Sáng 27/12, Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm nhóm cựu sĩ quan thuộc Học viện Quân y (HVQY) cùng 3 người khác vì tiếp tay cho Công ty Việt Á, phần do quân đội giải quyết.
10h30 đại diện Viện kiểm sát công bố xong bản cáo trạng dài gần 30 trang. Các bị cáo sau đó không có ý kiến gì về bản cáo trạng.
Là người đầu tiên trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX) và đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) khai, ngày 31/1/2020, nhận được công văn của HVQY về đề xuất nhiệm vụ phát triển kit test Covid-19.
Trước khi nhận công văn, Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) đã gọi điện cho ông Hùng và nói nhóm nghiên cứu của HVQY đã tiếp cận được tài liệu nghiên cứu của nhóm chuyên gia nước ngoài về việc nghiên cứu và chế tạo kit test Covid-19.
Ông Sơn thấy rằng đề tài này rất khả thi nên đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) xem xét, tạo điều kiện.
Sau khi nghe Sơn trình bày, ông Hùng trả lời rằng cần tìm doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO (đây là điều kiện bắt buộc phải có) để Bộ Y tế cấp phép cho bộ kit test xét nghiệm nếu như kết quả nghiên cứu thành công.
Khi đó, ông Sơn có nói biết một doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng lại chỉ sản xuất que thử, không sản xuất kit xét nghiệm PCR nên không thể phối hợp được.
"Lúc đó bị cáo đã nhớ đến Phan Quốc Việt vì Công ty Việt Á đã từng tham gia nghiên cứu việc chẩn đoán xét nghiệm bệnh lao trên toàn quốc. Do đó, bị cáo nói với Sơn là hợp tác với Công ty Việt Á và Sơn đồng ý.
Sau đó, bị cáo liên hệ với Phan Quốc Việt và thuyết phục tham gia vào đề tài của Học viện Quân y. Khi hai bên đồng ý thì Sơn và Việt chủ động liên hệ, làm việc với nhau về hồ sơ, thuyết minh", ông Hùng khai.
Ông Hùng lý giải để Công ty Việt Á tham gia vào đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19 là do thời gian cấp bách, nhóm nghiên cứu không tìm được doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu để phối hợp thực hiện.
Bị cáo Hùng lý giải có 16 năm trong ngành công nghệ nhưng chỉ biết duy nhất Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực, chức năng, đủ điều kiện để nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19.
Ông Hùng thừa nhận mình là người đưa yêu cầu với Hồ Anh Sơn để Công ty Việt Á tham gia nghiên cứu đề tài, nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19.
Sau đó, các bị cáo Hồ Anh Sơn và Phan Quốc Việt không có ý kiến gì trước lời khai của ông Hùng.
Bị cáo Sơn trình bày, bản thân đã soạn văn bản cho Công ty Việt Á cùng nghiên cứu kit test với Học viện Quân y vì được Hùng giới thiệu.
Ngoài ra, bị cáo cũng thừa nhận đã trao đổi với Phan Quốc Việt về việc thu mua tăm bông, ống môi trường.
"Thời điểm đó, việc cung cấp trang thiết bị cho phòng chống dịch vô cùng khó khăn nên bị cáo nhờ nhân viên dưới quyền đi sưu tầm sưu tầm tăm bông, ống môi trường về cung cấp cho Công ty Việt Á.
Lúc đó bị cáo và Việt không thỏa thuận gì về tiền nong, giá cả", ông Sơn khai và cho biết, sau khi chuyển tăm bông, ống môi trường cho Việt Á, công ty này đã chuyển lại cho bị cáo hơn 7 tỷ đồng.
Bị cáo khai về việc dùng số tiền hơn 7 tỷ đồng, một phần bị cáo dùng trong việc mua tăm bông, ống môi trường, còn dư hơn 2 tỷ đồng bị cáo giữ lại trong tài khoản.
Bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) khai, Công ty Việt Á được tham gia vào việc nghiên cứu kit test Covid-19 là nhờ bị cáo Trịnh Thanh Hùng.
Khi đó, ông Hùng nói đây là dịch cấp bách và Việt Á là đơn vị duy nhất đủ điều kiện pháp lý, được Bộ Y tế cấp phép nên đề nghị hợp tác với Học viện Quân y. Và nhiệm vụ của bị cáo là phối hợp với HVQY về nghiên cứu và sản xuất kit test Covid-19.