vĐồng tin tức tài chính 365

10 phút Phan Quốc Việt tự bào chữa

2023-12-29 03:37

Sáng nay, tự bào chữa kéo dài gần 10 phút, Tổng giám đốc 43 tuổi của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thừa nhận sai phạm, song ba lần phủ nhận cáo buộc "phạm tội vì động cơ vụ lợi".

Bị cáo Việt cho rằng khi tham gia nghiên cứu, sản xuất kit test cùng Học viện Quân y, Việt Á bị thiệt hại nhiều hơn là có lãi. "Học viện Quân y mà làm được thì Việt Á không bao giờ đầu tư vào", Việt trình bày.

Lời khai hôm qua khẳng định Việt Á là "doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam" trong lĩnh vực sản xuất kit test, vật tư y tế, sáng nay ông chủ Việt Á tiếp tục nhấn mạnh "chỉ Việt Á có kit xét nghiệm" trong giai đoạn đầu bùng dịch Covid-19. Sau này có một số đơn vị làm "nhưng không ai đáp ứng được và có chất lượng như Việt Á", Việt nói.

Nói với tinh thần "xông vào tâm dịch, chấp nhận hy sinh cả tính mạng", bị cáo khẳng định mình và công ty không vụ lợi. "Cả nước cần Việt Á, tôi nói thẳng điều đó. Cả nước cần Việt Á về vấn đề kit test", Việt khai và cho hay đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hiệu quả mang lại rất rõ ràng.

Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt, sáng 28/12. Ảnh: Ngọc Thành

Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt, sáng 28/12. Ảnh: Ngọc Thành

Việt dẫn chứng, đợt dịch bùng phát ở tỉnh Bắc Giang kéo dài hàng tháng và "chỉ khi Việt Á vào, trong 3 tuần đã chống dịch thành công". Vì thế, Việt cho rằng "công trạng của Việt Á là điều không thể phủ nhận".

"Xin quý tòa cân nhắc, bị cáo làm tất cả vì nhân dân, đất nước", Việt nói với tông giọng cao, khua múa chân tay. Ngay lập tức, chủ tọa nhắc nhở có thể trình bày thoải mái nhưng cần "chú ý điều chỉnh cử chỉ, lời nói đúng chừng mực".

Việt sau đó cười, nói "xin thứ lỗi" do tâm trạng đang cao trào, nhiều cảm xúc nên đôi khi không để ý đến ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu.

Sáng nay, Việt bị VKS đề nghị 26 năm tù cho hai tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng - mức án cao nhất trong 7 bị cáo.

Công ty Việt Á phải trả 10,8 tỷ đồng đã nhận từ Học viện Quân y để thực hiện đề tài và thêm 20,6 tỷ đồng phạt hành vi vi phạm quy định đấu thầu, tổng hơn 31 tỷ đồng.

Cựu thượng tá Hồ Anh Sơn: Ở hoàn cảnh tôi, mọi người sẽ làm thế nào?

Trong 7 bị cáo của vụ án, bốn cựu sĩ quan quân y bị VKS đề nghị 3-13 năm tù. Người bị đề nghị mức án cao nhất là cựu thượng tá, cựu phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự thuộc Học viện Quân y, với 11-13 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bốn luật sư bào chữa cho cựu thượng tá Sơn cùng cho rằng mức án với thân chủ còn "quá nghiêm khắc".

Luật sư Hà Trọng Đại không đồng ý với quan điểm VKS cho rằng ông Sơn "phạm tội trong dịch bệnh để trục lợi". Theo luật sư, cựu thượng tá Sơn với trách nhiệm của nhà nghiên cứu khoa học, trách nhiệm người lính đã nhận thấy mình và đồng nghiệp có khả năng nghiên cứu thành công kit test nên mới nhận việc này. "Bị cáo không có âm mưu thủ đoạn, mục đích vụ lợi", luật sư bào chữa.

Theo luật sư, hồ sơ vụ án cũng thể hiện việc nghiên cứu đã thành công nhưng sau đó phát hiện độ nhạy không cao bằng kit test của Việt Á nên mới chọn của Việt Á đưa đi kiểm nghiệm tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Nêu bối cảnh dịch bệnh cấp bách, chỉ trong một tháng nhóm nghiên cứu đã phải tìm ra phương pháp, sản xuất kit test xét nghiệm Covid, luật sư Nguyễn Đình Huề cho rằng thân chủ nhận thức đơn giản "nghĩ hai cơ quan (Học viện Quân y và Việt Á) song song thực hiện, sản phẩm bên nào tốt hơn thì ưu tiên".

Các bị cáo sau đó đều nhận thấy kit của Việt Á nhạy hơn "nhưng cái sai mà sau này ông Sơn mới nhận ra là đã không đưa cả kit của Học viện Quân y đi kiểm nghiệm", luật sư bào chữa.

Tự bào chữa sau đó, ông Sơn nói chưa đầy một phút, trong đó nêu băn khoăn: "Tôi chỉ có một câu không biết phải hỏi ai. Nếu ở hoàn cảnh như tôi, trước chất lượng hai loại kit như vậy, mọi người sẽ chọn cái nào, sẽ làm gì?".

Từ trái qua, bị cáo Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Từ trái qua, bị cáo Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó, bào chữa rằng nhận thức của ông, Sơn và Việt khi thực hiện nhiệm vụ này là tìm ra quy trình công nghệ sản xuất bộ kit xét nghiệm tối ưu và kết quả của đề tài là tài sản của Nhà nước. "Nếu tòa ghi nhận cái nhận thức đó thì tội danh của cả ba bị cáo có thêm sự khoan hồng", ông nói.

Cựu vụ phó cho rằng, theo quy định pháp luật, Nhà nước phải chi tiền mua kết quả nghiên cứu để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong dịch bệnh nên ông tâm niệm phải làm đúng quy định. "Công lao của ba bị cáo làm tăng hiệu quả kết quả nghiên cứu, tăng tài sản cho nhà nước nay bị kết tội làm sai luật, mong tòa xem xét" ông Hùng nói.

Ông giãi bày luôn được cơ quan điều tra, tố tụng nói "một hành vi sai phạm chỉ bị khởi tố và xét xử một lần" nhưng sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra, ông lại bị Bộ Quốc phòng khởi tố trong vụ án này. "Các cán bộ tại Bộ Công an và Quốc phòng đều nói sẽ gộp lại xét xử tại một tòa án chứ không tách thành hai. Nhưng cuối cùng bị cáo vẫn bị tách ra xét xử ở hai tòa án khác nhau, điều này rất thiệt thòi cho bị cáo", ông Hùng trình bày.

Do vấn đề này đã được các luật sư bào chữa nêu nhiều lần, ông Hùng bị tòa ngắt lời. Ông Hùng nói muốn trình bày nội dung thứ ba nhưng hiện mất bình tĩnh nên không nhớ, xin được ngồi nghỉ và bổ sung sau.

Ngoài vụ án này, ông Hùng cũng là một trong 38 người sẽ bị Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử ngày 3/1/2024, trong vụ án khác cũng liên quan Việt Á.

Ông Trịnh Thanh Hùng tại phiên luận tội sáng 28/12. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Trịnh Thanh Hùng tại phiên luận tội sáng 28/12. Ảnh: Ngọc Thành

Cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương nêu, đầu năm 2020 khi Covid-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất được phát triển kit test xét nghiệm trong đề tài nghiên cứu có tổng kinh phí 18,98 tỷ đồng. Đề tài sau đó được Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (thuộc Học viện Quân y) triển khai; ông Sơn là chủ nhiệm. Công ty Việt Á cùng tham gia với tư cách là đơn vị phối hợp nghiên cứu, chế tạo, theo yêu cầu từ vụ phó Hùng.

Quá trình nghiên cứu, ông Hùng, Sơn và Việt cho rằng kit test của Việt Á tốt hơn nên thống nhất không cần Học viện Quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu mà để Việt Á tự sản xuất 20.000 sản phẩm.

Ba bị can đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y) để thử nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu đề tài.

Theo VKS, do Hội đồng nghiệm thu không biết hành vi gian dối của ba người này, cũng không biết quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không liên quan bộ kit Việt Á nộp nghiệm thu. Hậu quả, quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm được thử nghiệm, đánh giá và đề tài của Học viện Quân y không hoàn thành.

Tổng giám đốc Việt Á bị cáo buộc tiếp tục sử dụng kết quả nghiệm thu này để gian dối trong làm thủ tục, sau đó được Bộ Y tế ra quyết định cấp phép lưu hành.

VKS xác định, hành vi gian dối của 3 bị can Hùng, Sơn, Việt đã gây thiệt hại 18,5 tỷ đồng - khoản tiền giao Học viện Quân y làm đề tài. Ông Hùng bị cáo buộc nhận "lót tay" 350.000 USD từ Việt Á, ông Sơn nhận 2,5 tỷ đồng.

Thanh Lam

Xem thêm: lmth.4144964-tset-tik-uuc-neihgn-gnort-iol-uv-a-teiv-nahn-uhp-teiv-couq-nahp-oac-ib/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“10 phút Phan Quốc Việt tự bào chữa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools