KHÔNG PHẢI TUYẾN ĐƯỜNG NÀO CŨNG THU PHÍ
Ngày 28.12, ghi nhận tại nhiều tuyến đường trung tâm và ngoại thành ở TP.HCM, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra như lâu nay. Đơn cử, đường Nguyễn Xí (P.13, Q.Bình Thạnh) đoạn giữa đường Phạm Văn Đồng đến Nơ Trang Long biến thành khu chợ tự phát, đủ loại rau củ quả, thực phẩm tươi sống bày bán trên vỉa hè. Tương tự, các tuyến đường Hoa Phượng, Hoa Đào, Hoa Mai (Q.Phú Nhuận) có nhiều quán cà phê, công ty, tiệm làm đẹp chiếm dụng vỉa hè đậu xe máy, dưới lòng đường thì dừng đậu ô tô.
Thông tin TP.HCM chuẩn bị thu phí vỉa hè, lòng đường từ ngày 1.1.2024 được người dân quan tâm nhưng vẫn chưa rõ cách thức tổ chức thế nào, đăng ký với ai, chi phí bao nhiêu. Chị Lê Ngọc Khánh, kinh doanh quán ăn trên đường Nguyễn Cảnh Chân (P.Cầu Kho, Q.1), cho biết vì mặt bằng trong nhà không đủ phục vụ nên phải sử dụng vỉa hè để kê bàn và cho khách đậu xe. Quán đã nhiều lần bị nhắc nhở vì lấn chiếm vỉa hè. Nhiều khi khách đang ngồi ăn, lực lượng Quản lý đô thị đến nhắc nhở, phải di chuyển khách qua chỗ khác. Khi nghe thông tin sắp thu phí vỉa hè, chị Khánh đồng tình nhưng băn khoăn không biết cách thức thuê ra sao, mức phí cụ thể để sắp xếp lại quán.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM gửi văn bản hướng dẫn quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn gửi các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh, từ ngày 1.1.2024, vỉa hè mục đích chính vẫn là phục vụ người đi bộ. Những chỗ nào được cấp phép mới được sử dụng, đơn cử như việc tổ chức ma chay, cưới hỏi có sử dụng vỉa hè phải có giấy phép. Chỗ nào cho để xe tự quản thì địa phương phải công bố phạm vi, khu vực từng tuyến đường. Còn sử dụng tạm thời vào mục đích cho thuê để kinh doanh, bãi giữ xe thì phải xây dựng danh mục, lập phương án, tham vấn ý kiến người dân rồi hoàn thiện phương án.
Trả lời câu hỏi người dân bán hàng rong, xe đẩy muốn đăng ký sử dụng vỉa hè làm điểm bán bánh mì, đồ ăn sáng vài giờ có được không, lãnh đạo Sở GTVT giải thích không phải vỉa hè chỗ nào cũng cho buôn bán. "Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã chỉ đạo rồi. Trong 100 tuyến, địa phương chọn 2 - 3 tuyến mà thấy rằng cần thiết, hiệu quả để làm phương án, công bố việc sử dụng cho mục đích gì, thời gian khi nào và phải có lộ trình", vị này nói thêm.
Khi công bố danh mục tuyến đường đủ điều kiện xong, người dân sẽ đăng ký; quận, huyện duyệt phương án thì mới được phép sử dụng. Như vậy, vỉa hè mà không có phương án, không có trong danh mục sử dụng tạm thời thì toàn bộ phải dành cho người đi bộ. Nếu các hộ kinh doanh, tổ chức lấn chiếm vỉa hè, sử dụng khi chưa được cấp phép, chưa đóng tiền thuê, chưa có giấy phép thì địa phương phải xử lý vi phạm theo quy định.
MUỐN THU PHÍ, PHẢI LẬP PHƯƠNG ÁN
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, nhiều địa phương cho biết dù có hướng dẫn của Sở GTVT nhưng vẫn chưa thể áp dụng việc thu phí vỉa hè ngay từ ngày 1.1.2024. Ông Tống Kim Quang, Chủ tịch UBND P.Cầu Kho (Q.1), cho biết phường đã kẻ vạch sơn trên 5 tuyến đường đủ điều kiện theo hướng dẫn tại Quyết định 32/2023 của UBND TP.HCM, gồm: Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Đình Xu, Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Văn Cừ. Dù vậy, ngay từ đầu năm 2024 phường chưa thể thu phí vì còn chờ kế hoạch của quận.
Trả lời câu hỏi từ năm 2024 sẽ quản lý ra sao, ông Quang nói phường vẫn sẽ tuyên truyền để người dân hiểu về chủ trương của thành phố, đồng thời tuần tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp lấn chiếm theo quy định. Theo rà soát của UBND Q.1, toàn quận có 155 tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm vỉa hè vào mục đích khác, gồm 85 tuyến làm điểm giữ xe tự quản, 16 tuyến giữ xe có thu phí và 54 tuyến làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa.
Còn đại diện Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh cho biết quận rà soát có khoảng 18 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức thu phí vỉa hè như: Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Xí, Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Gia Trí... Tuy nhiên, địa phương chưa thể thu phí ngay từ tháng 1.2024 vì còn liên quan đến việc bàn giao hạ tầng, lập danh mục các tuyến đường, vị trí đủ điều kiện. Chưa kể, muốn thu phí phải lập phương án trình các sở, ngành thẩm định, thành phố phê duyệt.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT, sau khi tổng hợp danh mục, địa phương gửi Công an TP.HCM, Ban An toàn giao thông và Sở GTVT cùng các tổ chức liên quan có ý kiến rồi mới ký quyết định ban hành, đăng tải công khai để người dân biết.
Trước những thắc mắc này, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT), cho biết đến nay đã đủ cơ sở pháp lý để các quận, huyện triển khai thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường. Cụ thể, HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết về mức phí, UBND TP.HCM có Quyết định 32 về việc quản lý và sử dụng tạm thời, Sở GTVT có hướng dẫn kỹ thuật cách thức thực hiện.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, việc thu phí sẽ sử dụng phần mềm quản lý để đảm bảo công khai, minh bạch, người dân dễ giám sát. Ông Đường cho biết Sở GTVT đang xin chủ trương và bố trí vốn, dự kiến cuối tháng 6.2024 sẽ hoàn thành.
"Vậy trong khi chờ phần mềm, người dân có phải nộp phí sử dụng và cơ quan nào sẽ thu?". Giải đáp câu hỏi này, đại diện Sở GTVT cho biết quận, huyện sẽ thu cùng lúc với việc cấp phép sử dụng hoặc khi thông qua việc sử dụng vỉa hè. Mức phí cụ thể theo Nghị quyết 15/2023 của HĐND TP.HCM.
Cấp phép trong 5 ngày
Hồi tháng 10.2023, Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính đặc thù trong lĩnh vực đường bộ đối với thủ tục cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè.
Người dân có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của Sở GTVT hoặc UBND các quận, huyện theo phân cấp quản lý. Hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp phép, bản vẽ vị trí mặt bằng (đầy đủ thông tin vị trí sử dụng, phạm vi sử dụng, phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông). Riêng trường hợp sử dụng làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng thì kèm theo bản sao giấy phép xây dựng. Trong vòng 5 ngày làm việc, bộ phận một cửa sẽ cấp giấy phép, hoặc văn bản từ chối kèm theo lý do. Giấy phép sử dụng tạm thời có thời hiệu tối đa 12 tháng, nếu quá hạn phải cấp phép lại.