Từ địa phương có nền kinh tế thuần nông, Trảng Bom trở thành huyện công nghiệp phát triển, cùng với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành và TP Biên Hòa tạo thành trung tâm công nghiệp của tỉnh Đồng Nai.
Đất lành, chim đậu
Khi mới tách huyện, dân số Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) chỉ khoảng 200.000 người, đến nay đã gần 400.000 người. Theo thống kê, chỉ với 4 khu công nghiệp: Sông Mây, Hố Nai, Bàu Xéo, Giang Điền đã thu hút hơn 120.000 lao động từ các tỉnh trên cả nước và ngoài nước đến làm việc, sinh sống. Đây chính là nguồn lực, là "lực đẩy" quan trọng giúp kinh tế Trảng Bom phát triển như hiện nay.
Bà Vũ Thị Minh Châu - chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết, nhiều người nhận xét Trảng Bom là nơi "đất lành, chim đậu". Thời gian qua, các hoạt động chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho người dân địa phương và người dân nhập cư luôn được huyện đặt lên hàng đầu, bởi lẽ chỉ khi an cư, người dân mới có thể yên tâm lập nghiệp.
Cụ thể, thời gian qua huyện đã thực hiện tốt những chính sách như: nhà ở công nhân, nhà trọ, bảo hiểm, đầu tư phát triển giao thông, đảm bảo nguồn nước, môi trường, đặc biệt là chính sách là chăm lo trường học cho con, em công nhân để các bé được học trong môi trường chuẩn quốc gia.
"Huyện cũng chú trọng xây dựng các điểm vui chơi, giải trí tại mỗi xã, thị trấn. Bên cạnh đó, Trảng Bom cũng có không ít địa điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái thác Giang Điền, thác Đá Hàn, hồ Sông Mây, lòng hồ Trị An… góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân", bà Châu nhấn mạnh.
Chính những chính sách này đã giúp Trảng Bom "níu chân" hàng nghìn công nhân, người nhập cư ở lại, sinh sống lâu dài và cùng địa phương kiến tạo nên những bước phát triển mới.
Thu hút hàng nghìn tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài
Theo UBND huyện Trảng Bom, trong 20 năm qua các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Trảng Bom đã thu hút 223 dự án FDI với vốn đầu tư hơn 2.500 tỷỉ USD.
Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay, công nghiệp đã chiếm hơn 70% trong cơ cấu kinh tế của huyện với tổng vốn đầu tư đạt 3.417 tỷỉ USD.
Còn đối với lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ, giá trị sản xuất khu vực dịch vụ tăng trưởng bình quân hàng năm (giá so sánh 2010) giai đoạn 2004-2022 đạt 17,54%/năm. Năm 2022 giá trị ngành dịch vụ đạt 24.899 tỷỉ đồng, gấp 18,4 lần so với năm 2004 (1.357 tỷỉ đồng). Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 20,9%/năm, tăng hơn 27 lần so với năm 2004.
Bên cạnh đó, các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân cũng như các chương trình bình ổn giá được triển khai thường xuyên.
Nông nghiệp tuy chiếm tỉ trọng không cao trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn giữ vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Những năm gần đây, nông nghiệp Trảng Bom từng bước phát triển theo chiều sâu, giảm diện tích, tăng năng suất, chất lượng.
Đối với trồng trọt, huyện đã hình thành các vùng nông nghiệp sản xuất tập trung và các chuỗi liên kết; đối với chăn nuôi, thì hình thành các trang trại theo mô hình khép kín. Nhờ thực hiện hiệu quả các định hướng trên, đến nay Trảng Bom đã có 10/16 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu đưa Trảng Bom thành thị xã
Bà Vũ Thị Minh Châu - chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết thêm;, trong thời gian tới, Trảng Bom định hướng cơ cấu kinh tế của huyện vẫn là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Lĩnh vực công nghiệp sẽ ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ mới, công nghệ sạch. Huyện cũng chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng trưởng chiều sâu.
Song song đó, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng để tạo điều kiện cho kinh tế phát triển là mục tiêu căn cơ nhất và gần nhất để Trảng Bom tiến gần hơn với mục tiêu thị xã và trở thành một đô thị phát triển hiện đại, thông minh.
Ông Lê Tuấn Anh - Bí thư Huyện ủy Trảng Bom đánh giá có rất nhiều yếu tố góp phần làm nên những kết quả tích cực trên. Ngoài các lợi thế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào… sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, Chính quyền cũng như nhân dân của huyện nhà đã góp phần tạo nên sự bứt phá trong sự phát triển kinh tế - xã hội suốt 20 năm qua.
Trảng Bom đang hướng đến phát triển mọi mặt để trở thành đô thị loại III và lên thị xã trong thời gian tới. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, vì vậy địa phương đã có nhiều phương án để từng bước hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
"Cụ thể, tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đô thị; quy hoạch xây dựng; quy hoạch ngành phù hợp với sự phát triển của đô thị Trảng Bom phù hợp với chức năng và tính chất đô thị theo xu hướng phát triển hiện đại và bền vững", ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Ngoài ra, sẽ thực hiện tích cực các giải pháp huy động vốn, phát triển nguồn thu để tạo nguồn cho chi đầu tư phát triển. Ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh triển khai các dự án, công trình trọng điểm theo định hướng phát triển của huyện giai đoạn 2021-2025. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đúng quy hoạch.