Không chỉ đánh giá cao quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa công bố mới đây, nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước còn hiến kế để "hiệu triệu" đầu tư, thu hút "đại bàng" về Bình Định.
Quy hoạch như tuyên ngôn để hiệu triệu, thu hút "đại bàng"
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quy hoạch tỉnh Bình Định không chỉ có vai trò dẫn dắt mà còn là một công cụ đặc biệt hiệu quả để "hiệu triệu" đầu tư, thu hút "đại bàng" đúng nghĩa, giúp Bình Định tạo đột phá phát triển trong nỗ lực đi sau - vượt trước.
"Không phải tình cờ, không hề khoa trương khi mục tiêu xuyên suốt quy hoạch tỉnh là xây dựng Bình Định thành điểm đến tầm cỡ thế giới, hàng đầu khu vực", PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.
Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng quy hoạch đặt ra những bài toán phát triển mang tính thách thức cao cho Bình Định.
"Khát vọng lớn thì đương nhiên thách thức phải cao, nhưng đặt ra thách thức đúng cũng có nghĩa là tạo được cơ sở quan trọng để giải quyết vấn đề, biết chuyển thách thức thành cơ hội", PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Cũng theo ông Thiên, quy hoạch mở rộng cho Bình Định những cơ hội chưa từng thấy, đồng thời, chuyển biến cơ hội thành lợi ích phát triển thực tế đang diễn ra với sự ủng hộ của Trung ương, sự phối hợp vùng.
Đặc biệt hơn hết là trong khí thế hành động đầy tinh thần đột phá và chất trí tuệ của Bình Định. Với tinh thần đó, không có lý do gì để hoài nghi triển vọng thành công của Bình Định bắt đầu từ hôm nay.
Đường ven biển mở ra không gian phát triển kỳ diệu
Theo TS Trần Du Lịch, quy hoạch tỉnh Bình Định là một cuộc cách mạng về quy hoạch, lần đầu tiên trong mảng quy hoạch tích hợp, tất cả các ngành, lĩnh vực gắn vấn đề phát triển với sử dụng tài nguyên, an ninh quốc phòng.
"Trước đây, khi nói tới quy hoạch thường chỉ phát triển cái nọ, cái kia nhưng không trả lời vấn đề phát triển ở đâu, chỗ nào, quy mô, nguồn lực nào. Quy hoạch lần này đã trả lời các vấn đề đó", TS Trần Du Lịch cho hay.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu quy hoạch khó một thì việc hiện thực hóa quy hoạch khó 5-7 lần. Bình Định cần tiếp tục quan tâm đầu tư tạo đột phá về hạ tầng giao thông.
"Đặc biệt tuyến đường ven biển đang nổi bật nhất khu vực miền Trung, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển kỳ diệu về đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch ven biển, tạo đột phá phát triển kinh tế của tỉnh. Tuyến đường thứ hai là cao tốc Quy Nhơn - Gia Lai. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường này không đơn thuần là để giải quyết giao thương mà còn tạo động lực phát triển rất nhiều lĩnh vực khác cho Bình Định, Gia Lai và cả khu vực", TS Trần Du Lịch gợi ý.
Đồng thời, trong phát triển kinh tế, Bình Định cần chú trọng nhiều hơn đến phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai thác được tiềm năng, lợi thế kinh tế biển.
Đặc biệt, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, Bình Định "đi sau" thì phải kiến tạo, kiên trì về phát triển xanh. Bình Định có 58% rừng che phủ, nếu tiếp tục trồng gỗ lớn, đây là nguồn tài nguyên lớn phải nắm bắt chính sách của Chính phủ để đi nhanh vào thị trường cacbon nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, ưu tiên phát triển các dự án điện gió ngoài khơi để chuyển đổi năng lượng nhằm phục vụ kinh tế xanh. Đây là một điểm đột phá của đột phá nếu Bình Định tận dụng lợi thế này.
Nói về du lịch, TS Trần Du Lịch cũng thẳng thắn, Bình Định được biết đến là "đất võ, trời văn", phải làm sao thổi hồn "đất võ, trời văn" vào sản phẩm du lịch, đó mới là độc đáo. Bình Định muốn phát triển du lịch phải lấy Quy Nhơn là điểm đến của châu Á và tầm nhìn toàn cầu.
Xem thêm: mth.75183952262213202-gnab-iad-tuh-uht-hnid-hnib-puig-ek-neih-aig-neyuhc/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad