Phó thủ tướng Nga Andrei Belousov cho biết, xuất khẩu dầu của Nga năm nay đã vượt 7% so với số liệu năm 2021, lên tổng cộng 250 triệu tấn. Hiện Nga vẫn duy trì cung cấp năng lượng cho các nước thân thiện.
Tuy nhiên, nguồn cung cho các nước không thân thiện đã giảm 71,4% so với năm 2021. Riêng mức giảm với Liên minh châu Âu (EU) đã là 77,7%.
Theo Phó thủ tướng Nga, các vấn đề khó khăn của năm ngoái như việc thanh toán, bảo hiểm, vận chuyển... gần như đã được giải quyết. Nếu tính theo giá trị, xuất khẩu năng lượng của Nga đã bằng mức năm 2021. Điều này có lợi cho cả ngân sách và các doanh nghiệp nước này.
Bộ Tài chính Nga cũng cho biết nguồn thu của Nga từ bán dầu thô đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10, bất chấp sức ép quốc tế và các dự báo không mấy tích cực. Trong tháng 10, doanh thu ròng từ dầu mỏ của Nga đạt 11,3 tỷ USD.
Một năm qua, Nga tích cực chuyển hướng bán năng lượng từ phương Tây sang châu Á, tận dụng tối đa đội tàu cũ để vận chuyển dầu thô. Các lệnh trừng phạt lên dầu Nga, đặc biệt là quy định giá trần 60 USD/thùng, cũng được đánh giá là ngày càng kém hiệu quả.
Đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ giục G7 siết trừng phạt dầu Nga khi số tàu chở hàng hóa này ngày càng tăng. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho rằng Nga hiện đã đầu tư vào năng lực chuyên chở mới, vận hành mà không cần các dịch vụ của G7 và Australia.
Việc này giúp họ xuất khẩu được nhiều dầu thô hơn với giá bán trên mức trần. Chính vì vậy, Mỹ và G7 cần điều chỉnh cách tiếp cận để thích ứng với tình hình mới.
Các nước bắt đầu siết kiểm soát với mặt hàng này. Nhiều lệnh trừng phạt đã được Mỹ áp lên các hãng vận tải biển và tàu chở dầu Nga có giá vượt trần của G7.
Xem thêm: mth.37725720272213202-us-neihc-court-cum-touv-agn-auc-uahk-taux-uad-gnoul/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad