Sau cơn lốc vàng, Tuổi Trẻ trở lại những miền đất này góp nhặt những câu chuyện một thuở, bây giờ.
Bồng Miêu còn gọi là "cánh đồng vàng" ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, được biết đến có mỏ vàng lớn nhất Việt Nam.
Cánh đồng vàng từ xa xưa
Từ ngàn xưa Bồng Miêu đã được người Chăm phát hiện, khai thác. Đến thời Pháp thuộc, Bồng Miêu lại bị người Pháp đào vàng mang đi. Và gần đây đến lượt doanh nghiệp là Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu "múc" vàng xong thì... phá sản, tỉnh phải bỏ ngân sách đóng cửa mỏ.
Trải dâu bể lịch sử, cánh đồng vàng nay là những hầm hố còn sót lại. Và thi thoảng vẫn là những cuộc trốn chạy của "vàng tặc" khi bị truy quét.
Thế kỷ 14 được xem là thời kỳ thịnh vượng của công cuộc khai thác vàng tại Bồng Miêu, tiếp tục duy trì đến thế kỷ 15 và trở nên cực thịnh vào mấy trăm năm vương triều nhà Nguyễn.
Đến khi người Pháp đặt chân vào Việt Nam, bắt đầu thực hiện chính sách "bòn" tài nguyên trong đó có làm vàng.
Những bậc cao niên của làng Bồng Miêu kể rằng xưa kia khi người Pháp mở đường, lập sở khai thác vàng, đã có câu ca: "Từ ngày Tây lại cửa Hàn/Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu". Người Pháp đã đào vàng nơi đây ngót 60 năm, cho đến năm 1945 khi Cách Mạng Tháng Tám thành công.
Ông Nguyễn Thế Vinh, nguyên chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, người gắn bó với vùng đất này từ khi làm cán bộ hợp tác xã cho đến chủ tịch xã, nắm rõ Bồng Miêu như lòng bàn tay.
Ông kể nhiều năm trước đã nghe những bậc cao niên trong làng kể nhiều truyền thuyết gắn với cánh đồng vàng rằng từ ngàn xưa, một con trâu màu vàng lừng lững đi đến cánh đồng dưới chân núi Kẽm thì dừng lại. Sau đó, người ta thấy những màu vàng trên đất như một điềm báo có mỏ vàng.
Dân làng còn truyền nhau Bồng Miêu được gọi là cánh đồng cò bay vì rộng mênh mông là một phần, mà còn hàm chứa nghĩa khác dù có làm ra bao nhiều vàng cũng bay đi, như cánh cò, được bao nhiêu cũng mất hết.
Và đúng là có những người trúng vàng nhưng cũng tiêu tan theo mây gió, giống như cái cách Công ty Bồng Miêu phá sản nhanh sau vài năm "bòn" vàng.
Chỉ tay về phía cạnh con sông Bồng Miêu, ông Vinh giải bày Bồng Miêu bây giờ còn sót lại một cánh đồng chừng 10ha dân đang trồng lúa. Nơi từng là cánh đồng vàng sa khoáng từ thời Pháp thuộc. Lúc bấy giờ, cư dân địa phương đã đứng dậy đấu tranh đòi phải trả lại ruộng cho dân.
Lịch sử lặp lại lần thứ hai là những năm 1990, một doanh nghiệp được cấp phép làm vàng trên cánh đồng này. Khi công ty này ngừng, dân làng và chính quyền kiến nghị lên trên buộc trả lại mặt bằng, hoàn thổ lại để dân trồng lúa. "Nhờ quyết tâm ấy mà cánh đồng chừ là nơi canh tác lúa cho bà con nơi đây", ông Vinh chia sẻ.
"Vàng tặc" bất đắc dĩ!
Chúng tôi đến Bồng Miêu những ngày khi dấu chân lực lượng chức năng truy quét "vàng tặc" còn in ở Hố Gần, Núi Kẽm, Thác Trắng, Bãi Thải, Đồi Sim... Mùi khét lẹt của những lán trại, lều bạt bị đốt cháy, tiêu hủy vẫn nồng nặc.
Thấy người lạ xuất hiện, cánh "chim lợn" vội phóng xe bám sát nhất cử nhất động. Men theo đường mòn lên Núi Kẽm, địa điểm nhức nhối nạn vàng tặc, một người đàn ông chạy xe máy tấp vào dò hỏi. Chúng tôi đánh bài ngửa là nhà báo, nghe vậy người này lảng tránh.
Mấy ngày qua, "vàng tặc" gần như nằm im trước những đợt truy quét rất rát. Qua nhiều đầu mối, chúng tôi gặp T. một "vàng tặc". Ông thổ lộ cũng vì cuộc sống mưu sinh nên ông cũng như nhiều người dân ở Bồng Miêu phải làm cái nghề mà người ta gọi là "vàng tặc" trên chính quê mình.
"Nghề ngỗng không có, tuổi đã lớn biết làm chi. Chẳng đặng đừng chúng tôi mới phải lên đây đi mót sái vàng", ông T. nói.
Một phu vàng khác là S., cũng tâm sự rằng vì ruộng, rẫy ít nên một số người mới phải đi "lọ mọ mót vàng ở những bãi cũ của công ty vàng để lại kiếm thêm tí mắm tí muối. Không làm vàng thì chẳng biết làm chi ra tiền".
Nhiều khu vực đồi núi ở Bồng Miêu bị cày xới nham nhở, hầm hố ngổn ngang, nhiều bãi đá chất cao thành đống lớn. Bên cạnh đó là các hồ sái quặng mà vàng tặc dùng để đãi vàng sặc mùi hóa chất. Những hầm mỏ được đào khoét chi chít ở các sườn núi, lều bạt dựng lên, "vàng tặc" đào xới lấy sái quặng. Bồng Miêu lại bị bòn rút.
Nhấp ngụm trà, ông Nguyễn Thế Vinh tâm sự người dân ở đây chủ yếu vẫn là làm nông nghiệp, trồng keo, chăn nuôi, còn thi thoảng có một số đi lọ mọ trong bãi vàng. Theo ông, khi Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu còn hoạt động, xã đề nghị họ phải tuyển lao động địa phương. Tuy nhiên, họ nhận được khoảng 200 người, chủ yếu là lao động phổ thông.
Trước khi công ty vào khai thác, từ năm 1986 - 1990 cũng có doanh nghiệp làm vàng sa khoáng, họ trúng lắm nhưng chẳng có đóng góp gì cho địa phương. Đến năm 1992, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu thăm dò, lập các thủ tục để được cấp phép khai thác. Năm 2006, khi đi vào khai thác thì công ty có gửi cho xã một tháng khoảng chục triệu đồng dưới hình thức "hỗ trợ bảo vệ", nào phải cho không.
Ít hưởng lợi trên "cánh đồng vàng", nhưng địa phương lại phải lo nhiều hậu quả. Mà điển hình là ô nhiễm môi trường, khai thác vàng trái phép gây mất an ninh trật tự, sập hầm vàng, ngạt khí chết người.
Có thời điểm, người đào vàng lậu đến hàng trăm, địa phương nhiều lần đẩy đuổi nhưng đâu lại vào đấy. "Phải giải quyết được công ăn việc làm cho người dân thì mới xử lý được nạn vàng tặc", ông Vinh đúc kết.
Bòn vàng rồi ra đi
Chúng tôi từ bãi vàng ngược ra để tìm tới trụ sở Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu nằm ngay bên đường chính của làng. Nhìn cảnh hoang tàn, đầy cỏ dại chẳng ai nghĩ đây từng là một công ty khai thác vàng ngay trên cánh đồng vàng.
Năm 1992, công ty này (thuộc Tập đoàn Besra) được cấp phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu mỏ vàng Bồng Miêu. Sau nhiều năm đào được nhiều tấn vàng, công ty chây ì, nợ thuế, nhiều khoản nợ khác và tòa có quyết định mở thủ tục phá sản.
Doanh nghiệp "bay", nhưng địa phương thì phải lãnh. Vậy là tỉnh trình Bộ TN-MT phê duyệt đề án đóng cửa mỏ Bồng Miêu. Đề án đóng cửa mỏ vàng với kinh phí 19,5 tỉ đồng với nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh gần 13 tỉ đồng và tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường do công ty trên đã nộp hơn 6,4 tỉ đồng.
Việc đóng cửa mỏ vàng thực hiện trên diện tích 368ha dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành và mới đây đơn vị thi công đã bắt tay đóng cửa mỏ.
Dân tự nộp sái quặng vàng
Chúng tôi nhớ tầm tháng 8-2015, lần đầu tiên xã Tam Lãnh phát động thu gom sái quặng tuyển vàng ở khu dân cư dựa trên tinh thần tự giác giao nộp của người dân.
Ông Nguyễn Thế Vinh nhớ lại bấy giờ ông cùng nhiều cán bộ đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động người dân. "Hồi đó dân vào mỏ vàng đào lấy quặng về xay đãi lấy vàng, sử dụng cyanua, hóa chất tuyển vàng rồi thải nước tràn lan khiến môi trường khu dân cư ô nhiễm", ông Vinh kể.
Mất một thời gian kiên trì vận động, chính quyền đã thu vài... chục tấn quặng. "Cũng kể từ đó người dân bỏ luôn chuyện vào các bãi vàng đào lấy sái quặng về nhà đãi vàng, môi trường đỡ bị ô nhiễm", ông Vinh kể.
Kỳ tới: Phận nghèo ở thủ phủ vàng
TTO - 23 năm qua không chút manh mối nào về người em, người cha mất tích khi đi đào vàng, một gia đình ở huyện Thanh Chương, Nghệ An đã tuyệt vọng nghĩ sẽ không còn gặp lại được người thân. Cho đến một ngày...