Ngày 28-12, ông Trần Hải Bắc, đại diện Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, đơn vị thi công san lấp tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cho biết cùng ngày đơn vị này đã chính thức khởi công khai thác khoảng sản cát lấp trên sông Tiền phục vụ dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Mỏ cát nằm trên sông Tiền rộng hơn 24ha, thuộc hai huyện Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Bắc, thời gian khai thác từ nay đến hết tháng 1-2025.
Trong thời điểm khan hiếm nguồn cát phục vụ thi công công trình giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm hiện nay, việc đưa vào khai thác mỏ cát có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Trần Đình Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) - cho biết dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án được khởi công từ tháng 1-2023 sau một năm triển khai thực hiện, gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường.
Cùng với những khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, thời tiết bất lợi... dẫn đến việc thi công chậm khoảng 6 tháng và sản lượng chỉ đạt 17,3% (kế hoạch năm là 35%).
Theo ông Thi, đến nay các khó khăn của dự án đã cơ bản được tháo gỡ. Đặc biệt, về vật liệu, các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp đã giới thiệu các mỏ cát cho dự án với trữ lượng đạt khoảng 16 triệu m3.
Hiện đã hoàn thiện các thủ tục để khai thác khoảng 6 triệu m3, các nhà thầu đã khai thác và tiếp nhận được hơn 1,5 triệu m3 về công trường, các mỏ còn lại hiện đang được các địa phương tiếp tục xử lý hoàn thành thủ tục trong thời gian tới.
Trước đó, vào tháng 9-2023, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã bàn giao một mỏ cát cho nhà thầu để cung ứng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với trữ lượng khoảng 547.000m3.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề xuất xem các công trình trọng điểm được nêu trong nghị quyết của trung ương là công trình trọng điểm quốc gia, và sớm hoàn thành thí điểm dùng cát biển san lấp những công trình trọng điểm.