Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến 2018, Khiêm được phân công công tác tại Công an huyện Bình Chánh.
Năm 2013, chị T.T.H.Y. (ngụ Kon Tum) nhờ Khiêm tìm giúp người bảo lãnh để nhập hộ khẩu tại TPHCM.
Tháng 5/2014, khi làm hồ sơ cấp lại sổ hộ khẩu cho hộ bà Đ.T.Đ. (chị ruột của bà nội Khiêm), anh ta đã viết thêm tên chị Y. vào sổ hộ khẩu, giả chữ kí của Phó đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và giả chữ kí, đóng dấu tên của Phó trưởng Công an huyện Bình Chánh rồi đưa cho chị Y. sử dụng.
Ngày 10/9/2014, chị Y. đến UBND phường 3, quận 3 sao y chứng thực sổ hộ khẩu để sử dụng và trả lại bản chính cho Khiêm. Sau đó, Khiêm mang sổ hộ khẩu này về nhà tiêu hủy.
Đến tháng 10/2016, chị Y. liên hệ với Khiêm mượn sổ hộ khẩu để làm căn cước công dân. Do sổ hộ khẩu đã tiêu hủy, Khiêm lấy sổ hộ khẩu của bà Đ. (sổ này được Khiêm cất giữ khi cấp lại cho bà Đ.) rồi viết thêm thông tin của chị Y. vào và giả chữ kí của cấp trên.
Ngày 17/5/2018, chị Y. đến Công an huyện Bình Chánh đăng kí thường trú để làm hộ chiếu cho con. Khi xuất trình sổ hộ khẩu, cán bộ công an phát hiện sổ hộ khẩu bà Y. không được lưu trữ.
Biết việc làm giả sổ hộ khẩu bị phát hiện, Khiêm đã giao nộp bản chính sổ hộ khẩu cho công an xử lý theo quy định.
Tháng 5/2016, Khiêm, một người đàn ông tên Tâm (chưa rõ lai lịch) xưng là người nhà của bà N.T.D.C.(sinh sống nhiều năm ở nước ngoài) nhờ làm sổ hộ khẩu cho bà C. để làm thủ tục công chứng bán đất.
Khiêm lấy một phôi sổ hộ khẩu mới ghi địa chỉ thường trú của bà C. ở huyện Bình Chánh; giả chữ kí của các cán bộ phụ trách, tự ý đóng số hộ khẩu, đóng dấu. Sau đó, Khiêm giao sổ hộ khẩu cho ông Tâm và nhận bao thư một triệu đồng.
Đến tháng 8/2017, ông Tâm đến Công an xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh đưa bản chính sổ hộ khẩu và giấy đề nghị xác nhận thông tin cá nhân mang tên N.T.D.C. để làm căn cước công dân.
Cán bộ công an xã mang hồ sơ đi tra cứu thì phát hiện chữ ký trong sổ hộ khẩu này giống chữ kí trong sổ hộ khẩu Khiêm làm giả trước đây nên đã báo cáo vụ việc lên cấp trên.