất cao và chúng ta khó có thể giữ được thị trường vì lợi thế cạnh tranh về giá đã không còn.
Doanh nghiệp lo
Theo ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, vụ kiện chống trợ cấp (CVD) rất đáng lo vì bị đơn bắt buộc nhập nhiều tôm từ Ấn Độ, có thể gây rủi ro vì vi phạm theo quy định phía Mỹ. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào Mỹ có thể bị thuế sơ bộ từ quý 2-2024, cụ thể bao nhiêu thì chưa rõ.
Trước tiên Bộ Công Thương phải làm việc và đáp ứng hồ sơ cho Bộ Thương mại Mỹ. Sau đó, các bị đơn bắt buộc do Bộ Thương mại Mỹ chọn phải giải trình các nội dung họ đưa ra. Hai bị đơn bắt buộc phải thuê hãng luật Mỹ tư vấn, trả lời. Hiện hai công ty này đã thuê hai hãng luật hỗ trợ tư vấn cho mình.
Trong khi đó, ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết ngành tôm Việt Nam năm 2023 đối mặt với rất nhiều khó khăn, tưởng chừng sang năm 2024 sẽ dễ thở hơn, nào ngờ còn căng thẳng hơn.
Khủng hoảng kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu lạc quan; tiếp tục cạnh tranh nguyên liệu do một số nước bán tôm giá rẻ và nay lại đối mặt với "vụ kiện" CVD.
Nếu không can thiệp kịp thời, ngành tôm Việt Nam sẽ gặp thêm nhiều khó khăn. Bộ Công Thương cần vào cuộc sớm và hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Huỳnh Thanh Tân, tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cà Mau, cho biết nếu bị thua trong vụ kiện này sẽ bị phạt và truy thu nặng.
"Hy vọng các thủ tục để chống lại vụ kiện này sẽ được Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp. Tình hình kinh doanh năm nay gặp nhiều khó khăn, giờ đối diện với vụ kiện thì tương lai khó khăn chồng chất khó khăn", ông Tân nói.
Ông Phan Hoàng Vũ, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nói đang cho Chi cục Thủy sản rà soát để cung cấp các tài liệu, thông tin và phối hợp với Hiệp hội Thủy sản để hướng dẫn các bước tiếp theo cho người nuôi, cho các doanh nghiệp.
Cần sự nỗ lực lớn từ Chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-12, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết Mỹ là một trong bốn thị trường lớn của ngành tôm Việt Nam bên cạnh Nhật Bản, châu Âu và Trung Quốc.
Việc gặp khó khăn đã được dự đoán từ trước vì Mỹ có hệ thống pháp luật về xuất nhập khẩu khá phức tạp.
Theo bà Sắc, tôm Việt Nam đang cạnh tranh được một phần nhờ thị phần hàng giá trị gia tăng, nhưng ba năm nữa các nước khác cũng làm được giá trị gia tăng. Do đó nếu giá trị gia tăng đứng im, Việt Nam không có sự thay đổi về chế biến sâu, giảm giá thành thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thức ăn chiếm 50 - 60% giá thành sản xuất tôm nhưng giá mặt hàng này trong nước đang cao hơn các nước khác; tôm giống tại Việt Nam có chất lượng thấp, dễ dịch bệnh... các vấn đề này đẩy giá thành sản xuất tôm của Việt Nam cao hơn 20 - 25% so với các nước như Ecuador, Indonesia....
"Giá thành sản xuất cao nên việc cạnh tranh về giá bán với các cường quốc xuất khẩu tôm đã khó, nếu Việt Nam bị Mỹ áp thêm thuế với mức cao thì khó khăn là không nhỏ", bà Sắc nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Vasep, cho biết xử lý vụ này sẽ tốn nhiều công sức bởi hạn nộp hồ sơ là 24-1-2024. Sau đó Mỹ sẽ xem xét để có quyết định sơ bộ vào tháng 3 hoặc tháng 4, và tiếp theo các giai đoạn khác.
Do đang trong tiến trình chuẩn bị nên hiệp hội phải liên tục làm việc với doanh nghiệp, ban ngành để chuẩn bị hồ sơ thủ tục và trả lời các câu hỏi phía Mỹ, trong đó có phương án mời các hãng luật để tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này.
"Mỹ là thị trường quan trọng xưa nay của ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung, nên nếu đợt này không có kết quả tốt thì sẽ cực kỳ khó khăn. Do đó, cần sự nỗ lực lớn từ cả Chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp", ông Hòe nói.
Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030 sẽ là trung tâm công nghiệp tôm và một trong những trung tâm về sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.