Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h04 ngày 29/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao dịch ở mức 78,39 USD/thùng, giảm 1,26 USD, tương đương 1,58% so với phiên trước.
Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) ở mức 71,91 USD/thùng, tăng 0,18 USD, tương đương 0,25% so với phiên liền trước.
Các nhà phân tích cho rằng giá dầu lao dốc trước tình trạng dư cung và nhu cầu yếu.
Theo dự báo từ một số công ty tư vấn lớn trên thế giới, nguồn cung dầu diesel ở châu Á dự kiến tăng vọt vào năm 2024, nhờ các nhà máy lọc dầu mới ở Trung Đông tăng sản lượng và Trung Quốc tăng cường xuất khẩu.
Nguồn cung dầu diesel từ Trung Đông sẽ tăng khi các nhà máy lọc dầu mới của Kuwait và Oman tăng sản lượng và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc có thể tăng lên trong nửa đầu năm 2024, nhờ kỳ vọng Bắc Kinh sẽ ban hành thêm hạn ngạch cho phép các nhà máy lọc dầu xuất khẩu nguồn cung dư thừa và tận dụng mức giá cao hơn ở nước ngoài.
Nhiều thông tin cho biết sản lượng dầu ở Nga, nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia, dự kiến sẽ ổn định, thậm chí tăng trong năm tới do Moscow đã vượt qua phần lớn các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trước đó, kết phiên giao dịch ngày 28/12, giá dầu giảm khoảng 3% do nhiều công ty vận tải biển cho biết sẵn sàng đi qua tuyến Biển Đỏ. Điều này làm giảm bớt lo ngại về gián đoạn nguồn cung khi căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục gia tăng.
Giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 3 giảm 2,39 USD, tương đương 3%, xuống mức 77,15 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2, hết hạn sau khi thanh toán, giảm 1,3% xuống mức 78,39 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ giảm 2,34 USD, tương đương 3,2%, xuống mức 71,77 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch trước đó, cả dầu Brent và WTI đều giảm gần 2% khi các hãng vận tải biển lớn bắt đầu quay trở lại Biển Đỏ.
Theo Reuters, hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch cho hay từ nay, phần lớn các tàu container đi lại giữa châu Á và châu Âu của Maersk sẽ đi qua kênh đào Suez và chỉ chuyển hướng một số tàu đi vòng quanh châu Phi. Hãng vận tải biển CMA CGM của Pháp cũng đang tăng số lượng tàu đi qua kênh đào Suez.
Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, cho biết tuyến đường Biển Đỏ đang mở cửa trở lại và sẽ đưa nguồn cung ra thị trường nhanh hơn nhiều tuần.
Các công ty vận tải lớn đã ngừng sử dụng các tuyến đường Biển Đỏ và kênh đào Suez vào đầu tháng này sau khi nhóm phiến quân Houthi của Yemen bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu thuyền.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu trong các kho dự trữ của nước này giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước, điều này đã hạn chế phần nào đà giảm của giá dầu trong một lúc.
Dù vậy, theo Giovanni Staunovo, nhà phân tích của ngân hàng UBS, giá dầu sau đó đã giảm sâu hơn do các nhà giao dịch hướng sự chú ý vào lượng dầu giảm mạnh ở vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ, nơi các nhà máy lọc dầu đang cố gắng giải phóng hàng tồn kho để tránh thuế cao đối với việc lưu trữ vào cuối năm.
Dữ liệu EIA cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/12, trong khi các nhà phân tích do Reuters thăm dò dự kiến giảm 2,7 triệu thùng. Dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ giảm 11,03 triệu thùng, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2023.
Các nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất ở châu Âu và Mỹ vào năm 2024 có thể thúc đẩy nhu cầu dầu.
VTV.vn - Giá dầu thế giới chốt phiên 22/12 giảm nhẹ, nhưng tăng mạnh trong cả tuần qua, khi vẫn có những lo ngại về sự gián đoạn hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.6703740192213202-maig-ad-iad-ion-uad-aig/et-hnik/nv.vtv