Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An - cho biết, tính đến ngày 22/12, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới 116 dự án, tăng 3,6 lần so với năm 2022; điều chỉnh 185 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là gần 57.900 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch cả năm (30.000-35.000 tỷ đồng).
Đặc biệt, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm đạt 1,603 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng thu hút đầu tư nước ngoài vào địa bàn Khu kinh tế Đông Nam đạt 1,595 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết, năm nay, thu hút đầu tư vào địa phương này đã vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó đầu tư nước ngoài là điểm sáng. Năm nay cũng là năm đầu tiên Nghệ An vượt mức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 1 tỷ USD.
Các kỷ lục về thu hút đầu tư FDI liên tục được địa phương này xác lập. Nếu vào tháng 8 tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD thì vào cuối tháng 11 đã tăng lên gần 1,4 tỷ USD. Đến cuối năm nay, kỷ lục vốn đầu tư nước ngoài vào Nghệ An tiếp tục được lập với 1,6 tỷ USD.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, kết quả này là sự nỗ lực liên tục, kiên trì của cả hệ thống chính trị; là quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư; không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường đầu tư thực sự thông thoáng và hấp dẫn, thu hút các dự án lớn...
Cùng với chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh Nghệ An thực hiện "5 sẵn sàng" về quy hoạch, hạ tầng thiết yếu, mặt bằng đầu tư, nguồn nhân lực và hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư.
Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực này cũng được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm, tạo sự thông thoáng trong giải quyết, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài chỉ mất 5-7 ngày để hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Nghệ An.
Đơn cử, dự án có tổng mức đầu tư 165 triệu USD của Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc) chỉ mất 2 tháng làm thủ tục và sau 1 tuần nộp hồ sơ đề xuất được tỉnh Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dự án này chuyên sản xuất hợp kim nhôm, công suất thiết kết 100.000 tấn/năm, dự kiến tháng 10/2024 sẽ chính thức đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Vsip (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động.
Tương tự, dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp môđun camera, camera điện thoại di động, camera ô tô và các thiết bị điện tử khác của Tập đoàn Sunny có tổng mức đầu tư 150 triệu USD cũng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau 1 tuần nộp hồ sơ vào địa phương này.
Trụ sở nhà máy đặt tại Khu công nghiệp WHA (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), dự kiến sử dụng 20.000 lao động khi đi vào hoạt động.
Tiếp nối thành công thu hút đầu tư FDI trong năm 2023, tỉnh Nghệ An đang gấp rút giải phóng mặt bằng để triển khai dự án VSIP Nghệ An II (diện tích 500 ha, tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, Diễn Châu) và Khu công nghiệp Hoàng Mai II diện tích hơn 334 ha (tại thị xã Hoàng Mai) để sẵn sàng đón các nhà đầu tư...
Mục tiêu năm 2024 là Nghệ An góp mặt vào nhóm 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước.