Đề tài nghiên cứu sản xuất kit test bắt đầu từ năm 2020, kinh phí nhà nước cấp gần 19 tỷ đồng, do Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (thuộc Học viện Quân y) phối hợp Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện. Học viện Quân y là đơn vị tổ chức chủ trì. Bị cáo Hồ Anh Sơn (cựu thượng tá, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự) là chủ nhiệm đề tài.
Sáng nay, trình bày trước Tòa án Quân sự Thủ đô, đại diện Học viện Quân y cho hay 19 tỷ đồng đã được Học viện giao cho nhóm ông Sơn song không rõ cụ thể được sử dụng ra sao.
Chủ tọa ngay sau đó hỏi vị đại diện về việc "có phải Học viện Quân y đã chuyển cho Việt Á 10,8 tỷ đồng và chuyển ông Hồ Anh Sơn gần 7,7 tỷ đồng?". Phía Học viện nói "đúng" và cho rằng do đây là tiền Ngân sách, các bị cáo Việt và Sơn cần hoàn trả để đơn vị xử lý theo quy định về ngân sách.
Phủ nhận lời trình bày này, đại diện Công ty Việt Á, bị đơn dân sự trong vụ án, nói mới nhận được một tỷ chứ không phải 10,8 tỷ đồng.
"Một tỷ, chứ không phải 10,8 tỷ?", chủ tọa hỏi lại, đại diện Việt Á đáp: "Đúng một tỷ".
Về các sai phạm trong quá trình thực hiện đề tài, phía Việt Á trả lời không thể nói chính xác mà cần hỏi nhóm nghiên cứu của công ty, các bên trực tiếp thực hiện.
Cáo trạng quy kết do sự "thông đồng, gian dối" của Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và các đồng phạm, sản phẩm kit test do Việt Á nghiên cứu dù không liên quan quy trình của Học viện Quân y song đã "mượn danh" để được nghiệm thu, cấp phép sản xuất. Trong khi quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm để nghiệm thu, dẫn đến đề tài không hoàn thành.
Số tiền Học viện Quân y được cấp để thực hiện đề tài, gần 19 tỷ đồng, đã giải ngân cho Công ty Việt Á và ông Hồ Anh Sơn, do đó được tính là thiệt hại vụ án.
Phan Quốc Việt: Việt Á là công ty hàng đầu về sản xuất kit test
Nhà chức trách xác định, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt thông qua sự "giới thiệu, chỉ đạo" của Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, đã được tham gia đề tài với Học viện Quân y. Trước đó trong bản đề xuất của nhóm nghiên cứu không có tên Việt Á.
Trình bày tại phiên tòa, Việt khai Việt Á tham gia vì là doanh nghiệp "hàng đầu" trong sản xuất kit test. Việt xác nhận được ông Hùng gọi điện thoại đề cập, gợi ý tham gia đề tài vì Việt Á "đủ điều kiện" về ISO do Bộ Y tế yêu cầu.
"Hơn nữa, trước khi nói chuyện với anh Hùng, Việt Á cũng đang nghiên cứu rồi, ngay khi Trung Quốc bùng dịch Covid-19", bị cáo Việt nói.
Giải thích về việc giới thiệu Việt Á vào làm đề tài cùng Học viện Quân y, bị cáo Trịnh Thanh Hùng nêu lại bối cảnh. Khi đó, đầu năm 2020, ông Hùng được ông Sơn gọi điện thoại thông báo Học viện đang thực hiện đề tài nghiên cứu kit test, có tính khả thi cao và đề nghị hỗ trợ.
Ông Hùng nói để sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, Học viện cần tìm được doanh nghiệp cấp chứng chỉ ISO 13485, "đây là điều kiện bắt buộc".
"Ông Sơn liên hệ nhiều doanh nghiệp nhưng không đơn vị nào có ISO này, nên sau đó tôi nhớ đến Việt Á vì từng hợp tác với Học viện Quân y năm 2013 trong sản xuất kit test PCR bệnh lao. Tôi nói với Sơn là có thể hợp tác với Việt Á và được đồng ý", ông Hùng trình bày.
Cựu vụ phó Hùng nói mình và Tổng giám đốc Việt "đã không liên lạc 4-5 năm", và ông chỉ liên lạc gợi ý để Việt và Sơn tự liên hệ với nhau, chứ không tham gia gì thêm.
"Tóm lại lý do ông giới thiệu Việt Á vào đề tài là gì?", chủ tọa truy vấn. Ông Hùng nêu 4 lý do: Nhu cầu chống dịch cấp bách nhưng Học viện Quân y chỉ là đơn vị nghiên cứu, không có chứng chỉ ISO để tự sản xuất, kể cả nghiên cứu thành công cũng không được Bộ Y tế cấp phép sản xuất; Học viện không tìm được doanh nghiệp nào có chứng chỉ ISO phù hợp; 16 năm công tác, ông Hùng chỉ biết duy nhất Việt Á có chức năng, năng lực, điều kiện ISO và sản phẩm của họ đã được cấp phép.
Đối chất, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn nói "không có ý kiến gì" về lời khai của ông Hùng.
"Có phải bị cáo đã bổ sung tên Công ty Việt Á vào đề xuất thực hiện đề tài theo chỉ đạo của ông Trịnh Thanh Hùng?", HĐXX hỏi. Bị cáo Sơn trả lời: "Anh Hùng chỉ 'có ý kiến', không chỉ đạo".
Ngoài cáo buộc "thông đồng" trong sai phạm này để nhận lót tay 2,5 tỷ đồng, cựu phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự Hồ Anh Sơn còn bị xét xử với cáo buộc mua, bán tăm bông, ống môi trường "trôi nổi" ở bên ngoài, dán nhãn Học viện Quân y và cung cấp cho Công ty Việt Á, thu lợi 2,1 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Sơn khai làm điều này trong bối cảnh chống dịch rất khó khăn, vật tư thiếu thốn. Việc cung cấp cho Việt Á chỉ với mục đích chống dịch, không có thảo luận gì về lợi nhuận. Số tiền được Việt Á chia, bị cáo khai "vẫn để nguyên trong tài khoản, không tiêu gì".
Chiều nay phiên tòa tiếp tục làm việc.
Phiên sơ thẩm dự kiến kéo dài 3 ngày, xét xử 7 bị cáo thuộc 2 nhóm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ông Sơn, ba cựu sĩ quan thuộc Học viện Quân y bị xét xử là ông Nguyễn Văn Hiệu, từng là đại tá, Trưởng Phòng Trang bị Vật tư; Ngô Anh Tuấn, từng là thiếu tá, Trưởng Phòng Tài chính và Lê Trường Minh, cựu thiếu tá, cựu trưởng Ban Hóa dược.
Ba bị cáo còn lại là ông Hùng, Việt và Vũ Đình Hiệp (phó tổng giám đốc Việt Á).
Thanh Lam