"Đây là bông giấy tím tuyết siêu bông. Cây đang nhiều bông, giá 220.000 đồng bao ship toàn quốc cô chú anh chị ơi. Chúc cô chú xem live vui vẻ, nhớ bấm phô lô (follow - theo dõi) tụi em nghen", giọng nam thanh niên hào hứng lúc 19h30 trên kênh cây cảnh Nguyễn Thành.
"Lên lai" cô chú anh chị ơi
"Ruby đỏ này 280.000 đồng, màu bông rất là rực rỡ luôn", vừa nói anh Thành (20 tuổi, ngụ Sa Đéc, Đồng Tháp) vừa nghiêng chậu, nhắc khách chụp hình cây và bình luận chốt. "Anh mà không chốt là em cầm cây vậy hoài luôn anh ơi", anh chèn vài miếng tấu hài. Xa xa ngoài góc sân, cậu anh đầu đội đèn pin, tay bưng hai chậu hoa cỡ nhỏ vào tiếp tế đứa cháu trên "sân khấu".
Cách mấy cú lướt ngón tay, một kênh cây cảnh có địa chỉ Lấp Vò, Đồng Tháp với người livestream trong trang phục áo bà ba màu vàng, khăn rằn, gắn micro nhỏ duyên dáng giới thiệu những chậu hoa cao hơn đầu người. Giọng miền Tây ngọt ngào, lâu lâu chị kèm vài điệu hát "Xuân đã về, xuân đã về...". Khi khách chốt, kênh phát ra hiệu ứng vỗ tay vui tai.
Những kênh tương tự có khi livestream gần sáng mới ngưng. "Hoành 24, cao 1,8m, ngang 1,4m, giá củ rưỡi. Mai có đế (gốc lớn), nút nụ. Anh chị nào chốt lên số điện thoại liền" - anh Chung, chủ một kênh bán mai, báo giá cho chậu cây trên chiếc bàn xoay 360 độ.
Đưa máy đến gần cây, anh vạch lá cho người muốn xem nụ, rồi lia xuống để khách kiểm tra gốc. Gần nửa đêm Noel nhưng ê kíp một người livestream, một người phụ phản hồi bình luận và ghi nhận thông tin khách, người còn lại "lên cây, xuống cây" vẫn miệt mài giữa vườn mai. Cây nào chốt, khi xuống cây họ sẽ lấy bút dạ ghi thẳng thông tin lên bồn cây.
Anh Chung cho biết cận Tết anh "lên lai" (cách gọi từ livestream) thường xuyên hơn, riêng hai ngày cuối tuần liên tục 12 tiếng từ sáng tới nửa đêm. Mai vườn nhà anh ở Chợ Lách (Bến Tre) chủ yếu là cây lớn nên giá mỗi cây từ 1,4 triệu đồng tùy độ non, già, dáng dấp.
"Tôi mới làm live thôi. Nhằm bữa có view bán được vài chục cây nhưng có hôm lèo tèo vài chục view thì chốt mãi mới được dăm bảy đơn. Phí ship khoảng trên dưới 100.000 đồng/cây", anh cười nói.
Vựa mai tại Bến Tre của Phương Tuyền và chị gái cũng livestream bất kể ngày đêm. Kênh bán hầu như tất cả các loại mai, từ mai ghép nhỏ giá 200.000 - 300.000 đồng đến mai bon sai dáng đẹp vài triệu đồng...
"Vườn em có tầm 10 năm nay thì cũng live TikTok tầm hai năm, trước đó là trên Facebook", Tuyền cho biết. Khách mua từ khắp nơi, gửi ra tận Ninh Bình, Hà Nội... lạnh giá nên chị vừa bán vừa chỉ khách dùng đèn chiếu sáng, sưởi ấm để hoa nở đúng Tết.
Đơn hàng tăng so với bán trực tiếp
Kinh doanh hoa kiểng đã năm năm nhưng từ tháng 10 năm nay anh Thành mới bắt đầu livestream, có bữa khoảng 5.000 người xem. "Thấy mấy chỗ khác livestream bán nên tôi học hỏi. Không chỉ vườn mình, tôi còn phụ nhà cậu bán cách đó một cây số", anh bộc bạch. Mỗi lần lên sóng, anh chốt được 30 - 40 đơn hàng và chú ý không thức quá khuya khi hơn 23h là anh "xuống lai".
Trên trang Hoa Hồng Anh gần 100.000 người theo dõi, anh Nguyễn Thế Anh (32 tuổi, huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng vừa livestream gần 20 phút. "Hello xin chào, để em quay hoa hồng lafont cho các bác xem. Loại này cao 1,3 - 1,5m, ra 200 - 300 bông, thơm nức, 2 triệu đồng một cây. Nụ mơn mởn, hoa chuẩn xịn Tết luôn", anh đi lại giữa vườn.
Livestream từ tháng 11 năm ngoái dù tần suất không dày, cộng thêm các video ngắn, anh nói nhờ đó sản phẩm bán tăng nhiều. "Chúng tôi dùng mạng xã hội để tạo tệp khách hàng lớn, trong một năm xây khoảng 350.000 khách hàng mới", anh cho biết.
Để nội dung hấp dẫn, anh đầu tư không chỉ thiết bị quay, micro mà còn cả kiến thức nền tảng mạng xã hội, cách truyền đạt thông tin trồng hoa và cả lối diễn xuất. Anh chia sẻ: "Trước đây tôi cũng từng sản xuất video nhưng nay làm nội dung ngắn trên mạng phải tìm hiểu thêm, chọn lọc nội dung phù hợp".
Anh cùng nhân viên mỗi lần quay nhiều video về hoa, cách trồng... để dùng dần. "Tôi thích mặc áo đỏ khi quay để mang lại năng lượng và cảm giác thoải mái. Sau đó, tôi đặt mua thêm bảy chiếc áo, giờ thấy video áo đỏ là người ta nhận ra liền", anh cười tươi.
Sắp Tết, cơ sở anh tăng cường nội dung gấp đôi trên mạng xã hội, mỗi ngày hai video và sẽ xây thêm hai kênh để có nhiều điểm chạm hơn. "Tôi chú trọng đào tạo nhân viên chuyên môn hóa các khâu, như khi video lên thì sẽ báo cáo số liệu, chú ý tương tác với người xem", anh nói.
Học ăn, học nói, học... livestream
Theo các nhà vườn, việc livestream giúp bán được hàng nhanh hơn nhưng cũng nhiều phiên bất ổn khiến "ban tổ chức" phải cố gắng hết sức giữ hòa khí.
Một số chủ vườn gặp tình trạng khách chốt đơn rồi nhả đơn liên tục, họ phải bưng lên bưng xuống những chậu cây nặng vài chục ký. "Ngày hôm nay livestream gần 12 tiếng mà sáng hôm sau chốt kỹ cũng được đâu sáu đơn. Đa
số khách từ TikTok là khách mới lần đầu mua nên nhiều phiên khách bỏ đơn khá nhiều", anh Chung nói. Theo anh, vườn lớn cả ngàn cây nên việc tìm được khách mua sỉ là sướng nhất nhưng "bán hàng trên TikTok cũng là cách để người ta biết đến vườn và tìm đến mua sỉ".
Chốt đơn xong, khâu vận chuyển và chính sách hậu bán hàng luôn được người bán chú trọng. Anh Thành cho biết mỗi chậu hoa được cặp bốn cây trúc rồi đóng hàng, nên dù vận chuyển miền Nam hay ra tận ngoài Bắc cũng khỏe re. "Các tỉnh gần gần thì vài tiếng là tới, ngoài Bắc khoảng bốn ngày. Chuyển đi xa, chuyện cây rụng bông là có nhưng khách cũng không phàn nàn", anh nói.
Với những đơn hàng từ vài triệu đồng, nhiều nhà vườn còn tặng quà tri ân, như chậu cây nhỏ hoặc bao lì xì. Còn vườn anh Thế Anh có kèm dịch vụ tư vấn, hướng dẫn chăm sóc cây trọn đời. Nếu khách ở Hà Nội, phía anh sẽ có nhân công đến tận nơi chăm cây.
Chập tối, anh Thành lại tranh thủ ăn cơm, đặt giá đỡ điện thoại, gắn micro chuẩn bị cho buổi livestream. Cũng như những nhà vườn đang áp dụng công nghệ để bán hàng, anh mong mùa hoa Tết năm nay sẽ khấm khá.
Người bán chịu không nổi, phải giải thích một thôi một hồi: "Đây là giống mai giảo Thủ Đức, là tên nó vậy chứ em đâu có nói em trồng ở Thủ Đức. Mai nút nụ mà chị kêu toàn lá không? Cây về phải lặt lá rồi nụ mới bung chứ chị. Rồi chị đắt thì nói đắt, đắt thì kêu em bớt chứ sao lại trù em đến Tết cũng không bán được đâu".
Có nhiều kinh nghiệm, anh Nguyễn Thế Anh cho rằng bán hàng trên mạng xã hội cũng như mở cửa hàng ngoài đời, người bán luôn ghi nhớ rằng khách hàng trọng yếu tố con người và niềm tin. Mới đầu, người ta xem kênh vì tò mò, sau đó người bán phải chú trọng xây dựng tệp khách hàng.
"Lòng tin là quan trọng nhất, sau đó đến các loại hàng hóa có dịch vụ và giá thành tốt cộng với chương trình hậu mãi. Những chiến lược bán hàng nếu phù hợp từng sản phẩm, từng đối tượng khách hàng thì sẽ có lợi thế lớn, đặc biệt là mạng xã hội có khả năng bùng nổ trong tích tắc", anh chia sẻ.
Mới đây TP.HCM đã tổ chức nhiều phiên livestream tại chợ Bến Thành, giúp mang về thêm doanh thu cho các tiểu thương. Sắp tới đây tại Đồng Tháp cũng sẽ tổ chức phiên livestream để bán hoa - kiểng Sa Đéc.